Một đoạn dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đang thi công dang dở - Ảnh: MẬU TRƯỜNG
Tuyến đường bộ cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đang được Chính phủ chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc, để đảm bảo tiến độ cuối năm 2020 thông xe toàn tuyến, hoàn thành vào năm 2021.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói ngày 15-2-2018 tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh An Giang 2018
Đường cao tốc TP.HCM - Cần Thơ có tầm quan trọng đặc biệt, vì kết nối giữa 2 trung tâm kinh tế ĐBSCL và TP.HCM, đáp ứng yêu cầu cạnh tranh kinh tế của khu vực... Do đó Chính phủ rất quan tâm, yêu cầu đẩy nhanh tiến độ xây dựng tuyến cao tốc này.
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói tại công trường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận ngày 26-5-2018
Dự án này vừa "sống lại" nay lại có nguy cơ "chết"...
Hết tiền
Mở đầu buổi làm việc, ông Mai Mạnh Hồng - tổng giám đốc Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận (nhà đầu tư dự án) - cho biết sau khi tái khởi động vào cuối tháng 3-2019, khối lượng thi công dự án đã đạt khoảng 22% (1.107 tỉ đồng), tăng hơn 10% so với trước đây.
Hiện số tiền đổ vào dự án khoảng 3.000 tỉ đồng, trong đó chủ yếu là tiền của chủ đầu tư và nhà thầu. Mới đây UBND tỉnh Tiền Giang đã tạm ứng cho nhà đầu tư khoảng 228 tỉ đồng để giải phóng mặt bằng trong thời gian chờ nguồn vốn ngân sách và vốn vay tín dụng. Nhưng số tiền chẳng thấm vào đâu so với một dự án có quy mô và vốn đầu tư lớn.
Đến nay, theo ghi nhận vào ngày 24-7, trong tổng số 25 gói thầu thì chỉ có 6 gói thầu thi công đúng nghĩa. Các gói thầu còn lại thi công cầm chừng, thậm chí một số gói thầu dừng hẳn việc thi công do không còn tiền.
Cuộc làm việc giữa UBND tỉnh Tiền Giang với chủ đầu tư và các nhà thầu dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Ảnh: M.T.
Ông Phạm Tiến Đức - phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng hạ tầng CII, một trong những nhà thầu đầu tiên có mặt tại dự án này - cho biết đến thời điểm hiện tại công ty đã đổ vào dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận gần 300 tỉ đồng.
"Chủ đầu tư mới chỉ tạm ứng cho chúng tôi một phần rất ít trong số tiền bỏ ra. Giờ chúng tôi cũng đã hết vốn nhưng lại được nghe việc dự án đang thiếu nguồn vốn và chưa thể giải ngân, điều chỉnh thiết kế thì chưa được phê duyệt. Với tình hình này, chúng tôi chỉ cầm cự được đến khoảng giữa tháng 8-2019 chứ không khả quan như dự đoán của chủ đầu tư là đến hết tháng 8-2019 đâu" - ông Đức nói.
Theo ông Nguyễn Bá Hùng - giám đốc điều hành Công ty BMT, đã hơn 1 tháng qua nhà thầu đã nợ lương công nhân.
Tháng 4-2019, tổng giám đốc Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận khẳng định đến cuối năm 2020 thông tuyến toàn bộ công trình, nhưng đến 24-7 lại có thông tin có thể dừng thi công do hết vốn
Tỉnh Tiền Giang chưa đủ tự tin với trách nhiệm được giao nên mất nhiều thời gian trong việc hỏi ý kiến của các cơ quan hữu quan khác.
Ông Mai Mạnh Hồng (tổng giám đốc Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận)
Khuyên nhà thầu bình tĩnh!
Ông Lưu Xuân Thủy, phó chủ tịch HĐQT Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, cho biết hơn 3 tháng qua chủ đầu tư đã thi công rất quyết liệt, đạt thêm khối lượng công việc khoảng 15%, hơn cả khối lượng làm trong 10 năm qua.
Tuy nhiên, theo ông Thủy, đến nay vẫn còn những vướng mắc vượt ra khỏi khả năng của doanh nghiệp dự án, vượt ra khỏi sức chịu đựng của các nhà thầu nên buộc mọi người phải ngồi lại để xác định điểm dừng kỹ thuật. "Đây là một giải pháp hạn chế tối đa các tổn thất, đồng thời để sẵn sàng tổ chức triển khai lại khi điều kiện thuận lợi" - ông Thủy nói.
Tại buổi làm việc, ông Thủy kiến nghị UBND tỉnh Tiền Giang sớm phê duyệt điều chỉnh dự án. Đây là cơ sở để doanh nghiệp làm việc với các tổ chức tín dụng để vay vốn. Tiền Giang cũng được đề nghị tích cực làm việc với các cơ quan trung ương để sớm có lộ trình cụ thể nguồn vốn cho dự án.
Tuy nhiên, ông Trần Văn Dũng - phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang - thể hiện mong muốn mọi người cùng phối hợp để chia sẻ. "Xem như đây là một buổi bàn giải pháp... Các nhà thầu nên bình tĩnh. Hiện tỉnh đã đăng ký một buổi làm việc với Chính phủ để báo cáo những vướng mắc" - ông Dũng nói.
Xem như đây là một buổi bàn giải pháp... Các nhà thầu nên bình tĩnh.
Ông Trần Văn Dũng (phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang)
Vướng mắc lớn nhất: vay vốn
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho biết như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ vào chiều 24-7. Theo ông Nhật, dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã được chuyển giao cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ Bộ GTVT về UBND tỉnh Tiền Giang. Hiện Bộ GTVT chỉ đóng vai trò bộ quản lý ngành và đã hoàn tất công tác thẩm định, thông báo kết quả thẩm định điều chỉnh thiết kế cơ sở.
Về phần vốn nhà nước hỗ trợ, Bộ GTVT cho biết Chính phủ đã có tờ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị phân bổ 500 tỉ đồng ngân sách hỗ trợ dự án. Bên cạnh đó, tháng 3-2019 Bộ Tài chính đã có tờ trình báo cáo Thủ tướng kiến nghị bổ sung vốn thực hiện dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận là 1.686 tỉ đồng.
"Bộ GTVT đã đề nghị nhà đầu tư dự án phải chủ động, tích cực hơn nữa, kịp thời cung cấp các tài liệu pháp lý của dự án để các ngân hàng có cơ sở thẩm định, hoàn tất thủ tục về cung cấp tín dụng và giải ngân vốn vay. Việc sớm hoàn thành, đưa công trình dự án vào khai thác có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần hoàn chỉnh hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông của cả nước nói chung và khu vực ĐBSCL nói riêng" - ông Nhật nói.
Chưa biết thời điểm nào gỡ được vướng mắc
Trả lời báo chí sau cuộc họp về tình trạng thiếu vốn và nguy cơ phải dừng dự án, bà Nguyễn Thị Thanh Phương - phó giám đốc Ban quản lý dự án xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp Tiền Giang - cho biết tỉnh đã có xin ý kiến của Bộ GTVT nhưng cũng chưa thống nhất cao về giải pháp cũng như phương án của doanh nghiệp (phương án điều chỉnh giải pháp xử lý nền đất yếu và điều chỉnh kết cấu mặt đường). "Giải quyết những vướng mắc cụ thể nói trên vào thời điểm nào, tỉnh Tiền Giang vẫn chưa thể biết trước" - bà Phương nói.
Tránh "vết xe BOT quốc lộ", ngân hàng ra điều kiện
Sau nhiều lần được Bộ GTVT ra tối hậu thư dừng dự án nếu không thu xếp được vốn vay ngân hàng, đến tháng 6-2018, doanh nghiệp dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã ký được hợp đồng tín dụng vay 6.850 tỉ đồng của 4 ngân hàng.
Tuy nhiên, do lãi suất vốn vay trong phương án tài chính là 7,82%/năm, trong khi lãi suất hợp đồng tín dụng đã ký với ngân hàng 10,8%/năm, nên đến cuối năm 2018 ngân hàng chưa chịu giải ngân.
Khi vướng mắc lãi suất được tháo gỡ, cuối tháng 5-2019, các ngân hàng bổ sung nhiều điều kiện về vay vốn: vốn ngân sách hỗ trợ dự án tối thiểu là 2.575 tỉ (20,5% tổng mức đầu tư); đặc biệt, phần vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư phải đạt 30% (khoảng 3.765 tỉ đồng), cao hơn mức 10-15% với các dự án BOT hiện nay...
Phía ngân hàng cũng yêu cầu UBND tỉnh Tiền Giang và Bộ GTVT đảm bảo việc thu phí hoàn vốn theo đúng phương án tài chính ký kết, đảm bảo lộ trình tăng phí, không thay đổi quy hoạch giao thông và đầu tư các tuyến đường song hành gây giảm lưu lượng...
Các điều kiện nói trên, theo một số nhà đầu tư, đang là nút thắt khiến dự án khó đáp ứng tiến độ hoàn thành vào cuối năm 2020.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận