30/01/2015 09:08 GMT+7

​Cấp lý lịch tư pháp qua mạng

TÂM LỤA thực hiện
TÂM LỤA thực hiện

TT - Thủ tướng vừa ký quyết định phê duyệt “Đề án thí điểm cấp phiếu lý lịch tư pháp qua dịch vụ bưu chính, đăng ký cấp phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến”.

Ông Hoàng Quốc Hùng - Ảnh: Nguyễn Khánh

Trao đổi về việc thực hiện đề án, ông Hoàng Quốc Hùng, phó giám đốc phụ trách Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia (Bộ Tư pháp), cho biết:

- Với đề án này, người dân sẽ không phải trực tiếp đến cơ quan xin cấp phiếu lý lịch tư pháp hoặc chỉ một lần đến cơ quan cấp phiếu tùy theo lựa chọn của mình.

Đối với cá nhân có yêu cầu có thể lựa chọn xin cấp phiếu qua dịch vụ bưu chính hoặc đăng ký qua mạng Internet, rồi đến nơi cấp phiếu nhận kết quả.

Việc cấp phiếu qua dịch vụ bưu chính cũng có ba sự lựa chọn: gửi yêu cầu và nhận phiếu qua bưu chính mà không cần đến cơ quan có thẩm quyền; khai hồ sơ trực tuyến, đến cơ quan có thẩm quyền để đối chiếu hồ sơ gốc và nhận phiếu qua dịch vụ bưu chính; gửi yêu cầu qua dịch vụ bưu chính và đến cơ quan có thẩm quyền lấy phiếu. Đề án đưa ra nhiều lựa chọn để người dân tùy điều kiện có thể lựa chọn cách thức khác nhau.

* Theo đề án, chỉ có Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia và 11 tỉnh, thành phố được thí điểm, nếu địa phương khác muốn thí điểm có được không, thưa ông?

- Phạm vi của đề án là mở, ngoài Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia và 11 tỉnh, thành phố được quy định trong đề án thì các sở tư pháp khác sẽ căn cứ vào tình hình, điều kiện thực tế tại địa phương để đề xuất, báo cáo UBND tỉnh và Bộ Tư pháp để thực hiện thí điểm phương thức cấp phiếu qua dịch vụ bưu chính, đăng ký cấp phiếu trực tuyến tại địa phương mình.

* Hiện ở các sở tư pháp, tình trạng cấp phiếu trễ hẹn thường xuyên xảy ra. Lý do là Sở Tư pháp chờ trả lời của các cơ quan khác. Theo ông, đề án được triển khai có khắc phục được tình trạng trễ hẹn?

- Đây cũng là vấn đề rất đáng lo ngại, nhưng không được đưa vào nội dung đề án. Thống kê cho thấy bình quân cả nước thủ tục cấp phiếu chậm hơn 20% so với thời hạn luật định, có những địa phương chậm trên 70% và cá biệt có địa phương chậm đến 100%.

Luật quy định trong trường hợp đặc biệt tối đa 15 ngày kể từ khi cơ quan cấp phiếu nhận được hồ sơ hợp lệ thì phải cấp phiếu cho công dân, nhưng có nơi viết phiếu hẹn công dân đến 30 ngày.

Có khi đến 30 ngày rồi vẫn chưa cấp được phiếu. Lý do vì công an tỉnh chưa có kết quả trả lời cho sở tư pháp nên sở tư pháp chưa thể ký được phiếu.

Khi triển khai đề án, việc chúng tôi lo ngại nhất là tình trạng chậm cấp phiếu so với quy định, đặc biệt là các thành phố lớn. Bản thân người dân sẽ đặt ra câu hỏi họ trực tiếp đến nhiều lần vẫn không được cấp phiếu đúng thời hạn, nếu gửi qua bưu điện thì tính khả thi sẽ ra sao?

Đề án chỉ giúp dân đỡ phải đi lại nhiều lần khi cấp phiếu chứ chưa giải quyết được vấn đề chậm thời hạn. Rõ ràng đề án chỉ khả thi khi đồng bộ thực hiện các giải pháp khác.

* Theo ông, các giải pháp được thực hiện đồng bộ ấy là gì?

- Trung tâm đang phối hợp với Cục Hồ sơ nghiệp vụ cảnh sát (C53) Bộ Công an để thử nghiệm một giải pháp và đã thành công. Chúng tôi gọi đó là giải pháp “Kiềng ba chân”. Đây là giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin vào tra cứu xác minh. Vì chậm cấp phiếu là do chậm kết quả tra cứu xác minh.

Nguyên nhân là do sở tư pháp hỏi công an tỉnh, công an tỉnh hỏi Bộ Công an, thậm chí hỏi loanh quanh các tỉnh lân cận. Chỉ có công nghệ thông tin mới gỡ được nút thắt đó. Chúng tôi kết nối mạng giữa sở tư pháp, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia với C53. Khi người dân có yêu cầu cấp phiếu, Sở Tư pháp nhập dữ liệu vào phần mềm, hồ sơ được gửi đến trung tâm đồng thời được truyền thẳng đến C53.

Sau khi tra cứu, C53 trả kết quả theo đường truyền đến trung tâm, thời gian tra cứu thường chỉ trong vòng 48 giờ. Khi nhận được dữ liệu từ C53, trung tâm sẽ đối chiếu, rà soát, thẩm định thông tin và tiếp tục tra cứu dữ liệu tại trung tâm về án tích, tình trạng thi hành án, việc thi hành các nghĩa vụ dân sự trong bản án hình sự...

Sau đó, giám đốc trung tâm ký công văn trả lời kết quả tra cứu, đóng dấu và scan kết quả cho sở tư pháp để sở ký phiếu trả cho dân. Đây là giải pháp hoàn toàn bằng công nghệ tin học chứ không phải qua đường bưu điện như trước đây.

Chúng tôi đã thử nghiệm thành công giải pháp “Kiềng ba chân” ở TP.HCM, Phú Yên, Khánh Hòa và Trung tâm lý Lịch tư pháp quốc gia. Bằng giải pháp này, việc cấp phiếu cho dân có tiến triển nhanh hơn.

Phải bỏ độc quyền

* Ông thấy thủ tục cấp phiếu lý lịch tư pháp có gì bất cập?

- Nghị định 111/2010 của Chính phủ quy định các dữ liệu lý lịch tư pháp trước ngày 1-7-2010 thì sở tư pháp phải tra cứu tại công an tỉnh. Tức là chỉ có một con đường và buộc phải đi con đường đó. Con đường bị nghẽn là phải chờ.

Đó cũng là lý do tạo ra độc quyền, tạo ra nhờ vả và nảy sinh tiêu cực gây chậm trễ, bất tiện cho dân. Do đó, nghị định 111 cần phải được sửa đổi theo hướng mở cho người có thẩm quyền cấp phiếu có quyền tra cứu, xác minh ở bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào để đảm bảo độ chính xác và thời hạn cấp phiếu theo luật định.

Khó khăn lớn nhất mà chúng ta đang gặp là công tác xây dựng và quản lý dữ liệu lý lịch tư pháp chứ không phải cấp phiếu.

Vì việc xây dựng dữ liệu phải đầu tư về tài chính, nhân lực, cần sự cần mẫn, tỉ mỉ của nhiều người. Các vấn đề này đang thiếu và yếu ở tất cả địa phương. Về cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp thì ngành tư pháp đang đi từ con số 0.

Quyết định 338 của Thủ tướng phê duyệt chiến lược phát triển lý lịch tư pháp đến năm 2020 với nội dung xây dựng dữ liệu lý lịch tư pháp thành một đầu mối do trung tâm quản lý. Giải pháp đó có khả thi hay không? Tôi khẳng định nó sẽ khả thi với điều kiện phải áp dụng triệt để công nghệ thông tin.

 

TÂM LỤA thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên