Đường đua xe hơi Long Island Motor Parkway năm 1908 ở Mỹ - Ảnh: liherald.com
Puricelli đã đưa ra ý tưởng về một tuyến giao thông tương đối ngắn, khoảng 80km ở một tỉnh có nhiều xe nhất nước Ý, trên tuyến đường có lưu lượng giao thông cao.
TS MASSIMO MORAGLIO
Đường chạy thử xe hơi ở Mỹ năm 1908
Tỉ phú William K. Vanderbilt II chào đời tại New York năm 1878 là cháu thừa kế đế chế đường sắt từ ông trùm kinh doanh đường sắt Cornelius Vanderbilt. Ông là nhà tài trợ cho cúp Vanderbilt, giải đua xe hơi quy mô lớn đầu tiên ở Mỹ ra đời từ năm 1904. Các tay đua thường trổ tài trên những con đường đất nện trên đảo Long Island.
Năm 1906, một khán giả không may thiệt mạng trong giải đua xe. Người dân địa phương trút phẫn nộ lên xe hơi. Họ bỉ bai xe hơi là đồ chơi của tầng lớp giàu có nghênh ngang chạy xe văng bụi vào các nông dân chân lấm tay bùn. Để thoát khỏi kiện tụng và lời ra tiếng vào của người dân đồng thời xoa dịu các địa phương khó tính đã hạn chế vận tốc xe hơi chỉ còn tối đa 8 km/h, tỉ phú Vanderbilt II đã nảy ra ý tưởng xây dựng một làn đường riêng để chủ xe hơi chạy thử xe với vận tốc trên 100 km/h.
Đường thử nghiệm xe hơi ở Đức năm 1921 Ảnh: eautobahn.de
Với 2 triệu USD quyên góp từ cánh nhà giàu New York, đường xe hơi Long Island Motor Parkway được khánh thành vào ngày 10-10-1908. Con đường bằng ximăng dài 72km có nhiều điểm tương đồng với đường cao tốc sau này như tuyến đường chạy thẳng, có cầu vượt giao lộ, có hàng rào bảo vệ và trạm thu phí. Chủ xe phải trả 2 USD tại sáu trạm đầu vào để bù đắp cho chi phí xây dựng tăng gấp ba lần. Tuy nhiên, đây vẫn chưa phải là đường cao tốc đúng nghĩa. Dù ai lái xe đều có thể sử dụng nhưng con đường vẫn được coi là đường chạy thử xe tốc độ cao hơn là đường giao thông. Con đường cũng chỉ có một làn chạy hai chiều và đôi chỗ khá hẹp.
Cuối cùng đường Long Island Motor Parkway gặp thất bại. Số người tham gia giao thông quá ít không mang lại lợi nhuận. Con đường nhanh chóng rơi vào quên lãng. Cây cối thoải mái đâm rễ xuyên qua bêtông. Một số đoạn vẫn còn lưu giữ đến ngày nay đã trở thành đường đi thông thường hoặc đường dành cho xe đạp.
Khái niệm ban đầu về xây dựng đường cao tốc hai làn xe xuất phát từ Đức. Đầu thế kỷ 20, người Đức phát minh ra xe hơi nhưng Pháp lại đang thống trị ngành công nghiệp này. Trong giai đoạn bị ám ảnh bởi chiến tranh giữa các quốc gia, Câu lạc bộ Xe hơi hoàng gia (Kaiserlicher Automobilclub) ở Đức đánh giá tình hình này rất đáng báo động. Năm 1909, họ thành lập Công ty Đường giao thông và chạy thử xe hơi (AVUS - Automobil-Verkehrs- und Übungs-Straße) và làm đường chạy thử xe nhằm khuyến khích phát triển ngành ôtô tại Đức. Địa điểm được chọn là rừng Grunewald ở ngoại ô Berlin.
Chiến tranh thế giới thứ nhất đã làm gián đoạn dự án vì không tìm được nguồn tài trợ. Công trình chỉ hoạt động trở lại nhờ sức ép từ nhà chính trị bảo thủ - vua than đá Hugo Stinnes. Đường chạy AVUS được khánh thành vào ngày 21-9-1921 với khán đài bao quanh hai con đường thẳng song song chạy vòng ở hai đầu. Con đường dài 10km trải nhựa có dải phân cách ở giữa, được dùng làm nơi các hãng xe hơi kiểm tra xe hoặc tổ chức đua xe vào ngày cuối tuần và dành cho giao thông những ngày còn lại. Ai cũng có thể chạy thử xe miễn là bỏ ra số tiền 10 mark.
Con đường được kết nối với mạng lưới giao thông đường bộ dưới thời đệ tam đế chế (1933-1945), sau đó tiếp tục là tuyến đường tạm thời cho đến những năm 1990. Hiện nay đây là đường cao tốc A115, một trong những tuyến đường huyết mạch nhộn nhịp nhất ở Berlin.
Piero Puricelli và đường cao tốc ở Ý năm 1924 (nay là đường cao tốc A8) - Ảnh: it.motor1.com
Đường cao tốc đầu tiên trên thế giới ở Ý
Kỹ sư Piero Puricelli (1883-1951) chuyên kinh doanh các công trình công cộng tại Milan (Ý). Trên đường lái xe hơi đến các hồ trong vùng, ông nhận ra xe hơi phải chật vật trên đường với xe ngựa, xe đạp và người đi bộ. Trong cuốn sách nhỏ xuất bản đầu năm 1922, ông đã phác thảo ý tưởng xây dựng một con đường riêng dành cho xe hơi có thu phí. Sách có đoạn dự báo: "Sẽ đến ngày đường sá [...] không còn chịu nổi luồng giao thông xe cộ ngày càng tăng. [...] Chúng sẽ được chia nhỏ thành nhiều loại đường phục vụ theo nhu cầu".
Năm 1921, sau khi thành lập Công ty Società Anonima Autostrada, Puricelli xin giấy phép xây dựng đường cao tốc. Tháng 3-1922, hội đồng thành phố Milan đã gọi dự án là "autostrada" (nghĩa là đường cao tốc). Dự án mang tên "Xa lộ các hồ" (Autostrada dei Laghi) dài 84km. Vài tháng sau khi dự án khởi động, Benito Mussolini là người đồng tình với dự án lên cầm quyền thủ tướng ở Ý. TS sử học Massimo Moraglio - nhà nghiên cứu chính tại Đại học Kỹ thuật Berlin (Đức) - phân tích: "Chính quyền phát xít hiểu rất rõ việc xây dựng 84km đường siêu hiện đại có thể mang lại lợi ích về mặt tuyên truyền". Dự án được đưa vào danh mục phục vụ lợi ích công cộng nên tiến triển rất nhanh.
Đường cao tốc đầu tiên ở Đức Bonn-Cologne ra đời năm 1932 Ảnh: sechtem.de
Sau 18 tháng thi công, vào ngày 21-9-1924, vua nước Ý Vittorio-Emanuele III đi trên chiếc xe hơi Lancia Trikappa nội địa khánh thành đoạn cao tốc đầu tiên Milan-Varese. Người hiếu kỳ từ khắp thế giới đổ xô đến xem. Trong thời gian đầu, rất ít xe lưu thông trên đường cao tốc. Cứ mỗi sáu phút mới có một chiếc xe hơi chạy vì Ý lúc đó chỉ có 57.000 xe hơi. Từ năm 1925-1932, các đoạn Milan-Como, Milan-Bergamo, Milan-Turin được khánh thành.
Năm 1926, Hiến chương Milan đã quy định các yếu tố tiêu chuẩn để được gọi là đường cao tốc. "Hạt giống" về đường cao tốc đã được gieo. Năm 1927, một tập tờ gấp có tựa đề "Bản đồ dự báo mạng lưới đường cao tốc tương lai ở châu Âu" đã mở ra cánh cửa xây dựng mạng lưới cao tốc toàn châu Âu. Puricelli hợp tác với đối tác ở Đức xây dựng một đoạn ngắn cao tốc dài 20km Bonn-Cologne. Con đường được khánh thành ngày 6-8-1932 là đường cao tốc (autobahn) đầu tiên ở Đức (nay là đường cao tốc A55).
Năm sau Adolf Hitler lên nắm quyền. Trước đó Đức Quốc xã chỉ trích đường cao tốc chỉ phục vụ cho lợi ích của "các nhà quý tộc giàu có và các nhà tư bản lớn Do Thái", song Hitler hiểu có thể khai thác đường cao tốc làm vũ khí tuyên truyền và phục vụ cho chiến tranh sắp tới. Từ năm 1933-1945, Đức đã xây dựng 3.800km đường cao tốc. Mỹ chỉ bắt đầu phát triển mạng lưới đường cao tốc vào năm 1938 và năm 1940 mới khánh thành đường cao tốc đầu tiên nối liền Harrisburg và Pittsburgh.
Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Nhật đã xây dựng thành công mạng lưới đường cao tốc rộng khắp trong thời gian không lâu. Thành công này không hẳn chỉ toàn hoa hồng.
Đường cao tốc của Piero Puricelli là con đường đầu tiên được xây dựng dành riêng cho xe hơi thực sự có tuyến dẫn đến một địa điểm nhất định. Đường rộng 8m gần như thẳng tuyệt đối với mỗi chiều một làn xe và có làn đường khẩn cấp nhưng không có vạch phân cách. Phí sử dụng đường 20 lire (12 euro hiện nay) được thu ở cuối đường. Anh nhân viên thu phí sống trong căn nhà cạnh đường phụ trách mở cổng. Đường đóng cửa từ 1h đến 6h sáng vì nhân viên này bận... ngủ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận