06/08/2024 17:10 GMT+7

Cao tốc TP.HCM - Mộc Bài có lợi thế về mặt bằng, vì sao?

Ông Lương Minh Phúc - giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM - nói làm cao tốc TP.HCM - Mộc Bài có thuận lợi rất lớn là đa số đất cần giải phóng mặt bằng là đất nông nghiệp, đất ruộng.

Cao tốc TP.HCM - Mộc Bài có lợi thế về mặt bằng, vì sao?- Ảnh 1.

Vị trí dự kiến làm nút giao cao tốc TP.HCM - Mộc Bài (nối vành đai 3) qua huyện Củ Chi (TP.HCM) - Ảnh: CHÂU TUẤN

Những ngày qua, việc Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài đã nhận được sự quan tâm và ủng hộ của nhiều người dân tại TP.HCM, tỉnh Tây Ninh và xa hơn là người dân ở trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Ông Lương Minh Phúc - giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ban Giao thông - đơn vị chuẩn bị dự án) - cho biết dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài có nhiều ưu thế để triển khai xây dựng và đã được đưa vào dự án trọng điểm quốc gia.

Theo ông Phúc, trong nghị quyết của Bộ Chính trị về sự phát triển miền Đông có nội dung về việc hình thành trục giao thông cao tốc TP.HCM - Mộc Bài kết nối với cảng Tân Cảng - Cái Mép Thị Vải (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Vì vậy, việc thông qua chủ trương, làm dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài sẽ giúp cụ thể hóa nội dung đó.

Từ những bài học kinh nghiệm được đúc kết từ dự án vành đai 3, Ban Giao thông sẽ có nhiều cách làm mới cho cao tốc TP.HCM - Mộc Bài nhưng vẫn áp dụng những cơ chế đột phá đã làm ở dự án vành đai 3, đặc biệt là tách vấn đề giải phóng mặt bằng ra thành một dự án độc lập.

Từ đó các địa phương sẽ được làm trước một số nội dung, từ sau bước duyệt chủ trương đầu tư cho đến bước duyệt dự án khả thi. Tiếp đến sẽ xây dựng kế hoạch chi tiết, và rút ngắn thời gian giải phóng mặt bằng làm dự án.

Việc xây dựng cao tốc TP.HCM - Mộc Bài sẽ giảm áp lực cho quốc lộ 22 (qua huyện Củ Chi, TP.HCM) vốn đã quá tải - Ảnh: CHÂU TUẤN

Việc xây dựng cao tốc TP.HCM - Mộc Bài sẽ giảm áp lực cho quốc lộ 22 (qua huyện Củ Chi, TP.HCM) vốn đã quá tải - Ảnh: CHÂU TUẤN

"Thuận lợi rất lớn của dự án là đa số đất giải phóng mặt bằng để làm dự án là đất nông nghiệp, đất ruộng. Qua thống kê đánh giá, quỹ đất, nguồn đất rất giống vành đai 3 ở việc tỉ lệ đất nông nghiệp cao.

Từ đó chúng tôi sẽ tiếp cận, chia làm hai giai đoạn, tập trung phần đất nông nghiệp và sau đó là đất ở. Bài học đúc kết từ vành đai 3 áp dụng ngay vào dự án này", ông Phúc nói.

Ông Phúc cho biết thêm trong bối cảnh dự kiến sắp tới áp dụng giá đất đã được cập nhật, Ban Giao thông kỳ vọng người dân đồng thuận cao hơn vì giá cập nhật tiếp cận được với giá thị trường. Ban bồi thường giải phóng mặt bằng các địa phương kỳ vọng sự ủng hộ, đồng thuận từ bà con.

Tuy nhiên ông lưu ý dù có rất nhiều điều kiện thuận lợi, nhưng việc làm dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài vẫn sẽ có những thách thức lớn. Do đó Ban Giao thông không hề chủ quan và sẽ cố gắng để hoàn thành những cột mốc được đề ra.

Quy mô dự án

Dự án có chiều dài khoảng 51km, đoạn qua TP.HCM là 24,66km, đoạn qua tỉnh Tây Ninh 26,317km. Trong đó điểm đầu kết nối với đường vành đai 3 TP.HCM (đoạn qua huyện Củ Chi), điểm cuối giao với quốc lộ 22 (khoảng Km53+850) thuộc huyện Bến Cầu, Tây Ninh.

Dự án xây dựng cao tốc TP.HCM - Mộc Bài thuộc dự án nhóm A. Thời gian làm dự án (thời gian chuẩn bị đầu tư và thực hiện) từ năm 2024 đến năm 2027. Tổng mức đầu tư 19.617 tỉ đồng.

Theo tính toán sơ bộ, nhu cầu sử dụng đất và phương án giải phóng mặt bằng khoảng 409,3ha. Giải phóng mặt bằng theo quy mô quy hoạch 6 làn xe.

Chủ tịch Phan Văn Mãi: Phấn đấu hoàn thành cao tốc TP.HCM - Mộc Bài vào cuối năm 2027Chủ tịch Phan Văn Mãi: Phấn đấu hoàn thành cao tốc TP.HCM - Mộc Bài vào cuối năm 2027

Dự kiến tuần sau, Thủ tướng sẽ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài. Sau đó, TP.HCM sẽ chuẩn bị các bước để khởi công dự án trước 30-4-2025, phấn đấu hoàn thành vào cuối năm 2027.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên