01/05/2024 13:19 GMT+7

Cấp cứu bằng đường thủy để xã đảo Cần Giờ sẽ không còn là đảo xa

HOÀNG LỘC
và 1 tác giả khác

Cần Giờ là địa phương đầu tiên của TP.HCM có hẳn đề án 'nâng cao năng lực y tế', và mới đây trong đề án 'đa dạng hóa cấp cứu ngoại viện' được phê duyệt, Cần Giờ cũng được chọn là nơi khởi đầu phát triển mô hình cấp cứu bằng đường thủy.

Cấp cứu bằng đường thủy để xã đảo Cần Giờ sẽ không còn là đảo xa- Ảnh 1.

Giấc mơ về một trạm cấp cứu đường thủy cùng chiếc tàu cấp cứu trang bị hiện đại cho người dân Cần Giờ đang dần trở thành sự thật.

Nếu không có gì thay đổi, chỉ vài năm nữa thôi những chuyến cấp cứu "liều mạng" - như cách gọi của người dân nơi đây sẽ lùi vào dĩ vãng.

Để không còn cấp cứu "liều mạng"

Đến bây giờ, bác sĩ Ngô Trí Thành (29 tuổi, công tác tại Bệnh viện Nhân dân 115) vẫn không thể nào quên chuyến tình nguyện ra xã đảo Thạnh An - xã đảo duy nhất của TP.HCM - khám bệnh cho người dân vào giữa năm 2023.

Với một bác sĩ trẻ chỉ quen nhịp sống công việc ở đất liền, ở đảo với Thành là một thử thách.

"Ngày đầu đặt chân lên đảo, tôi cùng chị đồng nghiệp đón nhận ngay nhiệm vụ chuyển cụ bà bị nhồi máu cơ tim vào đất liền cấp cứu.

Giữa đêm khuya ngồi trên ca nô lao ra vùng biển vào đất liền, mưa to kèm gió rít liên hồi sợ lắm. Có lúc tôi chột dạ với suy nghĩ có khi nào là lần cuối cùng của mình" - Thành kể lại.

Hơn 20 năm gắn bó với Thạnh An, bác sĩ Luân Thanh Trường - trưởng Trạm y tế xã đảo - hiểu rõ những thiếu thốn mà bà con đang phải đối diện, cho dù những năm gần đây được ngành y tế đặc biệt quan tâm bằng các chính sách luân phiên bác sĩ trẻ ra đảo, trang bị máy chụp X-quang bằng trí tuệ nhân tạo và mới nhất là thiết lập đơn vị chạy thận nhân tạo.

Cấp cứu bằng đường thủy để xã đảo Cần Giờ sẽ không còn là đảo xa- Ảnh 2.

Trong ký ức của bác sĩ Trường, ngoài niềm vui cứu sống nhiều người bệnh trong cơn thập tử nhất sinh, còn là những câu chuyện đáng buồn, đáng tiếc và đáng quên.

Ông trầm ngâm điểm qua nhiều trường hợp "bó tay", trong đó có những ca ngư dân bị tai biến trong lúc đánh bắt hải sản, hoặc bệnh nặng gặp mùa gió bão phải chờ qua một đêm mới được xử trí.

"Những lúc đó, anh em chúng tôi chỉ biết ước gì vùng biển Cần Giờ có được một phương tiện cơ động có thể cấp cứu ngay tại chỗ" - bác sĩ Trường nói.

Với vai trò quán xuyến mạng lưới cấp cứu ngoại viện của TP.HCM, bác sĩ Nguyễn Duy Long - giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 - "rất thấm" với sự khó khăn và hiểm nguy trên hành trình cấp cứu ở Thạnh An.

Xưa nay, nếu muốn vào Trung tâm Y tế Cần Giờ cấp cứu, người dân từ xã đảo Thạnh An và các khu vực lân cận chỉ có một cách là đi ghe vào bến đò Tắc Suất. 

Tùy tình trạng sức khỏe của bệnh nhân mà bác sĩ quyết định chuyển lên tuyến trên hoặc giữ lại điều trị.

Trên đất liền cũng chưa khá hơn, mỗi lần cần lên trung tâm thành phố khám bệnh hay điều trị, người dân còn phải phụ thuộc vào xe đò, lụy phà mất nhiều thời gian chờ đợi.

Như câu chuyện của anh Huỳnh Tuấn Tài (35 tuổi) - một trong ba bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối ở xã đảo Thạnh An mà Tuổi Trẻ từng chia sẻ, để có thể chạy thận duy trì sự sống, anh phải mất hơn 25 giờ đi và về, mỗi tuần chạy thận ba lần mất đến sáu ngày đi lại cực nhọc.

"Cần Giờ đang vận dụng hết mọi khả năng, tuy vậy điều kiện hiện tại cũng ít nhiều làm mất thời gian vàng chăm sóc điều trị cho người bệnh" - bác sĩ Nguyễn Duy Long bày tỏ.

Một trạm cấp cứu đường thủy và tàu cấp cứu đặt tại Cần Giờ là niềm mong mỏi bao lâu nay của các bác sĩ và sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho người dân Cần Giờ và các vùng lân cận.

Ngành y tế Cần Giờ đang nỗ lực nâng cao năng lực tại chỗ, đồng thời hy vọng chiếc tàu cấp cứu lưu động sẽ giúp giảm những chuyến cấp cứu

Ngành y tế Cần Giờ đang nỗ lực nâng cao năng lực tại chỗ, đồng thời hy vọng chiếc tàu cấp cứu lưu động sẽ giúp giảm những chuyến cấp cứu "liều mạng", để đảo Thạnh An thật sự an bình - Ảnh: DUYÊN PHAN

San sẻ gánh nặng

Đi Cần Giờ, ra Thạnh An, nghe chuyện những chuyến cấp cứu thót tim, chuyện bà con vượt biển vào đất liền điều trị bệnh, khi về lại đất liền ai cũng trĩu nặng với câu hỏi "tại sao?", rồi trăn trở với suy nghĩ "phải làm gì?".

Từng rất nhiều lần ra xã đảo Thạnh An trực tiếp phỏng vấn người bệnh, ông Tăng Chí Thượng - giám đốc Sở Y tế TP.HCM - đánh giá tuy xã đảo có điện, đường, trường, trạm nhưng vẫn còn hai vấn đề đáng quan tâm: y tế chuyên sâu và vận chuyển cấp cứu.

Từ giữa năm 2023, việc đầu tư một tàu cấp cứu cho Cần Giờ trở thành vấn đề cấp thiết được ngành y tế đưa vào "ưu tiên số 1".

Nếu có tàu, nhân viên y tế sẽ thao tác cấp cứu ngay trên đường vận chuyển, tận dụng được "thời gian vàng" để chạy đua với tính mạng bệnh nhân. Tàu có thể chạy trong điều kiện sóng to, gió lớn mà vẫn đảm bảo an toàn cho người bệnh và nhân viên y tế.

Bởi vậy, khi đề án đa dạng hóa loại hình cấp cứu ngoại viện chọn Trung tâm Y tế Cần Giờ làm nơi khởi đầu cho mô hình cấp cứu đường thủy, bác sĩ Nguyễn Duy Long phấn khởi nói ngay với Tuổi Trẻ:

"Chắc chắn người dân Cần Giờ sẽ rất vui mừng, bởi lời hứa với bà con sắp trở thành hiện thực". Từ bác sĩ Long, niềm vui cho bà con Cần Giờ còn "lây" sang bác sĩ Thành và cả bác sĩ Hiệp - người đầu tiên đầu quân cho Trung tâm Y tế huyện Cần Giờ khi địa phương "vắng bóng" nguồn nhân lực về cống hiến.

Ngành y tế Cần Giờ đang nỗ lực nâng cao năng lực tại chỗ, đồng thời hy vọng chiếc tàu cấp cứu lưu động sẽ giúp giảm những chuyến cấp cứu

Ngành y tế Cần Giờ đang nỗ lực nâng cao năng lực tại chỗ, đồng thời hy vọng chiếc tàu cấp cứu lưu động sẽ giúp giảm những chuyến cấp cứu "liều mạng", để đảo Thạnh An thật sự an bình - Ảnh: DUYÊN PHAN

Còn với vị bác sĩ trưởng Trạm y tế xã đảo Thạnh An Luân Thanh Trường, ông còn có giấc mơ lớn hơn khi mong Cần Giờ sớm có dịch vụ y tế xứng tầm trong tâm thế có thể đón được các nguyên thủ quốc gia.

Bác sĩ Trường nói đây không phải là "suy nghĩ viển vông". Trong tương lai Cần Giờ là một điểm đến lý tưởng cho rất nhiều hoạt động khi có khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn, có lễ hội Nghinh Ông nổi tiếng và trước mắt đang hình thành cảng trung chuyển quốc tế, khu du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng...

"Cần Giờ có rất nhiều tiềm năng, thứ đang thiếu là dịch vụ y tế xứng tầm. Dịch vụ tất nhiên cũng sẽ sớm được nâng cấp, nhưng để được lựa chọn thì Cần Giờ còn phải nâng cao năng lực y tế của chính mình" - bác sĩ Trường gợi mở.

Bác sĩ Đoàn Ngọc Huệ - giám đốc Trung tâm Y tế Cần Giờ - rất vui khi Cần Giờ được chọn làm "đầu não" của cấp cứu đường thủy. Bác sĩ Huệ cho biết tới đây địa phương sẽ có thêm sự phối hợp từ Trung tâm cấp cứu 115, nhẹ gánh hơn trong việc chăm sóc sức khỏe bà con.

Vấn đề tiếp theo chỉ còn là bố trí cơ sở vật chất và quy trình phối hợp làm sao cho hiệu quả. Bác sĩ Huệ hồ hởi:

"Có trạm cấp cứu đường thủy, không chỉ người dân địa phương hưởng lợi mà tàu bè đến vùng biển Cần Giờ đánh bắt hải sản cũng sẽ được đảm bảo về chăm sóc y tế khi cần một cách chuyên nghiệp. Có tàu cấp cứu, người bệnh đi thẳng được lên các bệnh viện tuyến trên. Được vậy, người dân Cần Giờ quá trời mừng".

Ngành y tế Cần Giờ đang nỗ lực nâng cao năng lực tại chỗ, đồng thời hy vọng chiếc tàu cấp cứu lưu động sẽ giúp giảm những chuyến cấp cứu

Ngành y tế Cần Giờ đang nỗ lực nâng cao năng lực tại chỗ, đồng thời hy vọng chiếc tàu cấp cứu lưu động sẽ giúp giảm những chuyến cấp cứu "liều mạng", để đảo Thạnh An thật sự an bình - Ảnh: DUYÊN PHAN

Bước ngoặt cho cấp cứu đường thủy

TP.HCM với đặc điểm địa lý nhiều sông ngòi, kênh rạch, đặc biệt có huyện Cần Giờ giáp biển. Hiện Cần Giờ đang được đầu tư trở thành đô thị du lịch, nghỉ dưỡng, giải trí; xây dựng cảng nước sâu làm trung tâm logistics tầm cỡ khu vực và quốc tế.

Hệ thống giao thông đường thủy sẽ phát triển đa dạng với lưu lượng lớn tàu, thuyền neo đậu và vận chuyển hàng hóa, nhiều người dân đến sinh sống và làm việc, đồng thời thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước.

Cấp cứu đường thủy rất cần thiết khi người bệnh trong tình trạng cấp cứu khẩn cấp trên đường thủy nội địa, vùng giáp biển, đảo và vùng sâu, vùng xa; bệnh lý vượt quá khả năng của cơ sở y tế đang điều trị, phải chuyển ngay đến các bệnh viện tuyến sau mà các phương tiện cấp cứu đường bộ, đường hàng không không thể đáp ứng.

Bác sĩ Nguyễn Duy Long khẳng định bước ngoặt này cũng sẽ là tiền đề để có những đầu tư chuyên sâu cho hoạt động cấp cứu đường thủy.

Một chiếc tàu cấp cứu hiện đại

Một chiếc tàu cấp cứu hiện đại

Tàu cấp cứu hiện đại ra sao?

"Đề án đa dạng hóa cấp cứu ngoại viện" mô tả thân tàu cấp cứu được kết cấu bằng hợp kim nhôm chuyên dùng cho tàu thủy.

Vật liệu nội thất trong các phòng được lắp đặt bằng tấm hợp kim nhôm ba lớp có độ bền cao, không dẫn cháy, được phun xốp cách nhiệt, cách âm tại các khu vực sử dụng với mục đích giảm tiếng ồn và rung động. Khu vực buồng máy được bọc chống cháy, có hệ thống điện năng lượng và pin nguồn.

Tàu được trang bị hai băng ca đặc thù, hệ thống oxy, monitor theo dõi, máy thở di động. Ngoài ra còn được trang bị máy hút đàm, máy sốc điện, máy ép tim tự động và các túi đựng dụng cụ, thuốc cấp cứu chống nước phù hợp với môi trường công tác.

Tàu được trang bị thiết bị thông tin liên lạc đầy đủ để phối hợp với các lực lượng cứu hộ và các lực lượng khác trong quá trình cấp cứu và vận chuyển.

Cấp cứu bằng đường thủy để xã đảo Cần Giờ sẽ không còn là đảo xa- Ảnh 12.

Xã đảo Thạnh An rộn ràng đón bác sĩ khám bệnh miễn phí cho bà conXã đảo Thạnh An rộn ràng đón bác sĩ khám bệnh miễn phí cho bà con

300 người dân tại xã đảo Thạnh An, Cần Giờ được tặng quà và khám, phát thuốc miễn phí sáng 2-3.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên