Dự tính cấp bằng lái riêng cho người lái ôtô số tự động - Ảnh: H.T.V. |
Tuổi Trẻ đã lấy ý kiến của một số bên liên quan. Nhiều ý kiến cho rằng việc này là phù hợp vì xuất phát từ nhu cầu của người học.
Không bắt buộc, tùy vào nhu cầu của người học
Ông Nguyễn Văn Thanh - chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam: Tôi thấy việc cấp riêng giấy phép lái xe số sàn và số tự động chứng tỏ Bộ GTVT chiều theo nhu cầu người học chứ không gây phiền toái gì cho người học. Có thể hiểu là ông nào muốn học kỹ, xe số nào cũng lái được thì học lái xe số sàn. Còn ông nào bảo nhà tôi chỉ có xe số tự động, không có nhu cầu lái xe số sàn nên tôi chỉ học lái xe số tự động thì cũng chiều. |
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Thạch - vụ trưởng Vụ An toàn giao thông (Bộ GTVT) - khẳng định chủ trương cấp riêng giấy phép lái xe số tự động và số sàn là tùy vào nhu cầu người học.
Việc này là tự nguyện chứ không bắt buộc, không phải là thêm quy định hay giấy phép con gì cả. Nếu người học lựa chọn học xe số sàn thì đương nhiên giấy phép lái xe của họ sẽ được lái cả xe số tự động. Còn người học chỉ có nhu cầu học lái xe số tự động thì phải chấp nhận giấy phép lái xe đó không được lái xe số sàn. Tuy nhiên, vấn đề thực hiện cụ thể thế nào thì các cơ quan chuyên môn của bộ sẽ bàn cụ thể, có thể làm thí điểm để rút kinh nghiệm.
Hiện nay về nguyên tắc học lái trên xe số sàn thì sẽ lái được xe số tự động. Nhưng nhiều người phản ảnh với Bộ trưởng Đinh La Thăng rằng “Tôi chỉ có nhu cầu lái xe số tự động, học và thi trên xe số sàn rất khó, nên cần dạy và cấp giấy phép lái xe riêng cho người chỉ đi xe số tự động”, vì vậy bộ trưởng chỉ đạo nghiên cứu đào tạo, cấp giấy phép lái xe số tự động riêng cho người lái xe số tự động nếu họ chỉ có nhu cầu học và sử dụng loại xe này.
Việc cấp giấy phép lái xe riêng cho người lái xe số tự động, một số nước áp dụng. Họ cho thi riêng đối với người học lái xe số tự động.
Ở Hàn Quốc, giấy phép lái ôtô loại nhỏ như hạng B1 của Việt Nam cũng được đánh số để phân biệt. Ví dụ, giấy phép lái xe hạng B1 mà có số 1 thì chỉ lái xe tự động, còn B1 mà đánh thêm số 2 thì lái được cả hai loại xe.
Có một vấn đề cần tính là từ tháng 8-2014, Việt Nam gia nhập công ước quốc tế về Giao thông đường bộ và công ước về Biển báo - tín hiệu đường bộ (Công ước Vienna). Theo đó, Việt Nam được cấp giấy phép lái xe quốc tế để sử dụng được ở các nước tham gia công ước Vienna. Tuy nhiên, một số nước tham gia công ước này không công nhận giấy phép lái xe với xe số tự động. Vì vậy cần tính tới nếu chỉ cấp giấy phép lái xe số tự động thì chỉ được dùng trong nước, chứ không được cấp giấy phép lái xe quốc tế khi đi ra nước ngoài nếu nước đó không công nhận.
Hiện nay các trung tâm đào tạo lái xe bắt buộc có xe số tự động cho người học nhưng khi sát hạch chỉ trên xe số sàn nên không chú trọng học xe số tự động. Cho nên xu thế vẫn đào tạo số sàn, còn ai có nhu cầu thì bổ sung thực hành trên xe số tự động. Bộ GTVT đang sửa thông tư quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ để quy định cụ thể hơn về việc này.
Xuất phát từ thực tiễn
Ông Trần Quốc Toản - giám đốc Trung tâm lái xe Đông Đô (Bắc Ninh) - cho biết việc cấp riêng giấy phép lái xe số tự động được chính bản thân ông và nhiều đại biểu đề xuất ở Hội nghị tập huấn và tuyên truyền nâng cao kỹ năng lái xe an toàn tổ chức ở Bắc Ninh vào cuối tháng 4-2015 với sự tham gia của đại biểu 28 tỉnh thành phía Bắc.
"Tôi nghĩ chủ trương của Bộ GTVT là đúng đắn khi cho người học thêm nhiều sự lựa chọn. Đây không lãng phí, không thêm thủ tục mà cho thêm sự lựa chọn để người học tự nguyện chọn hình thức học phù hợp với nhu cầu của mình.
Điểm được ở việc cấp riêng giấy phép lái xe số tự động là tùy sự lựa chọn của từng người học. Hiện có những người không có nhu cầu học lái xe số sàn nên tách riêng là phù hợp.
Nếu tách riêng giữa đào tạo lái xe số sàn và số tự động thì thời gian học xe số tự động sẽ ngắn hơn. Nhưng không nên chú trọng thời gian học được rút ngắn mà phải chú trọng chất lượng dạy và thời gian thực tế của người học. Theo tôi, đơn vị nào xung phong thí điểm đào tạo riêng lái xe số tự động cũng phải cam kết chịu trách nhiệm về đào tạo", ông Toản nói.
Ông Nguyễn Hoàng Long - giám đốc Trung tâm đào tạo và sát hạch lái xe Hoàng Gia (TP.HCM) - cho rằng đề xuất này gây khó cho các trung tâm đào tạo lái xe vì phải mua thêm xe để dạy học viên, vì trước đây trong chương trình đào tạo chung, thời lượng học xe số tự động giới hạn chỉ trong mấy giờ. Nhưng nếu việc cấp riêng loại giấy phép lái xe số tự động thì phải đào tạo từ đầu tới cuối theo chương trình mới bằng xe số tự động.
Quan trọng là phải dạy lái xe sao cho chất lượng
Một số ý kiến của những người học lái xe cho rằng vấn đề quan trọng là phải dạy lái xe sao cho thật chất lượng, đừng chỉ dạy theo kiểu đối phó để qua được các kỳ thi.
* Anh Ngô Thanh Vinh (P.Thụy Phương, Bắc Từ Liêm, Hà Nội):
Vấn đề chính là để người học lái xe xong có thể lái xe thành thạo, an toàn là khâu đào tạo chứ không phải được cấp giấy phép lái xe số sàn hay tự động. Tôi đi học lái xe thấy đào tạo đều theo kiểu đối phó để thi.
Quy định có học trên xe số tự động nhưng khi thi sát hạch bằng xe số sàn nên hoàn toàn đào tạo chú trọng vào lái xe số sàn. Nếu người học không yêu cầu học cả trên xe số tự động, giáo viên cũng lờ đi. Họ chỉ tập trung dạy cho người học thi qua và được cấp giấy phép lái xe. Việc này dẫn đến những trường hợp thi đạt giấy phép lái xe nhưng khi chạy xe số tự động lại luống cuống giật mình thao tác nhầm vì chưa được thực hành trên xe số tự động.
Thực tế, dạy lái xe hiện nay chủ yếu để đối phó với sa hình cho qua sát hạch và được cấp giấy phép lái xe. Nếu người học yêu cầu được học trên cả xe tự động nhiều thì lại phải đối phó với việc thi trên xe số sàn sẽ trượt. Thậm chí phần học lái xe đường trường cũng bị cắt giảm thời lượng. Vì vậy, các thầy dạy lái xe thường có chiêu bổ túc sau khi có giấy phép lái xe theo nguyên tắc: ông thuê tôi dạy bổ túc số tự động hay số sàn tùy ông muốn và trả tiền theo giờ.
Do học không đầy đủ nên người mới có giấy phép lái xe ra đường lái xe rất vất vả. Còn thực tế tôi chạy cả xe số sàn và số tự động thì thấy nếu học bài bản, thực hành đầy đủ thì chuyển từ lái xe số sàn sang số tự động không vướng mắc gì. Lái xe số tự động đơn giản và nhàn hơn xe số sàn nhiều. Người mới chuyển từ xe số sàn sang lái xe tự động cần phải tập trung ý thức là mình đang chạy xe số tự động, có thao tác khác xe số sàn, nếu cuống sẽ xử lý nhầm.
Tôi hoàn toàn ủng hộ việc có quy định riêng về việc đào tạo, cấp giấy phép lái ôtô tùy theo nhu cầu của người học theo hướng Tổng cục Đường bộ Việt Nam nghiên cứu. Đáng lẽ quy định này đã có từ lâu vì nhu cầu thực tế.
Gần đây tôi đã học lái xe ở một cơ sở đào tạo ở Q.Tân Phú và chỉ được thực tập trên xe số sàn, việc học lái xe số tự động chỉ được người hướng dẫn giới thiệu qua loa phần lý thuyết mà chưa được thực hành.
Vì vậy, sau khi được cấp phép lái xe (loại bằng B2), tôi chỉ quen lái xe số sàn, khi lên xe số tự động tôi lúng túng và cảm thấy không tự tin lái. Trong khi đó, phía sau tay lái, đặc biệt với người mới đòi hỏi thao tác phải chính xác, kịp thời, một sơ suất cũng có thể gây ra những hậu quả khó lường.
Tôi đồng ý nếu người lái chỉ có nhu cầu lái xe số tự động thì có chương trình đào tạo riêng và người lái xe số tự động sẽ không được phép lái xe số sàn (nếu không được đào tạo, được cấp bằng lái).
Ngược lại, trong đề xuất của Tổng cục Đường bộ Việt Nam có nói hướng là người đã được cấp bằng lái xe số sàn được phép lái xe tự động. Như đã nói ở trên, tôi chưa thống nhất quan điểm này vì theo tôi nếu chưa được đào tạo (cả lý thuyết và thực hành) trên số tự động thì khi cầm lái sẽ khó xử lý.
Do vậy, đối với người vừa muốn học lái xe số sàn và cả số tự động thì bằng lái vẫn cấp như hiện nay, có điều phải ghi rõ được lái xe số sàn và số tự động. Và chương trình đào tạo phải thực chất, vừa có đào tạo số sàn, vừa có số tự động.
* Phùng Thị Vân Ánh, Q.8, TP.HCM
Đối với phụ nữ có nhu cầu học lái xe thao tác càng dễ càng tốt. Hơn nữa xu hướng hiện nay ôtô phục vụ cho gia đình, chạy ở nội đô hoặc quãng đường ngắn thường được người dân chọn mua là xe số tự động dù giá xe có nhỉnh hơn chút ít so với xe số sàn. Xe số sàn chỉ phù hợp với những xe tải, xe chở khách chạy đường dài.
Trước khi tôi học lái xe đã mua xe số tự động, khi tham gia khóa học các trung tâm đào tạo chủ yếu dạy lái xe số sàn, thời lượng học xe số tự động ít, chỉ được học qua loa và hầu như không được thực hành vì các xe được trang bị ở trung tâm đào tạo là xe số sàn. Sau khi học xong, tôi lại mất thời gian nhờ người đào tạo thực hành trên xe số tự động. Đến nay, tôi lái xe số tự động quen nên cũng ngại lái xe số sàn.
Theo tôi, không nên tách việc cấp phép lái xe riêng giữa số sàn và số tự động mà chỉ bổ sung bằng lái dành riêng cho số tự động cũng như chương trình đào tạo cho phù hợp. Riêng đối với người vừa muốn học số sàn vừa học số tự động như bằng lái hiện nay, phải quy định thời lượng đào tạo cụ thể, giám sát chặt việc đào tạo này, tránh trường hợp đào tạo hai loại hình số sàn và tự động xong, người lái chỉ lái một loại xe.
Quy định khác nhau ở các nước Ở các nước phương Tây, chính phủ quy định rõ sự phân biệt giữa bằng lái xe số sàn và số tự động. Tại Anh và nhiều nước châu Âu, bạn có thể thi lấy bằng lái xe số sàn hoặc xe số tự động. Nếu lấy được bằng lái xe số sàn, bạn sẽ được phép lái cả xe số sàn và số tự động. Nhưng nếu chỉ có bằng lái xe số tự động, bạn sẽ không được phép lái xe số sàn. Người sở hữu bằng lái xe số tự động mà lái xe số sàn cũng giống như lái xe mà không có bằng. Trong trường hợp này bạn sẽ bị phạt rất nặng, đặc biệt nếu gặp tai nạn sẽ không được bảo hiểm. Để được lái xe số sàn, người sở hữu bằng lái xe số tự động sẽ phải thi lấy bằng lái xe số sàn. Nhưng kể cả nếu như bạn trượt kỳ thi bằng lái xe số sàn thì vẫn được phép lái xe số tự động. Tại Úc, phần lớn các bang cũng có quy định tương tự. Nghĩa là người có bằng lái xe số tự động sẽ chỉ được phép lái xe số tự động, còn người có bằng lái xe số sàn được lái cả hai loại xe. Nam Úc là bang duy nhất cho phép người có bằng lái xe số tự động được lái xe số sàn. Dù vậy, một số bang cho phép người có bằng lái xe số tự động được lái xe số sàn mà không cần phải thi lại sau một thời gian sử dụng xe hơi. Ở Mỹ không có sự phân biệt giữa bằng lái xe số sàn và số tự động. Chỉ cần thi lấy bằng lái xe thành công là bạn có thể lái cả hai loại xe. Nguyên nhân bởi chỉ khoảng 6,5% xe mới được bán ra ở Mỹ được trang bị hệ thống số sàn. Và hiện chưa đầy 8% số xe lưu hành tại Mỹ là xe số sàn. Như vậy, phần lớn người Mỹ lái xe số tự động. Các nghiên cứu khoa học cho thấy người lái xe số tự động ít bị căng thẳng hơn người lái xe số sàn. Tuy nhiên nhiều chuyên gia cho rằng chính vì ít căng thẳng hơn nên người lái xe số tự động ít tập trung, dễ bị sao nhãng hơn, do đó không mấy chú ý đến môi trường giao thông, khó phát hiện được các dấu hiệu tai nạn. Khảo sát cho thấy khoảng 25% số vụ tai nạn xe hơi ở Anh xuất phát từ việc tài xế thiếu tập trung. Những người lái xe giàu kinh nghiệm cũng thường khẳng định lái xe số tự động là an toàn hơn vì giúp người lái kiểm soát xe hơi hiệu quả hơn. Dù vậy xe số tự động dễ sử dụng hơn, đặc biệt trong các thành phố đông đúc, mật độ giao thông dày. |
[poll width="400px" height="192px"]144[/poll]
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận