Ông Phan Viết Lượng - Ảnh: Q.K |
Trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ bên hành lang Quốc hội ngày 24-5, ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Phan Viết Lượng nói cách ứng xử của Cục Nghệ thuật biểu diễn tạo ra bức xúc không đáng có bởi tư duy quản lý lỗi thời.
* Ông cảm nhận như thế nào về những bức xúc của dư luận dành cho Cục Nghệ thuật biểu diễn xung quanh vụ “cấp phép nhạc đỏ”?
- Thật khó lý giải được những sai sót, lúng túng của Cục Nghệ thuật biểu diễn trong ứng xử, trong quản lý nhà nước thời gian qua đối với vấn đề này. Tôi rất chia sẻ với những bức xúc của dư luận về việc cấp phép, cập nhật danh sách ca khúc được biểu diễn mà Cục đã thực hiện trong thời gian qua.
Hậu quả của cách làm, cách ứng xử như vậy của một cơ quan quản lý nhà nước đã làm tổn thương đối với dư luận.
Tôi nghĩ rằng với các ca khúc, đặc biệt là những ca khúc cách mạng, những ca khúc đã đi vào lòng người, đã trở thành một phần của văn hóa dân tộc rồi thì không thể có một biện pháp hành chính nào để buộc người ta được hát hay không được hát.
Một ca khúc đi vào lòng người, đông đảo công chúng đã thuộc lòng, được yêu mến, đã thấm sâu vào tâm hồn người ta rồi thì không ai có thể ngăn cản những giá trị như vậy được. Vì vậy việc đặt ra vấn đề có cấp phép hay không cấp phép là không nên.
Tôi đồng tình với ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam là với những ca khúc đã đi vào lòng người như vậy, không vi phạm về đạo đức, không trái ngược thuần phong mỹ tục, không tổn hại lợi ích của đất nước thì không cần thực hiện thủ tục cấp phép.
* Có lẽ là do nhận thức pháp luật có vấn đề nên Cục Nghệ thuật biểu diễn mới cập nhật cả bài Tiến quân ca - Quốc ca, một ca khúc đã được Hiến pháp quy định vào chung với danh sách những bài hát đã được cấp phép…
- Chính vì vậy những cấp cao hơn họ (Cục nghệ thuật biểu diễn - NV) là phó thủ tướng, bộ trưởng đã có ý kiến, chỉ đạo trực tiếp và ông Cục trưởng cũng đã đăng đàn xin lỗi nhân dân. Đây là việc rất cần rút kinh nghiệm nghiêm khắc, bởi vì hậu quả là gây ra bức xúc không đáng có trong dư luận.
Tôi đã đọc được những ý kiến nói rằng khó chấp nhận lời xin lỗi của ông Cục trưởng trong cách lý giải việc cập nhật danh sách hơn 300 bài “nhạc đỏ” lên web chung với các bài hát đã được cấp phép trước kia để gây hiểu nhầm.
Liệu đây chỉ là sơ suất gây hiểu nhầm hay là xuất phát từ tư duy quản lý lạc hậu, lỗi thời, duy ý chí?
Tôi nghĩ rằng tư duy quản lý kiểu “cấp phép” đã là một tư duy lỗi thời rồi.
Ngay đến lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, trước đây luật pháp của chúng ta cũng quy định phải có cơ quan cho phép, cấp phép mới được làm, nhưng sau khi Quốc hội ban hành Hiến pháp 2013, sửa đổi các Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp thì nay chúng ta đã quy định rõ những điều cấm, ngành nghề cấm, còn lại doanh nghiệp và người dân được làm những gì pháp luật không cấm.
Với văn hóa cũng nên như vậy. Cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa như Cục Nghệ thuật biểu diễn chỉ nên quy định những nguyên tắc, quy định những gì sẽ bị cấm, ví dụ như người ta biểu diễn dung tục hóa hay làm sai khác ý nghĩa của tác phẩm thì có biện pháp xử lý, hoặc khi người ta cố ý xuyên tạc, sửa lời sửa nhạc, vi phạm pháp luật và thuần phong mỹ tục thì mới phải xử lý.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận