03/01/2017 10:16 GMT+7

Cấp điện cho các đảo Tây Nam

QUANG KHẢI
QUANG KHẢI

TTO -  Tháng 11 và 12-2016, hàng ngàn người dân vùng xã đảo Lại Sơn (huyện Kiên Hải), Hòn Nghệ (huyện Kiên Lương), tỉnh Kiên Giang phấn khởi lần đầu tiên sử dụng nguồn điện quốc gia khi các dự án kéo cáp điện vượt biển hoàn thành.

Hành trình kéo cáp điện ngầm 110kV từ Hà Tiên ra Phú Quốc - Ảnh: NGUYỄN CÔNG THÀNH
Hành trình kéo cáp điện ngầm 110kV từ Hà Tiên ra Phú Quốc - Ảnh: NGUYỄN CÔNG THÀNH

Nhìn những cột điện bằng thép cao sừng sững giữa biển với những sợi cáp kéo dài về phía chân trời, nhiều người chưa thể hình dung được hành trình đầy khó khăn để đưa điện về cho người dân ở các đảo thuộc vùng biển Tây Nam của Tổ quốc.

“Chắc chắn rằng Phú Quốc sẽ không phát triển được như vậy nếu như chưa có đường dây cáp đưa điện lưới quốc gia ra đảo

Ông HUỲNH QUANG HƯNG

69 ngày biển động

Để kéo được đường dây cáp điện nổi vượt biển, hạng mục đầu tiên là phải xây lắp hệ thống móng trụ vững chắc. Mỗi móng trụ bao gồm nhiều cọc bêtông dài từ 26-30m, cắm sâu xuống đáy biển.

Phần nổi trên mặt biển liên kết với nhau bằng sàn bêtông, cũng là đế móng để lắp đặt các cột điện bằng thép cao hàng chục mét.

Công việc này đòi hỏi sự chính xác, tỉ mỉ cao. Vì vậy thi công trong môi trường sóng biển dập dềnh là chuyện khó, và việc thi công ở mùa biển động là không thực hiện được.

Chỉ cần chọn sai thời điểm hoặc không kịp thời ứng phó trước diễn biến bất thường của thời tiết là những sự cố có thể xảy ra. Quá trình thi công kéo cáp vượt biển dài 24km xã đảo Lại Sơn (Kiên Giang) là một dẫn dụ.

Cho đến bây giờ anh Tăng Văn Sáu, chỉ huy phó hạng mục làm móng cho dự án trên (thuộc Tổng công ty Xây dựng Lũng Lô), vẫn chưa quên được sự cố đầu tiên xảy ra trên biển trong quá trình thi công.

Được bàn giao mặt bằng, đơn vị của anh Sáu gần như triển khai ngay công tác thi công vào những ngày cuối năm 2015 để kịp tiến độ bàn giao vào tháng 4-2016, nhưng khi vừa bắt tay vào việc thì bão ập đến.

Nhóm thi công mà anh Sáu chỉ huy vừa đóng được những cọc đầu tiên thì siêu bão Melor (giật trên cấp 17) vượt qua Philippines vào Biển Đông (ngày 17-12-2015). Tuy bão nhanh chóng suy yếu nhưng gây sóng to gió lớn, nhóm thi công được lệnh khẩn cấp quay về bờ.

“Vùng biển gần khu vực thi công không có các bến cảng để tránh trú bão nên chúng tôi phải canh theo hướng gió để neo các sà lan chở vật tư cho hợp lý ở khu vực gần đảo. Nhưng gió liên tục đổi hướng làm một sà lan bị chìm xuống biển, may là các công nhân trước đó đã kịp điều động lên bờ” - anh Sáu nhớ lại.

Tại vị trí thi công móng ngoài biển, một khung sàn bằng sắt được lắp đặt phục vụ công tác thi công chưa kịp hoàn chỉnh cũng bị sóng biển đánh sập. Sự cố “chạm mặt bão” đã khiến công trình ngưng trệ suốt một tuần liền.

Không chỉ hạng mục làm móng, hạng mục lắp đặt trụ thép, kéo cáp cũng phải nhiều lần trì hoãn vì diễn biến bất thường của thời tiết biển.

“Trước mỗi chuyến đi, chúng tôi rất kỹ lưỡng theo dõi sát dự báo thời tiết rồi tham khảo thêm kinh nghiệm của người đi biển lâu năm. Ấy vậy mà không ít lần các sà lan chở cột thép, cần cẩu, công nhân chưa đến nơi thì bất thình lình xuất hiện những đợt sóng lớn buộc lòng phải quay về vì việc thi công trong điều kiện như vậy nguy cơ xảy ra sự cố rất cao” - anh Lê Phước An, Công ty cổ phần Xây lắp điện Cần Thơ, cho biết.

Đấu nối điện lưới quốc gia vào từng hộ dân trên đảo Hòn Nghệ - Ảnh: ĐÌNH HOÀNG
Đấu nối điện lưới quốc gia vào từng hộ dân trên đảo Hòn Nghệ - Ảnh: ĐÌNH HOÀNG

Sự cố cáp ngầm phút 89

Công trình đưa điện lưới quốc gia ra đảo Phú Quốc được biết đến là dự án cáp ngầm xuyên biển dài nhất Đông Nam Á với hơn 57km đường dây cáp ngầm đi xuyên dưới đáy biển.

Công trình này chính thức đóng điện ngày 2-2-2014 (đúng mùng 3 Tết Nhâm Ngọ) và khánh thành bốn ngày sau đó trong niềm hân hoan của hàng chục ngàn hộ dân trên đảo.

Ông Huỳnh Quang Hưng, phó chủ tịch UBND huyện Phú Quốc, khoe rằng lượng du khách đến Phú Quốc trong năm 2016 đạt đến ngưỡng 1,5 triệu người, tăng đến 200% so với năm 2014, cơ sở hạ tầng trên đảo từng bước hoàn chỉnh, đời sống người dân từng bước được nâng lên...

Ông Hưng khẳng định: “Chắc chắn rằng Phú Quốc sẽ không phát triển được như vậy nếu như chưa có đường dây cáp đưa điện lưới quốc gia ra đảo”.

Sự thành công của dự án này không suôn sẻ như những gì người ta biết đến. Quá trình triển khai dự án trải qua những thời khắc căng thẳng đến nghẹt thở của hàng trăm công nhân, kỹ sư trực tiếp thi công dự án.

Sau gần một năm thi công, ngày 7-11-2014, dự án được đóng điện nghiệm thu. “Nhưng chỉ vài chục giây sau, hệ thống rờle tự động bật ngược báo hiệu có sự cố kỹ thuật trước sự ngỡ ngàng của những người chứng kiến” - ông Trần Minh Dương, phó giám đốc Công ty Lưới điện cao thế miền Nam, người trực tiếp điều hành việc tiếp nhận điện tại trạm biến áp 110 kV Phú Quốc, nhớ lại.

Biết là sự cố nhưng để xác định đó là sự cố gì, xảy ra ở vị trí nào, giải pháp thực hiện ra sao, thời gian bao lâu là cuộc tranh luận nảy lửa giữa nhà thầu chính thi công dự án, Tập đoàn Prysmian Powerlink SRL (Ý), và đơn vị nhà thầu phụ, tư vấn giám sát (Việt Nam). Đường cáp có đoạn nổi, đoạn ngầm.

Trong khi nhà thầu Ý khẳng định chất lượng phần ngầm chưa từng bị sự cố thì các đơn vị vận hành đoạn nổi đấu nối vào cáp ngầm cũng khẳng định vận hành bình thường.

“Có thể nói đó là thời điểm căng thẳng tột độ không chỉ của nhà thầu mà cả chủ đầu tư vì quá cận thời gian cam kết hoàn thành dự án với Nhà nước, nhân dân”, một cán bộ Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC) chia sẻ.

Để giải quyết sự cố trên, EVN SPC đã thành lập “bộ chỉ huy tiền phương” do phó tổng giám đốc Hồ Quang Ái chỉ huy trực tiếp. Sau nhiều buổi họp bàn với các đơn vị, bằng kinh nghiệm nghề nghiệp, ông Trần Minh Dương nghi ngờ sự cố nằm ở đoạn cáp ngầm vượt biển và đề xuất phương án tìm vị trí sự cố.

Nhà thầu Ý cho rằng nếu triển khai theo phương án này thì phải sử dụng thiết bị từ nước ngoài về và nếu có phát hiện sự cố thì công tác khắc phục cũng phải mất vài tháng. Không để lỗi hẹn với thời gian cam kết, ông Dương tiếp tục đề xuất dùng thiết bị sẵn có của EVN PSC và mượn thêm một thiết bị của Tổng công ty Điện lực TP.HCM để thực hiện việc dò tìm sự cố ở hai đầu đoạn cáp ngầm.

Phương án này được chấp thuận và cuối cùng sự cố được xác định do một đoạn cáp ngầm bị lỗi (có bọt khí trong dây cáp) cách bờ biển Phú Quốc khoảng 2,5km.

Dù vậy, việc triển khai khắc phục cũng là một thách thức vì đoạn cáp ngầm được chôn sâu dưới đáy biển tới 2m, nặng hàng ngàn tấn phải được đưa lên khỏi mặt biển để cắt ra và đấu nối lại. Để chạy đua với thời gian, hàng chục kỹ sư trong và ngoài nước đã được huy động làm việc trong ba tuần mới khắc phục xong sự cố kịp cấp điện cho người dân đúng ngày mùng 3 tết.

Tiếp tục cấp điện quốc gia cho 5 đảo Tây Nam

Ngoài huyện đảo Phú Quốc được cấp điện bằng cáp ngầm, ba xã đảo khác là Lại Sơn, Hòn Tre (trung tâm huyện Kiên Hải) và Hòn Nghệ (Kiên Lương) đều thuộc tỉnh Kiên Giang đã có lưới điện quốc gia từ đường dây cáp nổi vượt biển.

Theo kế hoạch từ nay đến năm 2020, EVN SPC tiếp tục đầu tư các dự án cấp điện cho các xã đảo khác như: Hòn Heo (huyện Kiên Lương), Hòn Đốc (thị xã Hà Tiên), An Sơn và Nam Du (huyện Kiên Hải), Hòn Thơm (huyện Phú Quốc). Trong giai đoạn này, đảo Phú Quốc sẽ được tiếp tục đầu tư một đường dây cáp nổi nối đất liền, song song với dự án cáp ngầm hiện tại.

Kỳ cuối: Dấu ấn Lai Châu

Kỳ 1:
* Kỳ 2: 

QUANG KHẢI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên