Chiều 5-9 tại TP Cần Thơ, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã có buổi làm việc với các địa phương về triển khai các dự án giao thông trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Ông Trần Văn Thi, giám đốc Ban quản lý dự án Mỹ Thuận, chủ đầu tư dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, cho biết toàn tuyến cần hơn 18,6 triệu m3 cát để san lấp nền, trong đó các địa phương bố trí trên dưới 1,47 triệu m3, đạt 8%.
Số thực tế mới tiếp nhận còn thấp hơn nữa, chỉ 0,48 triệu m3 từ các địa phương, trong đó tỉnh Đồng Tháp giao 0,37 triệu m3 và nhà thầu đã tiếp nhận hết. Còn tỉnh An Giang bố trí 1,1 triệu m3 từ 4 mỏ cát, nhưng mới lấy 110.000m3 phải tạm dừng do một số mỏ bị thu hồi.
Tỉnh Vĩnh Long có giới thiệu 2 mỏ cát 1,38 triệu m3, hiện nhà thầu đang khảo sát, đánh giá trữ lượng.
“UBND 3 tỉnh mà Ban quản lý Mỹ Thuận đã làm việc tích cực ủng hộ, rút ngắn thủ tục làm sao trong tháng 9 những thủ tục tăng công suất không quá 50% thì có thể tiếp nhận được. Còn những mỏ mới có thể triển khai được trong tháng 10”, ông Thi kiến nghị.
Ông Phạm Thiện Nghĩa - chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp - tỏ ra băn khoăn với việc giao mỏ cát cho nhà thầu thi công cao tốc khai thác cát.
Thời gian qua xét thầu theo quy trình, đơn vị nào đủ năng lực vào khai thác, còn bây giờ giao trực tiếp nhà thầu. Nhà thầu phải nhờ địa phương hỗ trợ qua công ty, doanh nghiệp nhà nước có năng lực để khai thác cát phục vụ thi công.
“Qua công ty nhà nước khai thác giao cho nhà thầu sợ sai theo chỉ đạo, các đơn vị nhờ địa phương giới thiệu qua đơn vị nhà nước đã khai thác có uy tín, hiểu dòng sông, biết được khai thác đó thuận lợi hơn”, ông Nghĩa nói và cho biết chậm nhất đến 20-9 tỉnh Đồng Tháp hoàn thành đánh giá tác động môi trường 5 mỏ cát.
Tương tự, ông Nguyễn Thanh Bình - chủ tịch UBND tỉnh An Giang - cho rằng khi giao mỏ cát cho nhà thầu thi công cao tốc thì kiểm soát như thế nào, làm sao mang lại hiệu quả?
“Nên chăng các nhà thầu thi công cũng nên thông qua địa phương hoặc là có hợp đồng liên danh với các doanh nghiệp có kinh nghiệm trong khai thác”, ông Bình nói và đề xuất hợp đồng liên danh cần minh bạch, không có lợi ích nhóm.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng đối với Đồng bằng sông Cửu Long môi trường là số 1, môi trường ở đây liên quan đến sự cân bằng trong khai thác với sạt lở có diễn ra hay không, dòng chảy phân bổ, độ sâu, các chỉ số kỹ thuật.
“Lo nhất về mặt sạt lở. Một con đường hình thành ra được nhưng chúng ta mất đi nhiều làng mạc thì có nên đánh đổi không. Nên làm hết sức cẩn trọng”, ông Hà lưu ý.
Ông Hà cho biết Thủ tướng đã thống nhất giao mỏ cát cho nhà thầu thi công cao tốc khai thác nhưng có thể thông qua địa phương, giới thiệu doanh nghiệp am hiểu địa bàn, có năng lực máy móc. Thể hiện bằng hợp đồng, toàn bộ cát chỉ được cung cấp cho công trình nhà thầu thi công, có trách nhiệm giám sát để toàn bộ cát được giao cho công trình đó.
Ông Hà cũng thống nhất với đề xuất thành lập tổ liên ngành giám sát việc thực hiện cơ chế đặc thù, nhằm thực hiện hiệu quả việc khai thác cát phục vụ các công trình giao thông trọng điểm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận