02/10/2020 11:11 GMT+7

Cao tốc phía Nam: Cần cơ chế ưu tiên cho tư nhân rót vốn

THU DUNG ghi
THU DUNG ghi

TTO - Cả miền Nam vẫn đang chỉ có 92km cao tốc. Phát triển hệ thống đường giao thông các tỉnh phía Nam không chỉ trông chờ vào đầu tư công. Thu hút vốn tư nhân đầu tư làm đường, tại sao không?

Cao tốc phía Nam: Cần cơ chế ưu tiên cho tư nhân rót vốn - Ảnh 1.

Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đang được gấp rút thi công, dự kiến Tết Nguyên đán năm nay sẽ hoàn thành cơ bản - Ảnh: CHÍ QUỐC

Tuổi Trẻ trân trọng giới thiệu ý kiến của ông Hà Ngọc Trường - phó chủ tịch thường trực Hội Cầu đường cảng TP.HCM.

Cao tốc đã quá tải

Việc khởi công xây dựng ba dự án thành phần của đường cao tốc Bắc - Nam gồm đoạn Mai Sơn - quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây bằng vốn đầu tư công có thể nói là một tín hiệu đáng mừng. 

Nhìn tổng thể, ba tuyến cao tốc này hình thành góp thêm một nét nữa trên hình hài cao tốc Bắc - Nam, tạo dựng hệ thống cao tốc toàn quốc. Tuy nhiên, các tuyến cao tốc ở miền Nam quá ít, đếm trên đầu ngón tay và đều đã quá tải.

Hiện nay, hệ thống cao tốc phía Nam chỉ có hai tuyến: TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây dài 50km và TP.HCM - Trung Lương khoảng 42km. Trong khi nhu cầu đi lại, vận chuyển ở khu vực này rất lớn. Hạ tầng giao thông, cao tốc phía Nam yếu kém, ùn tắc không đáp ứng được tiềm năng phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam mà TP.HCM là trung tâm. Liên kết vùng với TP.HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ lỏng lẻo, yếu kém.

Tôi thường xuyên đi lại ở khu vực Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ. Vào các dịp lễ tết (kể cả cuối tuần), chỉ cần vào giờ cao điểm là ùn tắc các tuyến Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ về TP.HCM. Mùng 6 tháng giêng rồi tôi có đi miền Tây, về đến cao tốc TP.HCM - Trung Lương thì bị kẹt xe. 

Xe đến gần đường dẫn cao tốc đã kẹt, dòng người đông nghẹt, tiến không được, lùi cũng không xong. 

Nhiều người xuống xe đi bộ tìm chỗ nghỉ chân chờ đợi bớt kẹt xe. Tôi cũng quá mệt mỏi, phải ra ven đường kiếm chỗ nằm nghỉ tạm. Tính luôn cả thời gian đi, chờ đợi mòn mỏi là gần 12 tiếng cho đoạn đường vài trăm cây số.

Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải chú trọng đồng bộ cao tốc Bắc - Nam, dồn lực xây dựng cao tốc ở khu vực miền Nam cũng như cao tốc vành đai, cao tốc đi về các tỉnh giáp ranh biên giới như cao tốc TP.HCM đi Mộc Bài, cao tốc đi về Tây Nguyên... 

Hiện các tuyến cao tốc có vốn đầu tư công làm khá chậm, tuyến Bến Lức - Long Thành, Trung Lương - Mỹ Thuận... mãi vẫn chưa hoàn thành. Trong khi đó, nguồn lực xây dựng hạ tầng giao thông từ tư nhân rất nhiều nhưng chúng ta vẫn chưa thể khai thác hết. 

Nhiều nhà đầu tư tư nhân ngần ngại đầu tư do thủ tục rườm rà, cơ chế không rõ ràng, phần nhiều là lỗ hoặc chậm thu hồi vốn.

Song song nguồn vốn công - tư

Theo tôi, Bộ Giao thông Vận tải cần kiến nghị Chính phủ sớm xây dựng chính sách, cơ chế tạo điều kiện cho tư nhân trong và ngoài nước cùng đầu tư, xây dựng hạ tầng giao thông trong 10 năm tới. 

Nên ứng dụng mô hình TOD vào phát triển hạ tầng đô thị tại TP.HCM và các tỉnh. Chúng ta cũng nên tạo cơ chế cho tư nhân đầu tư và ưu tiên cho họ xây dựng đô thị dọc hai bên tuyến để khai thác. Như vậy, chúng ta có hạ tầng, có cảnh quan, đô thị dọc tuyến được xây dựng bài bản, quản lý và khai thác hiệu quả mọi tiềm năng đang có.

Không ít nhà đầu tư tư nhân trong, ngoài nước tha thiết muốn đầu tư cao tốc đi miền Tây, các tuyến đường lớn trong trung tâm TP.HCM nhưng không làm được do vướng cơ chế chính sách. Tôi nói tiêu biểu một nhà đầu tư từ Mỹ đã tiếp cận khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với mong muốn bỏ 100% vốn làm một tuyến cao tốc nối tỉnh Vĩnh Long vào tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ. 

Họ đề nghị sau khi hạ tầng hoàn tất sẽ xây dựng, khai thác các ga đô thị TOD trên đất dọc tuyến cao tốc để hoàn vốn. Theo đó, dọc tuyến sẽ được bố trí các ga, ở mỗi ga có đầy đủ hệ thống dịch vụ như nhà hàng, khách sạn, cửa hàng bách hóa, khu vực giải trí, tham quan... 

Người dân có thể dừng, sử dụng dịch vụ ở các ga này. Tuy nhiên, do cơ chế còn vướng mắc nên họ bỏ cuộc.

Với một số dự án cao tốc kết nối quan trọng từ TP.HCM đi các tỉnh, tôi cho rằng địa phương nên mạnh dạn đề xuất bộ, ngành đưa về cho địa phương quản lý, triển khai, kêu gọi nguồn vốn. TP.HCM có thể làm như cách của tỉnh Bình Dương đã làm. Từ sớm họ đã có cơ chế thích hợp thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư làm đường. 

Tuyến quốc lộ 13 nay là đại lộ Bình Dương được hình thành trên nền tảng đối tác công tư. Tuyến đường được hoàn thành sớm, quy mô đạt tiêu chuẩn quốc tế, nhanh chóng trở thành một trong những tuyến đường đẹp nhất tỉnh Bình Dương phục vụ nhu cầu của người dân, phát triển kinh tế hiệu quả. 

Doanh nghiệp đầu tư cũng được ưu tiên khai thác hạ tầng tại đây để nhanh chóng thu hồi vốn.

Chúng ta có thể triển khai cho nhà đầu tư tư nhân trong nước làm thí điểm ở một số tuyến cần trước mắt như khép kín Vành đai 2, xây xong Vành đai 3, Vành đai 4 rồi mở rộng ra các tuyến cao tốc ở toàn khu vực Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ. Khi cơ chế, chính sách hoàn thiện hơn, nhà đầu tư từ nước ngoài sẽ tìm đến đầu tư.

Chúng ta phải khai thác song song nguồn vốn đầu tư công, đầu tư tư nhân cho hạ tầng giao thông mới đảm bảo hiệu quả cao. Thậm chí không chỉ đường bộ, mà đường thủy hay đường sắt cũng triển khai theo mô hình này, liên kết chặt chẽ với đường bộ.

Đẩy nhanh sửa chữa cao tốc TP.HCM - Trung Lương để giảm kẹt xe Đẩy nhanh sửa chữa cao tốc TP.HCM - Trung Lương để giảm kẹt xe

TTO - Đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương đang quá tải do thời gian dài đường cao tốc này không thu phí. Việc sửa đường cao tốc này càng làm tăng cao mức độ kẹt xe.

THU DUNG ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên