Nằm cách cửa khẩu Hoa Lư (tỉnh Bình Phước) 200km, gần 5.000ha cây cao su xanh bạt ngàn đang vào khai thác ở hai xã O'Kreang và Roluos Meanchey, huyện Sambo, tỉnh Kratie, Vương quốc Campuchia mang đến nhiều đổi thay tích cực, tô thắm thêm màu xanh cao su hòa vào dòng chảy cuộc sống trên đất nước chùa tháp.
15 cán bộ đi mở đất
Để thực hiện dự án trồng cao su tại tỉnh Kratie, Tổng công ty Cao su Đồng Nai cử 15 cán bộ đầu tiên đi mở đất, hầu hết đều chưa biết tiếng Khmer. Đoàn cán bộ công ty mới sang đất bạn phải dựng lán trại bằng cây rừng làm chỗ ở. Thời tiết khắc nghiệt, mùa khô nắng nóng gay gắt kéo dài, trong khi mùa mưa dai dẳng sình lầy ngập lối khiến việc đi lại vô cùng khó khăn.
Ông Trần Ngọc Thuận, chủ tịch Hiệp hội Cao su Việt Nam, thời điểm đó là phó tổng giám đốc VRG, nhớ lại: "Khi ấy, anh em Tổng công ty Cao su Đồng Nai rất quyết liệt, từ lãnh đạo công ty mẹ như anh Ba Châu, chị Gái, đến anh Ngô Toàn - tổng giám đốc Công ty Đồng Nai - Kratie. Nhờ vậy, chúng ta mới có 71ha cao su trồng đầu tiên vào năm 2008".
Còn ông Oknha Leng Rithy, trưởng văn phòng đại diện VRG tại Campuchia, chia sẻ: "Trong tám năm, các đơn vị trực thuộc VRG tại Campuchia đã trồng xong 100.000ha cao su trên nước bạn. Đây là một kỳ tích, có những anh em đã hy sinh cả tuổi thanh xuân để góp phần vào thành công của dự án như hôm nay".
Với số lượng cán bộ công nhân viên ít ỏi được cử sang nước bạn, ngày ngày đi cắm mốc, đo đạc dự án, tối đến phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động bà con tuyển lao động. Công việc tuyển lao động tưởng chừng đơn giản lại gặp muôn vàn khó khăn do bà con địa phương còn xa lạ với cây cao su và chỉ quen với việc canh tác nhỏ, trồng lúa, hoa màu, nuôi gia súc, gia cầm, cuộc sống đắp đổi qua ngày.
Thế nhưng với sự kiên trì thuyết phục của cán bộ nhân viên công ty, phối hợp chặt chẽ cùng chính quyền địa phương nước bạn, Công ty Cao su Đồng Nai - Kratie dần dần tuyển dụng được lao động khai hoang, trồng mới cao su.
Từ 71ha cao su đầu tiên năm 2008, diện tích cao su được mở rộng qua từng năm. Đến năm 2012, công ty đã hoàn thành công tác khai hoang trồng mới được hơn 6.000ha, bình quân mỗi năm trồng hơn 1.200ha cao su.
Nhiều thử thách cam go
Cùng với việc tuyển lao động, mở rộng diện tích trồng mới, công ty tiến tới việc đào tạo tay nghề cho người lao động để chuẩn bị đưa vườn cây vào khai thác. Tuy nhiên, những thử thách ý chí con người với cường độ tăng dần cũng bắt đầu từ thời điểm này. Thực tế, việc trồng cao su ở vùng đất mới ngay tại Việt Nam vốn đã nhiều khó khăn, trở ngại, huống hồ triển khai trồng cao su tại nước bạn còn gặp thách thức hơn gấp nhiều lần.
Cuối năm 2010, đầu năm 2011, trên địa bàn xảy ra nạn dịch chuột cắn phá gốc cây cao su và một số cây không thích nghi với thổ nhưỡng, đất đai đã làm thiệt hại 23% diện tích vườn cây, sau đó công ty phải tiến hành trồng dặm lại nhiều đợt.
Đến giai đoạn năm 2014 - 2018, công ty tiếp tục gặp khó khăn về nguồn vốn đầu tư khi vườn cây dần hết thời kỳ kiến thiết cơ bản, chuyển dần sang giai đoạn kinh doanh. Trong thời kỳ này, nguồn vốn đầu tư dần cạn kiệt trong khi năng suất, sản lượng và hiệu quả kinh doanh chưa cao.
Tài chính của công ty không đủ đáp ứng cho các hoạt động sản xuất kinh doanh, nguồn tiền có được chỉ đủ chi trả lương hằng tháng cho người lao động của nước bạn Campuchia. Đối với cán bộ người Việt Nam, có thời điểm công ty phải nợ lương đến 15 tháng, chỉ tạm ứng một phần thu nhập để phục vụ nhu cầu tối thiểu của cá nhân.
Bên cạnh đó, thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng khô hạn khiến cây cao su bị cháy nắng hơn 1.400ha, diện tích vườn cây bị thu hẹp xuống còn 4.944,29ha.
Ông Lê Thanh Hưng, tổng giám đốc VRG, đúc kết: "Những nhọc nhằn, khó khăn ngày đó không sao kể xiết, nhưng với tình yêu nghề và mang trên vai trọng trách được lãnh đạo VRG, Tổng công ty Cao su Đồng Nai giao, tập thể Cao su Đồng Nai - Kratie đã vững vàng, vượt mọi trở ngại trong quá trình thực hiện dự án".
Trái ngọt đầu mùa
Từ năm 2016 đến nay, diện tích vườn cây đưa vào khai thác ngày càng nhiều, Cao su Đồng Nai - Kratie liên tục vươn lên là đơn vị về trước sản lượng hằng năm ở khu vực Campuchia. Những dòng nhựa trắng chảy trên đất bạn giúp đời sống người dân bớt nghèo khó, ổn định, vững tin về một ngày mai tươi sáng.
Ông Lê Văn Lâm, tổng giám đốc Công ty Cao su Đồng Nai - Kratie, thông tin hiện đơn vị có hơn 900 lao động, thu nhập tăng đều qua từng năm, bình quân hơn 8,5 triệu đồng/tháng.
Tỉnh trưởng tỉnh Kratie, ông Va Than, nhận xét: "Dự án cao su đã tạo công ăn việc làm ổn định, đảm bảo thu nhập hằng tháng cho bà con. Hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty hiệu quả, đời sống công nhân được nâng lên rõ rệt. Công ty còn tích cực tham gia các hoạt động an sinh xã hội, đóng góp nhiều trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương".
Là công nhân gắn bó với Công ty Cao su Đồng Nai - Kratie từ những năm đầu thành lập, anh Mourng Buntheng - tổ trưởng tổ 3, Nông trường 1 Công ty Cao su Đồng Nai - Kratie, tâm sự: "Trước khi đến với ngành cao su, tôi làm bảo vệ và thợ hồ ở Phnom Penh với đồng lương ít ỏi, không đủ chi tiêu trong gia đình.
Đến làm việc tại vườn cây cao su công ty, tôi được hưởng mức lương khá tốt, chi tiêu gia đình đảm bảo, con cái có nơi học hành, có trạm xá cấp thuốc đầy đủ khi cần. Tôi đã làm nhà riêng, mua được đất rẫy. Điều kiện sinh sống tốt như thế này, tôi chắc chắn sẽ cống hiến hết mình cho nghề".
* Năm 2008, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) quyết định thành lập Công ty cổ phần Cao su Đồng Nai - Kratie theo phương án góp vốn.
* Ngày 30-3-2009, công ty được Bộ Thương mại Vương quốc Campuchia cấp giấy chứng nhận thành lập.
* Tổng diện tích trồng cao su 6.398ha tại hai xã O'Kreang và Roluos Meanchey, huyện Sambo, tỉnh Kratie, Vương quốc Campuchia.
* Tổng vốn đầu tư là 1.217.380.359.000 đồng, 100% là vốn đầu tư của doanh nghiệp nhà nước.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận