Chiều 14-3 tại tỉnh Hậu Giang, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã có buổi làm việc với các địa phương về cung ứng nguồn vật liệu san lắp cho các dự án cao tốc vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Nhu cầu cát cho cao tốc quá lớn
Báo cáo với Phó thủ tướng, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Duy Lâm cho biết nhu cầu vật liệu cát đắp nền đường của các dự án cao tốc trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long khởi công trong giai đoạn 2021 - 2025 rất lớn, khoảng 47,81 triệu m3.
Riêng dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía đông từ Cần Thơ đến Cà Mau, tổng nhu cầu cát đắp khoảng 18,5 triệu m3 hiện đang gặp khó khăn về nguồn cung.
Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh An Giang bố trí 7 triệu m3, Đồng Tháp bố trí 7 triệu m3 và Vĩnh Long bố trí 5 triệu m3 cát cho dự án.
Tuy nhiên các địa phương mới chỉ cân đối để cung cấp được khoảng 3 triệu m3 nhưng khối lượng này cũng chưa thể khai thác được ngay mà cần triển khai các thủ tục, mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ.
Về việc sử dụng cát biển để phục vụ san lấp, theo ông Lâm, nhanh nhất phải đến cuối năm 2023 mới có thể xác định được khả năng đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của cát biển sử dụng làm vật liệu san lấp cho các dự án.
Do đó trong năm 2023 và 2024, nguồn vật liệu san lấp cho các dự án đường cao tốc chủ yếu vẫn là cát sông.
Ông Lâm đề nghị Phó thủ tướng chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long rà soát, khẩn trương thực hiện các thủ tục nâng 50% công suất các mỏ cát đang khai thác và dành toàn bộ khối lượng phần tăng thêm để cấp cho dự án.
Các tỉnh An Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp ưu tiên bố trí đủ nguồn vật liệu cát đáp ứng tiến độ triển khai các dự án.
Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì làm việc với các địa phương để xác định trữ lượng cát của từng tỉnh cung cấp cho dự án, đồng thời hướng dẫn các địa phương giải quyết vướng mắc trong quá trình triển khai.
Yêu cầu lên biểu đồ nhu cầu cát cho cao tốc
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Giao thông vận tải lên biểu đồ cho bốn tuyến cao tốc, trong đó chính xác đến tháng nào, nói rõ nhu cầu cần bao nhiêu.
Các địa phương có mỏ cát đang hoạt động chủ động tăng 50%, còn các mỏ đá, đất có thể tăng 200%. Tất cả các mỏ đang tạm thời đóng cửa, xem xét cấp phép trở lại, đối với các mỏ cát khai thác mới phải có khảo sát, đánh giá, giám sát môi trường.
Bộ Giao thông vận tải trên cơ sở điều tra, khảo sát, cùng các địa phương thống nhất hợp đồng các nhà thầu với các chủ mỏ, giá cả hợp lý, không làm đội giá.
Ông Hà đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường trên cơ sở số liệu về trữ lượng, công suất, thực hiện việc phân bố, đảm bảo sát với nhu cầu thi công, đánh giá toàn bộ các mỏ hiện hữu, mỏ cát mới, điều tiết để phân bổ hợp lý theo thời gian, theo từng mỏ, từng địa bàn.
Trước đó, ông Hà đã đi khảo sát mỏ cát trên sông Tiền thuộc tỉnh An Giang để phục vụ san lấp cho các tuyến cao tốc tại miền Tây.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận