Báo cáo tại cuộc họp, các nhà thầu và ban quản lý dự án lo ngại vướng mắc lớn nhất hiện nay tại hai dự án cao tốc trên vẫn là nguồn đất đắp. Đối với dự án Dầu Giây - Phan Thiết còn thiếu 600.000m3, còn Phan Thiết - Vĩnh Hảo là 920.000m3.
Không có thủ tục "cấp lại"
Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, khối lượng đất đắp này chủ yếu phục vụ cho hạng mục đường gom dân sinh, cầu ngang, nút giao. Những hạng mục này không kém phần quan trọng để đảm bảo điều kiện đưa dự án vào khai thác.
Không có cầu ngang thì người dân không thể qua lại được, trong khi tuyến chính phải rào chắn hết. Còn đường gom thì ảnh hưởng rất lớn sinh kế người dân địa phương hai bên tuyến chính.
Ông Thắng cho rằng nếu đưa vào khai thác mà chưa hoàn thành các hạng mục trên thì niềm vui chỉ nửa vời.
Theo ông Phan Văn Đăng - phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, trước đây địa phương rất chủ động hỗ trợ nhà thầu theo hướng là gia hạn các mỏ đất đắp này.
Tuy nhiên, theo ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường thì 6 mỏ đất đắp phục vụ cho cao tốc Phan Thiết - Vĩnh Hảo không đủ điều kiện để gia hạn, phải cấp mới.
"Mà thủ tục cấp mới phải thông qua 12 bước, làm nhanh nhất là 6 tháng", ông Đăng nói.
Sau những vướng mắc trên, Chính phủ ban hành nghị quyết số 31 để tháo gỡ, đề nghị tỉnh Bình Thuận cấp lại.
Nhưng cụm từ "cấp lại" khiến tỉnh Bình Thuận lúng túng, chưa thể tháo gỡ cho nhà thầu do không có trong thủ tục Luật khoáng sản.
"Cấp lại là cấp mới hay gia hạn. Trong nghị quyết chỉ lược bỏ hai bước, vậy 10 bước còn lại xử lý thế nào?", ông Đăng đặt vấn đề.
Vì vậy, các bên tham dự cuộc họp thống nhất sẽ báo cáo Chính phủ điều chỉnh lại nội dung trong nghị quyết theo hướng là gia hạn. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho rằng chỉ có phương án này mới đảm bảo được tiến độ.
Các thành viên của bộ kiến nghị trong thời gian xem xét thì cho các nhà thầu được khai thác để đảm bảo tiến độ. "Vì thủ tục này nhanh nhất cũng tương đương một tuần", ông Thắng cho biết.
Còn theo bà Nguyễn Thị Hoàng - phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, trước đây địa phương cố gắng vận dụng các thủ tục bằng cách cho phép hạ cốt nền đất nông nghiệp để phục vụ dự án cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết.
Tuy nhiên, sau này Thanh tra Chính phủ vào cuộc lại cho rằng không có trong điều khoản nào để thực hiện vấn đề này.
Vì vậy, tỉnh Đồng Nai cũng "bế tắc" trong việc gia hạn, phải chờ kết luận chính thức của đoàn thanh tra.
Bà Hoàng cũng đề xuất gia hạn lại, để sau này còn thực hiện nhiều công trình khác có nguy cơ thiếu đất đắp. Nếu làm theo quy trình này sẽ nhanh hơn rất nhiều so với thủ tục cấp phép mỏ khoáng sản.
Bằng mọi giá phải hoàn thành dịp 30-4
Kết luận cuộc họp, bộ trưởng cho rằng bằng mọi giá phải đưa hai dự án này hoàn thành dịp lễ 30-4 tới, không còn đường lùi. Đây là các dự án rất quan trọng, liên kết vùng, nhất là dự án Dầu Giây - Phan Thiết.
Ông chỉ đạo các bên phải vào cuộc quyết liệt, không được chủ quan, tính tiến độ theo ngày.
Theo Bộ Giao thông vận tải, tiến độ dự án Dầu Giây - Phan Thiết đến nay đạt hơn 90% khối lượng. Với tiến độ thi công như hiện nay thì đảm bảo đưa dự án hoàn thành dịp lễ 30-4 tới.
Riêng khối lượng thi công tại dự án Phan Thiết - Vĩnh Hảo chỉ đạt khoảng 78%, còn lại rất lớn. Tuy nhiên, báo cáo với bộ trưởng tại công trường, các nhà thầu vẫn cam kết cố gắng đạt được tiến độ đề ra.
Cụ thể, các nhà thầu cam kết đến ngày 10-4 sẽ hoàn thành thảm nhựa trên tuyến chính và 25-4 sẽ hoàn thiện các hạng mục an toàn giao thông.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận