20/11/2014 12:15 GMT+7

Vụ ăn chặn kỳ nam: Cấp nào xét xử mới khách quan?

DUY THANH
DUY THANH

TT - HĐXX phúc thẩm TAND tỉnh Khánh Hòa vừa tuyên hủy án sơ thẩm, trả hồ sơ vụ công an huyện Khánh Sơn thu trầm, kỳ nam của người dân đem bán để điều tra, truy tố, xét xử lại.

Bị cáo Nguyễn Thành Trung, người đưa ra chứng cứ chứng minh mình ngoại phạm trong vụ án - Ảnh: Duy Thanh

Lý do là tại phiên tòa, một bị cáo đưa ra bằng chứng ngoại phạm, trong đó có liên quan đến chánh án TAND và viện trưởng Viện KSND huyện Khánh Sơn.

Sẵn sàng làm nhân chứng

Theo hồ sơ vụ án, tối 26-9-2012, Trần Lệ Kiên (Công an huyện Khánh Sơn) giữ một đoạn trầm kỳ được người dân đào tại núi Gộp Ngà (xã Sơn Trung, huyện Khánh Sơn) rồi mang về chốt của đội liên ngành.

Nguyễn Anh Trung là đội trưởng đội liên ngành yêu cầu Kiên cất giữ.

Tối 27-9, Nguyễn Thành Trung (nguyên trưởng Công an huyện Khánh Sơn, giờ là phó trưởng trại tạm giam Công an Khánh Hòa) đến Khánh Sơn, ngồi bàn việc bán trầm cùng người trong nhóm trúng trầm kỳ là Trần Văn Khánh với sự chứng kiến của Nguyễn Hồng Hà (cán bộ Công an Khánh Sơn), Nguyễn Anh Trung và Luân Văn Nam (được các công an trong đội liên ngành “nhờ” giữ trật tự bãi đào trầm).

Không vấn đề gì

Ông Trần Văn Độ (phó chánh án TAND tối cao, chánh án Tòa án quân sự trung ương) cho biết luật quy định những vụ việc có tính chất phức tạp thì TAND cấp tỉnh có quyền rút hồ sơ từ TAND cấp huyện lên để xét xử sơ thẩm.

Tuy nhiên việc đánh giá vụ việc thế nào là phức tạp, có cần rút hồ sơ để xét xử sơ thẩm hay không phụ thuộc đánh giá của TAND mỗi tỉnh. “Mức độ phức tạp của mỗi vụ việc do tòa án cấp tỉnh và tòa cấp huyện cùng xem xét, quyết định.

Vụ việc có chánh án TAND cấp huyện và viện trưởng viện KSND cấp huyện làm nhân chứng trong vụ án, theo tôi cũng không vấn đề gì, TAND cấp huyện vẫn có thể xét xử sơ thẩm bình thường” - ông Độ nói.

T.LỤA

Sau đó, Thành Trung nhận cục trầm kỳ mang đi bán rồi chia tiền cho các bên theo tỉ lệ đã thỏa thuận.

Cũng trong tối 26-9, Nam đem nộp cho Hà một đoạn trầm kỳ do phu trầm gửi, Hà xem rồi đưa lại Nam, sau đó Nam đưa cho Thành Trung đem bán. Hành vi của các bị cáo làm thiệt hại tài sản nhà nước 4,15 tỉ đồng.

Tại phiên tòa sơ thẩm do TAND huyện Khánh Sơn xét xử (từ ngày 18 đến 20-6-2014), các bị cáo Anh Trung, Hà, Kiên, Nam bị phạt từ 3 năm đến 5 năm 6 tháng tù về tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”; Thành Trung bị phạt 10 năm tù về tội “tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”.

Tại tòa, Thành Trung đưa ra đơn của các ông Nguyễn Quốc Khanh, Đỗ Như Tuấn và Phan Hồng Ngọc (đều ở huyện Khánh Sơn) xác nhận từ 17g-22g tối 27-9-2012, bị cáo Thành Trung nhậu tại Cam Ranh với họ và hai ông Nguyễn Thành Phấn (chánh án TAND huyện Khánh Sơn), Nguyễn Văn Phương (viện trưởng Viện KSND huyện Khánh Sơn) để chứng minh rằng bị cáo ngoại phạm nhưng không được tòa sơ thẩm đồng ý là chứng cứ vụ án. Do đó, bị cáo Trung kháng cáo kêu oan.

Tại phiên xét xử phúc thẩm mới đây, các tờ đơn xác nhận của ba nhân chứng Khanh, Tuấn, Ngọc đã được chính quyền nơi cư trú của các ông này xác nhận và được hội đồng xét xử chấp nhận là chứng cứ vụ án.

Song xét thấy những tài liệu này chưa được thẩm tra ở cấp sơ thẩm mà cấp phúc thẩm không thể bổ sung được, hội đồng xét xử phúc thẩm tuyên hủy án sơ thẩm, trả hồ sơ cho Viện KSND huyện Khánh Sơn điều tra, truy tố, xét xử lại theo quy định pháp luật.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, cả hai ông Nguyễn Thành Phấn và Nguyễn Văn Phương đều xác nhận tham gia cuộc nhậu trên. “Chúng tôi sẵn sàng làm nhân chứng nếu cơ quan chức năng yêu cầu.

Điều lạ là có năm người cùng nhậu, nhưng trước phiên tòa sơ thẩm và cả phiên phúc thẩm mới đây, anh Trung và gia đình anh không nhờ tôi và ông Phương làm chứng, mà chỉ nhờ ba người còn lại” - ông Phấn cho hay.

Cấp nào xử lại sơ thẩm?

Vấn đề mà dư luận đặt ra là cả viện trưởng Viện KSND và chánh án TAND huyện Khánh Sơn đều làm nhân chứng trong vụ án mà hai cơ quan này lại ra cáo trạng truy tố và xét xử các bị cáo thì có đảm bảo khách quan, đúng pháp luật không?

Ông Nguyễn Văn Phương và ông Nguyễn Thành Phấn cùng quan điểm cho rằng: “Vụ án này có hai hướng giải quyết: hoặc tòa Khánh Sơn vẫn xét xử sơ thẩm theo thẩm quyền, hoặc Viện KSND tỉnh rút hồ sơ lên và TAND tỉnh Khánh Hòa xét xử sơ thẩm.

Nhưng chúng tôi cho rằng cấp huyện truy tố, xét xử sơ thẩm thì không có vấn đề gì. Nếu xác định chúng tôi là nhân chứng của vụ án thì chúng tôi không còn tư cách tiến hành tố tụng nữa, mà ủy quyền lại cho cấp phó ra cáo trạng truy tố thì vẫn đúng quy định pháp luật”.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo Viện KSND tỉnh Khánh Hòa cho hay hiện cơ quan điều tra đang điều tra lại vụ án, nên chưa quyết định cấp nào xét xử sơ thẩm.

Tuy nhiên, vị này cho biết theo quy định thì vụ án này có khung hình phạt thuộc thẩm quyền truy tố của Viện KSND cấp huyện và tòa án cấp huyện xử sơ thẩm. 

Cấp tỉnh xử sơ thẩm mới khách quan

Nếu thật sự trong số những bạn nhậu ngày 27-9-2012 của ông Nguyễn Thành Trung có những người có chức vụ, quyền hạn cao nhất trong tố tụng hình sự ở huyện Khánh Sơn, thì việc giải quyết vụ án này cần phải chuyển cho TAND tỉnh Khánh Hòa giải quyết theo thủ tục sơ thẩm mới đảm bảo khách quan, đúng thủ tục tố tụng.

Bởi lẽ dù hai nhân chứng này nói sẽ chỉ làm nhân chứng, không tham gia tiến hành tố tụng, nhưng luật quy định có những vấn đề của phiên tòa như quyết định thay đổi thẩm phán, thay đổi biện pháp ngăn chặn đối với bị cáo... thì phải chánh án mới ra quyết định được, nếu chánh án là nhân chứng thì làm sao xử lý được.

Luật sư NGUYỄN HỒNG HÀ (phó chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Khánh Hòa)

 

DUY THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên