06/11/2013 06:51 GMT+7

Cấp "khống", làm giả giấy kiểm dịch

HOÀNG LỘC
HOÀNG LỘC

TT - Thời gian qua, một số trạm kiểm dịch đầu mối tại TP.HCM liên tục bắt nhiều vụ vận chuyển các loại sản phẩm động vật trái phép đưa vào TP tiêu thụ. Đáng nói, ngoài một số vụ do chủ hàng gian lận, số khác còn có sự tiếp tay của cán bộ kiểm dịch.

3fNjvNUx.jpgPhóng to
Xe chở gia cầm của ông Phạm Thành Tuấn bị Trạm thú y huyện Bình Chánh bắt giữ sáng 30-10 - Ảnh từ clip do Trạm thú y huyện Bình Chánh cung cấp

Cho chủ hàng tự ý niêm phong, cấp giấy chứng nhận kiểm dịch khống, không ghi trọng lượng, không ghi ngày... Và nhất là các vụ chủ hàng làm giả giấy kiểm dịch.

Cấp khống, buôn gian

Theo ông Khương Trần Phúc Nguyên - trạm trưởng Trạm thú y huyện Bình Chánh, từ tháng 7-2013 đến nay trạm đã xử lý 6 trường hợp vận chuyển sản phẩm động vật trái phép có nguồn gốc từ các tỉnh Kiên Giang, Long An, Bình Dương.

Có tình trạng tiếp tay

Về việc cán bộ thú y một số tỉnh có cấp khống giấy kiểm dịch hay không, chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM Phan Xuân Thảo cho rằng phải xác minh qua nhiều yếu tố mới có thể đưa ra kết luận. Song ông cho rằng việc một số trường hợp cán bộ thú y cấp giấy chứng nhận kiểm dịch mà không ghi ngày cấp, giá trị sử dụng... để cho người kinh doanh tự ghi là hành động tiếp tay cho việc buôn bán trái phép. Ông Thảo cũng cho rằng mức xử phạt hiện hành là “rất cao, rất nặng”.

Mới nhất, vào ngày 30-10, Trạm thú y Bình Chánh phát hiện ông Phạm Thành Tuấn vận chuyển 770 con vịt sống từ Kiên Giang về cơ sở giết mổ Phạm Tôn (thị xã Dĩ An, Bình Dương). Ông Tuấn xuất trình giấy chứng nhận kiểm dịch ký tên ông Vũ Văn Bầu - trưởng Trạm thú y huyện Giồng Riềng (Chi cục Thú y Kiên Giang).

Tuy nhiên, trên giấy, ở các ô “ngày cấp” và “giá trị sử dụng” ông Bầu để trống, các số trên ô này do ông Tuấn... tự viết vào(!). Ngoài ra, số lượng vịt trên xe không đúng với số lượng ghi trong giấy kiểm dịch và niêm phong chì không còn nguyên vẹn. Trạm lập biên bản, xử phạt ông Tuấn 4,5 triệu đồng.

Trước đó ngày 28-10, trạm kiểm tra trên đường Nguyễn Hữu Trí (thị trấn Tân Túc, Bình Chánh) phát hiện ông Lê Văn Thắng vận chuyển số lượng lớn gà đẻ từ H.Dầu Tiếng (Bình Dương) về Chợ Gạo (Tiền Giang). Giấy chứng nhận ký tên kiểm dịch viên Nguyễn Thị Hồng Kiển (Chi cục Thú y Bình Dương). Giấy chứng nhận này không có dấu phúc kiểm tại các trạm kiểm dịch đầu mối giao thông, số lượng thực tế không đúng với giấy kiểm dịch và dấu niêm phong không còn nguyên. Trường hợp này bị phạt trên 3,7 triệu đồng.

Bà Đặng Thị Tuyết - trạm trưởng Trạm kiểm dịch động vật Thủ Đức, cho biết từ đầu năm 2013 đến nay, trạm xử phạt trên 50 trường hợp vận chuyển dư số lượng ghi trong giấy kiểm dịch, bị nhiễm khuẩn... nhưng điều lạ lùng là đều có giấy chứng nhận kiểm dịch. Đặc biệt trong tháng 9-2013, trạm phát hiện sai phạm của Công ty cổ phần chăn nuôi CP VN (Đồng Nai) và Công ty TNHH SX&TM Oz Food Solution (Đồng Nai), vận chuyển trọng lượng thực tế chênh lệch rất lớn với trọng lượng ghi trong giấy kiểm dịch. Cá biệt, có khi Công ty CP VN còn vận chuyển thịt gà, trứng gà nhưng chỉ có hóa đơn xuất kho chứ không có giấy kiểm dịch...

Tẩy xóa, làm giả giấy kiểm dịch

Bà Đặng Thị Tuyết nêu một vụ tẩy xóa giấy kiểm dịch trạm vừa phát hiện cuối tháng 8-2013 do ông Đào Trọng Thưởng (chủ cơ sở T - Food, Q.9, TP.HCM) thực hiện. Để hợp thức hóa lô hàng 9.000 quả trứng gà lậu, ông Thưởng “sáng tạo” ra phương pháp dùng cồn tẩy xóa giấy kiểm dịch cấp cho một lô hàng khác, sau đó giả chữ viết, chữ ký của cán bộ thú y. “Tôi phải xem đi xem lại và đối chiếu với hồ sơ gốc của Trạm thú y Q.9 mới phát hiện thủ đoạn này” - bà Tuyết nói.

Nhưng làm giả cả giấy kiểm dịch là nhiều nhất. Ông Khương Trần Phúc Nguyên cho biết mới đây khi kiểm tra an toàn vệ sinh một cơ sở chuyên kinh doanh các sản phẩm động vật tại ấp 4 (xã Bình Hưng, Bình Chánh), phát hiện ba giấy chứng nhận kiểm dịch sản phẩm động vật vận chuyển trong tỉnh mà chủ cơ sở xuất trình đều là giả. “Đối tượng phân phối hàng đã in giấy kiểm dịch giả, dùng dấu giả, giả chữ ký của kiểm dịch viên và điểm đặc biệt là ghi sai tên trạm trưởng” - ông Nguyên nói.

Ông Trảo An Hà - trưởng Trạm thú y Q.Thủ Đức - cho biết hồi cuối năm 2012, trạm cũng phát hiện 10 giấy chứng nhận kiểm dịch động vật vận chuyển trong tỉnh của trạm có dấu hiệu bị làm giả nên chuyển Công an Q.Thủ Đức điều tra. Kết quả giám định cho thấy con dấu của trạm và chữ ký kiểm dịch viên Lê Công Hiệu đều bị làm giả. Người làm giả là một người bán thịt heo tại khu vực chợ Tam Hà (P.Linh Đông, Q.Thủ Đức), dựa theo mẫu chuẩn, dùng phần mềm Photoshop vẽ hình dấu mộc. Trường hợp này, “tác giả” bị kết án 9 tháng tù và cũng là trường hợp bị xử nặng nhất so với các vụ phạt khác.

Sẽ yêu cầu ông Vũ Văn Bầu giải trình

Về vụ việc giấy kiểm dịch ký tên ông Vũ Văn Bầu - trưởng Trạm thú y huyện Giồng Riềng (Chi cục Thú y Kiên Giang), trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Thành Đức - chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Kiên Giang - cho biết đã nhận được thông tin từ Chi cục Thú y TP.HCM.

Tuy nhiên, ông Đức cho rằng: “Anh Bầu vừa về Bắc nghỉ phép năm từ cuối tuần rồi nên hiện tại chúng tôi chưa kết luận được. Tôi đã chỉ đạo bộ phận kiểm dịch yêu cầu anh Bầu giải trình sau khi nghỉ phép xong để có kết luận”.

HOÀNG LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên