Nguồn: TS.BS ĐỖ NGỌC SƠN (Tổng thư ký Phân hội cấp cứu Việt Nam) - Đồ họa: Mạnh Khang - họa sĩ Lap |
Người dân khi cấp cứu cho người bệnh bị chảy máu nên thực hiện ra sao?
Tránh tiếp xúc máu nạn nhân
Bác sĩ cấp cứu Minh Tâm (TP.HCM) cho biết nguyên tắc trước nhất của người muốn cứu nạn nhân là phải thật bình tĩnh, xem hiện trường có đủ an toàn, vệ sinh để thực hiện các biện pháp sơ cứu hay không. Vì nếu không sẽ gây nguy hiểm cho chính bản thân và cho cả nạn nhân.
Nếu phải di chuyển nạn nhân, cần ít nhất 2 người để kéo nạn nhân từ phía sau bằng cách luồn tay vào nách, chú ý giữ cổ thẳng và bảo vệ cột sống. Không xốc, vác hay cõng nạn nhân vì dễ làm những tổn thương thêm nặng.
Ngoài ra, cần phải ý thức được bản thân trong thời điểm đó có vết thương hở không. Đặc biệt là các vết thương ở những vị trí dễ tiếp xúc với máu của nạn nhân như bàn tay, cánh tay, đùi...
Không phải lúc nào mọi người cũng mang bên mình găng tay y tế, khẩu trang hay mắt kính. Trong những hoàn cảnh cấp bách như vậy, mọi người sẽ không nghĩ nhiều về chuyện bảo vệ an toàn cho bản thân mà trên hết họ chỉ muốn nhanh chóng giúp được người bị nạn.
Vì vậy, người tham gia cứu giúp cần tỉnh táo gọi cấp cứu và người hỗ trợ càng sớm càng tốt. Sau đó thì trực tiếp sơ cứu cho nạn nhân (nếu đủ kiến thức và đảm bảo an toàn cho mình) hoặc tích cực hỗ trợ người khác sơ cứu nạn nhân (nếu chính bạn không thể sơ cứu).
Một bác sĩ cấp cứu (Bệnh viện Nhân Dân 115, TP.HCM) nói trong khả năng cho phép, chúng ta cần sẵn sàng cứu giúp người bị nạn bất kể họ là ai.
Một trong những nguyên tắc hàng đầu là tránh tiếp xúc trực tiếp với máu của nạn nhân. Nếu trường hợp khẩn cấp, người tham gia cứu giúp có thể dùng bao nilông thay thế găng tay.
Ai cần được điều trị dự phòng?
Không phải tất cả người tiếp xúc với máu và dịch cơ thể của người nhiễm/nghi nhiễm HIV đều bị lây nhiễm, tuy nhiên nếu bị phơi nhiễm thì không nên bỏ qua thời gian vàng để điều trị dự phòng là 72 giờ tính từ khi bị phơi nhiễm.
Có hai loại phơi nhiễm HIV gồm phơi nhiễm do nghề nghiệp, thường gặp ở người làm nghề y do bị kim tiêm hoặc các vật sắc nhọn có dính máu, dịch của người bệnh đâm vào khi làm thủ thuật y tế. Phơi nhiễm nghề nghiệp cũng có thể xảy ra ở các nghề như công an, quân đội...
Thứ hai là có một số tình huống nguy cơ phơi nhiễm như chăm sóc người thân bị HIV và máu, dịch cơ thể của người bệnh dính vào vùng da bị trầy xước hoặc dính vào vùng niêm mạc, quan hệ tình dục không an toàn, sử dụng chung kim tiêm, bị người nhiễm HIV cắn và gây chảy máu, và gần nhất là trường hợp ở Kon Tum tham gia vận chuyển, cấp cứu cho nạn nhân bị tai nạn giao thông, trong đó có người nhiễm HIV.
Theo dõi sau điều trị phơi nhiễm
Việc điều trị dự phòng sau phơi nhiễm HIV kéo dài liên tục trong thời gian 28 ngày.
Trong thời gian này, người được điều trị dự phòng cần được tư vấn để theo dõi về tác dụng phụ có thể có của thuốc ARV. Không nên ngừng điều trị khi có tác dụng phụ nhẹ và thoáng qua. Nếu có các tác dụng phụ nặng cần đến các cơ sở y tế ngay.
Những người đang điều trị cũng được tư vấn hỗ trợ tâm lý nếu cần, tư vấn tuân thủ điều trị.
Việc xét nghiệm HIV sẽ được làm lại sau 3 tháng kể từ khi bị phơi nhiễm, nếu âm tính với HIV thì có thể khẳng định chắc chắn là họ không nhiễm HIV.
Theo quy định về chế độ đối với người bị phơi nhiễm do tai nạn rủi ro nghề nghiệp, những người bị phơi nhiễm HIV do rủi ro nghề nghiệp được nghỉ việc 20 ngày hưởng nguyên lương và phụ cấp để điều trị dự phòng.
Khi nào và ai cần uống thuốc dự phòng phơi nhiễm HIV? Theo ông Hoàng Đình Cảnh, phó cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế, mặc dù quy định hiện hành thì thuốc ARV chỉ cấp miễn phí cho những người bị tai nạn rủi ro nghề nghiệp, tuy nhiên quan điểm của ngành y tế là hỗ trợ tối đa đối với những người có hành động dũng cảm, tích cực cứu người bị nạn. Bộ Y tế sẽ tìm kiếm nguồn thuốc ARV để cấp miễn phí cho những người phơi nhiễm với HIV như trong trường hợp 7 người dân cứu người vừa qua. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận