Thi công đình trệ nhiều năm
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản gửi các bộ: Giao thông vận tải, Tài chính, Xây dựng, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, truyền đạt chỉ đạo của Phó thủ tướng Trần Lưu Quang về điều chỉnh chủ trương đầu tư cao tốc Bến Lức - Long Thành.
Cao tốc Bến Lức - Long Thành là dự án quan trọng quốc gia, do VEC làm chủ đầu tư, được phê duyệt đầu tư từ năm 2010, với chiều dài 57,8km, tổng vốn đầu tư dự án khoảng 31.320 tỉ đồng.
Dự án sử dụng vốn vay ODA từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (Jica), và nguồn vốn đối ứng trong nước.
Thời gian thực hiện dự án dự kiến từ năm 2015-2025.
Tuyến cao tốc này được VEC chia thành 11 gói thầu, thuộc 3 đoạn tuyến, với 3 hiệp định vay vốn nước ngoài khác nhau, trong đó có 2 hiệp định vay vốn ADB, 1 hiệp định vay vốn Jica.
Tuy nhiên, việc đầu tư xây dựng cả 3 đoạn tuyến đình trệ từ giữa năm 2019 đến nay do nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn tới việc một số nhà thầu thi công dự án kiện VEC ra Trung tâm trọng tài quốc tế Singapore (SIAC) để yêu cầu bồi thường theo hợp đồng đã ký kết.
Với đoạn tuyến phía Tây (gồm 5 gói thầu) của cao tốc Bến Lức - Long Thành, được phê duyệt từ năm 2010, triển khai xây dựng đến năm 2018 thì rơi vào đình trệ vì nguồn vốn ngân sách khó khăn, thiếu mặt bằng sạch, biến động về giá, một số vị trí phải xử lý nền đất yếu… dẫn tới việc phải gia hạn thời gian thực hiện và hiệp định vay vốn.
ADB cũng đóng hiệp định vay vốn dự án vào tháng 6-2019 nên VEC không có tiền thanh toán cho nhà thầu, phải dừng thi công nên nhà thầu gói thầu A1 đã khởi kiện VEC ra SIAC yêu cầu bồi thường các chi phí phát sinh do chậm thanh toán, chi phí quản lý, huy động công trường, thiết bị trong thời gian chờ dừng thi công.
Nhà thầu đồng loạt kiện VEC đòi bồi thường
Đối với 3 gói thầu J1, J2, J3 thuộc đoạn giữa tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành, do phải dừng thi công 3 năm 9 tháng để giải quyết các vướng mắc liên quan tới cơ chế, chính sách trong nước nên nhà thầu thi công gói thầu J3 đã khởi kiện VEC ra SIAC để yêu cầu thanh toán chi phí phát sinh do chậm thanh toán, chi phí quản lý, huy động công trường, thiết bị. Nhà thầu gói thầu J1 cũng đang yêu cầu VEC phải thanh toán chi phí phát sinh như nhà thầu thi công gói thầu J3.
Tương tự, các nhà thầu thi công 3 gói thầu A5, A6, A7 thuộc đoạn phía Đông cao tốc Bến Lức - Long Thành cũng đang yêu cầu VEC phải bồi hoàn chi phí dừng chờ, đồng thời tố chủ đầu tư VEC đã vi phạm hợp đồng.
VEC đang thuê luật sư để bảo vệ tại SIAC.
Trong văn bản gửi tới Bộ Xây dựng mới đây, Bộ Giao thông vận tải khẳng định trách nhiệm của VEC là phải cân đối số vốn để thanh toán các khoản chi phí phát sinh nếu có.
Các khoản chi phí này chỉ được thực hiện sau khi có quyết định cuối cùng của cấp có thẩm quyền.
Bộ Giao thông vận tải cũng đề xuất cập nhật chi phí phát sinh này vào dự án để tránh thực hiện điều chỉnh dự án nhiều lần.
Nhưng điều bộ băn khoăn là các chi phí tranh chấp, khiếu kiện chưa được quy định cụ thể trong các khoản mục chi của dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành.
VEC xin bổ sung hơn 7.547 tỉ đồng làm cao tốc Bến Lức - Long Thành
Trong tờ trình điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành mới đây, Bộ Giao thông vận tải đã đề xuất VEC tự bố trí thêm khoảng 7.547 tỉ đồng từ nguồn tích lũy của doanh nghiệp để hoàn thiện các gói thầu A2-2, A4, A6, A7 và các chi phí phát sinh.
Đồng thời, VEC cũng đề xuất hủy hiệp định vay số vốn không có nhu cầu sử dụng khoảng 100 triệu USD từ ADB.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận