Bộ Giao thông vận tải vừa trình Chính phủ dự thảo nghị định về thu phí sử dụng đường bộ cao tốc. Đây là chính sách quan trọng để huy động nguồn lực xã hội cho hệ thống đường cao tốc.
Chủ phương tiện vận tải được lợi nhiều hơn
Việc di chuyển trên các tuyến cao tốc hiện đại đã rút ngắn thời gian di chuyển của phương tiện giao thông.
Anh Nguyễn Văn Thắng (40 tuổi, quê Hà Nam), một người sống tại Hà Nội thường xuyên về quê trong dịp cuối tuần, cho biết từ khi có tuyến cao tốc Hưng Yên - Hà Nam do Nhà nước đầu tư (tuyến nối giữa cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình) thời gian di chuyển từ Hà Nội về Hà Nam đã rút ngắn khoảng 1 tiếng đồng hồ.
Theo anh Thắng, trước đây khi đi từ Hà Nội về Hà Nam trên cung đường Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình thời gian về quê phải mất 2 giờ 30 phút, nay di chuyển trên cung đường Hà Nội - Hưng Yên - Hà Nam anh chỉ mất 1 giờ 30 phút vì quãng đường đi lại ngắn hơn, thông thoáng hơn.
Tương tự, anh Nguyễn Tuấn Anh, tài xế lái xe khách chuyên chạy tuyến Hà Nội - Nghệ An, cũng cho biết từ khi thông tuyến cao tốc từ Cao Bồ - Mai Sơn - quốc lộ 45 - Diễn Châu, thời gian đi lại trên tuyến rút ngắn một nửa, việc chạy xe trên các tuyến đường bộ cao tốc này cũng nhàn hơn, nhà xe có thể quay vòng chuyến nhanh hơn.
Những đánh giá tác động chính sách thu phí đường bộ các tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư của Bộ Giao thông vận tải cũng chỉ ra rằng chủ các phương tiện vận tải lưu thông trên các tuyến cao tốc phải trả phí sẽ được lợi nhiều hơn khi tiết kiệm được thời gian và chi phí vận hành phương tiện (nhiên liệu, hao mòn xe).
Trên cơ sở phân tích 12 tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư dự kiến sẽ thu phí thời gian tới, Bộ Giao thông vận tải khẳng định: kết quả lượng hóa chi phí vận hành và chi phí thời gian của phương tiện vận tải cho thấy so với việc lưu thông trên các tuyến quốc lộ song hành, phương tiện vận tải lưu thông trên các tuyến cao tốc sẽ được lợi bình quân 4.824 đồng/xe/km. Trong đó có 25% từ tiết kiệm vận hành phương tiện và 75% từ tiết kiệm thời gian hàng hóa và hành khách trên đường.
Loại phương tiện thu được lợi ích lớn nhất là xe khách từ 30 chỗ trở lên với con số tiết kiệm bình quân 14.132 đồng/xe/km, trong khi phương tiện vận tải thu được lợi ích thấp nhất là xe tải dưới 2 tấn, với mức tiết kiệm bình quân là 1.174 đồng/xe/km.
Lấy cao tốc nuôi cao tốc
Trao đổi với Tuổi Trẻ về vấn đề thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư, ông Nguyễn Văn Quyền, chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN, cho biết mức thu phí với những tuyến cao tốc đầu tư bằng ngân sách nhà nước đang được đề xuất bằng 50 - 70% so với những tuyến đường đầu tư bằng phương thức khác. Hiệp hội đã tham gia góp ý và đồng tình với chủ trương thu phí và mức thu dự kiến.
Việc thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư bằng ngân sách theo ông Quyền là hợp lý vì các lý do sau: Thứ nhất, Nhà nước đầu tư đường cao tốc mà không thu phí sẽ không huy động được thêm nguồn lực đầu tư tuyến cao tốc mới, góp phần hoàn thiện hệ thống đường cao tốc cả nước.
Thứ hai, trên các tuyến cao tốc hiện hữu thì hằng năm vẫn cần kinh phí để duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa, duy trì tình trạng kỹ thuật của đường, bảo đảm khai thác hiệu quả và bảo đảm an toàn giao thông trên tuyến.
Thứ ba, nếu không thu phí các tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư thì sẽ ảnh hưởng đến các tuyến cao tốc song hành đầu tư bằng phương thức khác như BOT. Lượng phương tiện sẽ dồn vào các tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư nhưng không thu phí, gây ùn tắc giao thông trên tuyến. Trong khi lượng phương tiện lưu thông trên các tuyến cao tốc BOT giảm, phá vỡ phương án tài chính các dự án cao tốc BOT. Tạo ra sự bất bình đẳng, ảnh hưởng tới định hướng xã hội hóa đầu tư cao tốc.
Từ góc độ chi phí với người dân, doanh nghiệp lưu thông trên tuyến cao tốc có thu phí do Nhà nước đầu tư, ông Quyền cho rằng các doanh nghiệp vận tải lựa chọn tuyến đường nào sẽ căn cứ vào yêu cầu vận tải như thời gian giao hàng, tốc độ lưu thông trên tuyến, chất lượng tuyến đường, không có nguy cơ ùn tắc để bảo đảm yêu cầu của khách hàng.
Ông Quyền cũng cho rằng chi phí vận tải của doanh nghiệp phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nếu chất lượng đường tốt, tốc độ lưu thông đều thì chi phí nhiên liệu, hao mòn phương tiện sẽ giảm đi. Doanh nghiệp sẽ căn cứ vào từng lô hàng, yêu cầu về thời gian giao hàng để lựa chọn tuyến đường lưu thông phù hợp.
Theo ông Đặng Huy Đông - nguyên thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, về lâu dài chủ trương thu phí các tuyến cao tốc hiện hữu do Nhà nước đầu tư sẽ tạo nguồn lực để cả nước tiếp tục đầu tư mới, mở rộng các tuyến cao tốc để phát triển hệ thống giao thông đường bộ hiện đại.
"Nguồn tiền thu phí từ các tuyến cao tốc cần ưu tiên cho phát triển đường cao tốc để từng bước hoàn thành hệ thống đường cao tốc quốc gia đúng với quy hoạch từ nay đến 2030. Vì nếu chỉ trông chờ vào ngân sách hằng năm sẽ không bao giờ đủ tiền làm cao tốc, và việc chậm hoàn thành mạng lưới đường cao tốc quốc gia sẽ kéo lùi tốc độ phát triển kinh tế", ông Đông lưu ý.
Cùng quan điểm này, đại diện một doanh nghiệp BOT phía Bắc cũng khẳng định Nhà nước đã đầu tư thì phải thu phí vì Nhà nước chưa đủ nguồn lực để miễn phí cho người dân, doanh nghiệp. Ngay cả các nước G7, dù giàu như vậy họ vẫn phải thu phí sử dụng đường cao tốc để có nguồn lực đầu tư, duy tu, bảo trì chính những con đường người dân, doanh nghiệp đang sử dụng. Ngay tại thành phố Sydney (Úc) có cây cầu mà người dân cứ đi qua là phải trả phí, điều này rất bình thường.
Mỗi năm cần 24.000 tỉ đồng để xây dựng cao tốc
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đặt mục tiêu cả nước có 5.000km cao tốc vào năm 2030, để đạt mục tiêu này cần khoảng 813.000 tỉ đồng.
Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 cần 393.000 tỉ đồng để hoàn thành 2.043km cao tốc, khởi công xây dựng mới 925km cao tốc. Đến nay cả nước đã hoàn thành 916km cao tốc, cần thêm 211.000 tỉ đồng để hoàn thành 1.127km cao tốc từ nay đến 2025.
Giai đoạn 2021 - 2030, ngoài vốn BOT, ngân sách nhà nước cần bố trí khoảng 239.500 tỉ đồng để hoàn thành mục tiêu xây dựng cao tốc đã đề ra, trung bình mỗi năm ngân sách phải bỏ ra khoảng 24.000 tỉ đồng để xây cao tốc.
Thu phí cao tốc sẽ nộp ngân sách hơn 2.850 tỉ đồng/năm
Theo Bộ Giao thông vận tải, nếu thu phí 10/12 tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư đã hoàn thành đưa vào khai thác gồm: Hà Nội - Thái Nguyên, TP.HCM - Trung Lương, Mai Sơn - quốc lộ 45, quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Cam Lộ - La Sơn, La Sơn - Hòa Liên, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây, Mỹ Thuận - Cần Thơ thì tổng số thu phí sẽ đạt khoảng 3.210 tỉ đồng/năm, số nộp ngân sách nhà nước trung bình khoảng 2.850 tỉ đồng/năm.
Bên cạnh tăng thu ngân sách nhà nước, việc thu phí các cao tốc này cũng giúp các dự án BOT song hành hiện hữu có thể tăng doanh thu khoảng 20%.
* PGS.TS Trần Chủng (chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam):
Để vận hành các tuyến cao tốc hiệu quả
Việc thu phí các cao tốc do Nhà nước đầu tư là rất cần thiết vì cao tốc là công trình đặc biệt.
Khoản phí thu được trước hết cần được sử dụng để vận hành các tuyến cao tốc hiện hữu cho an toàn.
Lâu nay chúng ta quan tâm nhiều đến đầu tư cao tốc nhưng chưa quan tâm đúng mức tới việc vận hành các tuyến cao tốc cho hiệu quả, vấn đề này cần sớm được khắc phục.
Bên cạnh đó, cần ưu tiên nguồn thu phí để bảo trì, bảo dưỡng các tuyến cao tốc, bảo đảm an toàn cho các phương tiện lưu thông trên cao tốc. Điều này cũng góp phần kéo dài tuổi thọ của các tuyến đường.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận