16/01/2018 20:01 GMT+7

Cao chạy xa bay: cao mà chạy, xa mà lại bay?

ĐỖ THÀNH DƯƠNG
ĐỖ THÀNH DƯƠNG

TTO - Trong tiếng Việt, hiện có những thành ngữ được sử dụng trong lời ăn tiếng nói hằng ngày mà thoạt nghe qua, nghĩa lại hết sức… ngược đời.

Cao chạy xa bay: cao mà chạy, xa mà lại bay? - Ảnh 1.

Có thể kể ra một vài thành ngữ: cao chạy xa bay, con ông cháu cha, đầu gươm mũi súng, hương lạnh khói tàn, im hơi lặng tiếng, nhường cơm sẻ áo, sẩy đàn tan nghé, tối lửa tắt đèn, ruồi bu kiến đậu, mũi chỉ đường kim, hòn tên mũi đạn, mò cua bắt ốc, chăn êm nệm ấm...

Lâu nay có nhiều người thắc mắc rằng đó là những thành ngữ "ngược đời". Vậy nó "ngược đời" như thế nào? 

Đơn cử một ví dụ: "cao chạy xa bay", là thành ngữ được sử dụng với tần suất cao, thì sự phi hiện thực của nó là rõ ràng nhất.

Có người băn khoăn: "Cao hay xa? - Xin giữ âm xa chạy cao bay thì đúng hơn. Vì xa thì chạy và cao phải bay, chứ cao chạy xa bay làm sao được. Câu này dịch ở cao phi viễn tẩu" (Vũ Văn Kính).

Học giả Đào Duy Anh cũng cho rằng "xa chạy cao bay" chỉ con thú chạy cho xa để khỏi bị săn, con chim bay cho cao để khỏi bị bắn; nghĩa bóng là trốn đi xa. Ngược lại, cũng có ý kiến nếu thay bằng "xa chạy cao bay" thì tác dụng tu từ sẽ bị giảm.

Vậy nghĩa của các thành ngữ nói chung được hình thành như thế nào?

Các thành ngữ thường có cấu trúc sóng đôi, cùng tồn tại bổ sung cho nhau, tạo nên một nghĩa chung, nên ý nghĩa của các thành ngữ nói chung không phụ thuộc vào thứ tự sắp xếp của các cặp từ, có đảo vị trí các cặp từ thì ý nghĩa chung của chúng vẫn không thay đổi.

Đặc điểm cơ bản nhất của thành ngữ là nghĩa của chúng được hình thành theo quy luật biểu trưng, không lệ thuộc vào nghĩa của từng thành tố cấu tạo mà đó là nghĩa khái quát, nghĩa bóng do tất cả các thành tố tạo nên, nếu tách các thành tố ra khỏi tổ hợp thì nghĩa bóng sẽ bị mất, chỉ còn nghĩa đen mà thôi.

Thực tế nhiều người không hề biết đến nghĩa đen của các thành ngữ mà họ vẫn sử dụng rất chính xác, là bởi vì họ nắm vững được nghĩa biểu trưng. 

Ví như thành ngữ "mạt cưa mướp đắng", không phải ai cũng biết các nghĩa đen từ các điển tích xưa của nó "người bán cám trộn lẫn mạt cưa giả làm cám, người bán dưa lấy mướp đắng giả làm dưa". 

Nhưng chỉ cần nắm được nghĩa biểu trưng "lừa đảo, bịp bợm" thì đã có thể sử dụng thành ngữ trên mà không sợ sai.

Các hình ảnh, khái niệm hiện hữu bề mặt của thành ngữ chỉ là nghĩa đen. Để tìm hiểu thành ngữ, chúng ta cần phải nhận thức cho được cái nghĩa biểu trưng của thành ngữ ẩn tàng đằng sau các hình ảnh bề mặt kia, đó chính là linh hồn, là cốt lõi của thành ngữ, đặc biệt là thành ngữ "ngược đời". 

Và khi đã quan niệm như trên, quả nhiên không còn một thành ngữ nào được xem là lối nói "ngược đời" nữa.

La Gi là Khi  nào
ĐỖ THÀNH DƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên