BS Lê Ngọc Duy - phụ trách Trung tâm Cấp cứu và chống độc (Bệnh viện Nhi T.Ư) - lưu ý các kiến thức, kỹ năng phòng tai nạn, ngộ độc cho trẻ - Ảnh: THÙY CHI
Ngày 21-8, Bệnh viện Nhi T.Ư thông tin về một ca cấp cứu với hai trẻ 7 và 6 tuổi cần cảnh báo rộng rãi khi các cháu nhỏ tưởng ống thuốc diệt chuột là kẹo nên chia nhau ăn.
Câu chuyện đáng tiếc trên xảy ra ở tỉnh Thái Bình, khi hai chị em cháu N.N.A. (7 tuổi) và N.M.H. (6 tuổi) ở nhà chơi với nhau vào chiều 15-8.
Trong lúc chơi đùa, chị gái 7 tuổi đã trèo lên mái bếp và thấy có 2 ống dạng thỏi giống bút bi.
Vì tưởng là kẹo nên hai chị em cắt hai ống thuốc chuột rồi chia nhau mỗi em một ống.
Sau gần 30 phút, người nhà phát hiện thấy hai cháu nằm trên giường trong trạng thái li bì, nôn mửa giữa nhà.
Gia đình đã kiểm tra gác mái bếp và thấy 2 tuýp thuốc diệt chuột đã mất nên lập tức đưa hai cháu thẳng vào viện cấp cứu.
Tại Bệnh viện Nhi T.Ư, hai bệnh nhi đã được xét nghiệm độc chất, cấp cứu và điều trị các biến chứng.
Sau 3 ngày điều trị tích cực, theo Bệnh viện Nhi T.Ư, đến ngày 18-8 sức khỏe của 2 bệnh nhi đã ổn định, đủ điều kiện xuất viện.
Tuy nhiên, TS.BS Lê Ngọc Duy - phụ trách Trung tâm Cấp cứu và chống độc (Bệnh viện Nhi T.Ư) - cảnh báo: khi để các hóa chất trong nhà, rất cần phải cất vào các vị trí có ngăn, khóa kỹ, để tránh xa tầm quan sát, tìm thấy của trẻ.
BS Lê Ngọc Duy cũng lưu ý với trẻ dưới 6 tuổi, các bé có bản năng tò mò, muốn khám phá những thứ quanh mình, thậm chí rất hay đưa mọi thứ vào miệng, ăn hoặc uống bất cứ thứ gì cho dù mùi vị ra sao, nhất là những thứ nhìn thấy hấp dẫn hay mang màu sắc sặc sỡ, vì vậy tai nạn thương tâm có thể xảy ra bất cứ khi nào.
Ngay với thuốc chữa bệnh, BS Duy cũng khuyến cáo cần để xa tầm tay của trẻ nhỏ, không cho trẻ nhìn thấy. Đồng thời cần tránh dùng thuốc trước mặt trẻ em vì trẻ nhỏ thường hay bắt chước người lớn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận