FAO nêu lên một nghịch lý: khoảng 1,3 tỉ tấn lương thực - tương đương 30% sản lượng lương thực toàn cầu - đang bị thất thoát lãng phí hằng năm khắp thế giới. Báo cáo "Thất thoát và lãng phí lương thực toàn cầu" của FAO nêu rõ: lượng lương thực thất thoát và bị lãng phí ở các nước công nghiệp là 670 triệu tấn, còn ở các nước đang phát triển là 630 triệu tấn. Số lương thực bị lãng phí ở các nước giàu là 222 triệu tấn/năm, tương đương sản lượng lương thực của toàn châu Phi.
"Giá lương thực có thể sẽ tiếp tục tăng do giá dầu vẫn còn cao" như ông Hiroyuki Konuma, đại diện của FAO ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cảnh báo.
Ngân hàng Thế giới trong tháng 4-2011 từng cảnh báo nếu chỉ số giá hàng hóa lương thực tiếp tục tăng thêm 10% thì sẽ thêm 10 triệu người rơi vào nghèo đói, đặc biệt khi giá lương thực ở châu Á thường xuyên ở mức kỷ lục trong nhiều tháng qua.
Báo cáo tháng 5-2011 của FAO nhấn mạnh giá lương thực ở châu Á vẫn cao mặc dù có dao động giảm nhẹ trong tháng 4-2011. Giá gạo ở châu Á trong tháng 4 đã giảm nhưng vẫn còn cao hơn cùng kỳ năm 2010 từ 25-40%. Song nhìn vào mặt bằng chung, giá lương thực châu Á giảm rất ít trong khi giá lương thực toàn cầu vẫn tăng.
Tại hội nghị ASEM trong hai ngày 9 và 10-5, các chuyên gia cho biết người nghèo ở các nước đang phát triển trong khu vực châu Á dành hơn 60% thu nhập cho nhu cầu lương thực, so với 10% của người dân ở các nước phát triển.
Ông Hiroyuki Konuma kêu gọi các nước châu Á cấp bách kiểm soát giá lương thực nhằm ngăn chặn bóng ma khủng hoảng lương thực 2006-2008 tái diễn. Bởi theo ông, "người nghèo sẽ là đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất nếu không kiểm soát được giá lương thực". Ông đề nghị các nước châu Á cần thiết lập mạng an sinh xã hội cho người nghèo và xây dựng hệ thống kho dự trữ lương thực dành cho tình huống khẩn cấp, cải thiện an ninh lương thực và thông tin thị trường lương thực nhằm ngăn chặn nạn đầu cơ mặt hàng này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận