30/03/2024 16:49 GMT+7

Cao 7 tầng chỉ 30 người làm việc, chủ đầu tư đề xuất cho thuê tòa nhà vận hành metro số 2

Tòa nhà văn phòng vận hành metro số 2 nằm tại quận 12, TP.HCM đã được xây dựng xong, đưa vào sử dụng từ năm 2020.

Tòa nhà văn phòng depot Tham Lương - Ảnh: ĐỨC PHÚ

Tòa nhà văn phòng depot Tham Lương - Ảnh: ĐỨC PHÚ

Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM vừa trình UBND TP.HCM phê duyệt đề án thí điểm khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị TP.HCM. 

Mục tiêu tạo nguồn thu cho ngân sách nhằm bổ sung cho hoạt động của đường sắt đô thị bằng việc thực hiện cho thuê quyền khai thác mặt bằng thương mại dịch vụ, quảng cáo tại khu vực các nhà ga, cầu cạn metro số 1 và một phần tòa nhà vận hành metro số 2 tại depot Tham Lương.

Trên thực tế, metro số 2 đang chậm tiến độ. Dự án hiện đang giải phóng mặt bằng và di dời các công trình hạ tầng để chuẩn bị bàn giao cho nhà thầu chính triển khai thi công vào năm 2025. Dự kiến tới 2030 mới đưa vào khai thác thương mại.

Trong khi đó, tòa nhà văn phòng depot Tham Lương của metro số 2 nằm tại quận 12 đã được xây dựng xong, đưa vào sử dụng từ năm 2020. Giá trị dự toán công trình được duyệt (đã bao gồm VAT) 225,4 tỉ đồng. Quy mô tòa nhà gồm 1 hầm và 7 tầng.

Khi metro số 2 hoàn thành, nơi đây sẽ là trung tâm điều khiển vận hành tuyến (OCC) và vận hành depot Tham Lương. Mục tiêu phụ là trong thời gian triển khai thực hiện dự án, tòa nhà văn phòng sẽ được sử dụng làm nơi làm việc của cán bộ ban quản lý và các đơn vị tư vấn.

Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM, từ đầu năm 2020 đến nay, tòa nhà văn phòng tại depot Tham Lương đang được bố trí văn phòng làm việc của hơn 30 nhân sự cho ban quản lý dự án 2. 

Trong tương lai, ở giai đoạn xây dựng (dự kiến từ nay đến hết năm 2030) sẽ là nơi làm việc của các cán bộ dự án, tư vấn, chuyên gia trong và ngoài nước. Tổng số nhân sự làm việc trong giai đoạn này khoảng 100 người.

Còn ở giai đoạn khai thác thương mại (dự kiến sau năm 2030), tòa nhà văn phòng tại depot Tham Lương được sử dụng cho việc vận hành metro số 2. Bên cạnh đó, còn dự phòng cho việc đầu tư kéo dài tuyến số 2 và kết nối tuyến metro số 6 trong tương lai.

Như vậy, từ nay cho đến thời điểm vận hành khai thác dự kiến metro số 2, tòa nhà chưa sử dụng hết công suất, chưa phát huy tối đa hiệu quả sử dụng, khai thác tài sản. 

Vì vậy, trong đề án, Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM kiến nghị UBND TP chấp thuận giao cho Công ty TNHH một thành viên Đường sắt đô thị số 1 quản lý tạm tòa nhà. 

Một phần diện tích tòa nhà sẽ dùng cho cán bộ thuộc ban quản lý, tư vấn làm việc. Phần còn lại sẽ tiến hành đấu giá quyền khai thác mặt bằng theo quy định pháp luật để tạo nguồn thu cho ngân sách.

Diện tích khai thác thương mại dịch vụ của metro số 1

Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM, dự án metro số 1 đã thi công hơn 97% tổng khối lượng, các nhà ga ngầm và trên cao đã cơ bản hoàn thành. Dự kiến dự án sẽ đưa vào vận hành thương mại trong năm 2024.

Theo hồ sơ thiết kế, dự án đã bố trí các điểm kinh doanh thương mại, quảng cáo, bãi đậu xe cho các nhà ga. Vì vậy, việc xây dựng đề án để cung cấp đầy đủ các tiện ích, dịch vụ thương mại cho người dân khi sử dụng đường sắt đô thị cùng thời điểm vận hành metro số 1 rất cần thiết.

Qua rà soát, đối với mặt bằng khai thác thương mại, tổng diện tích cho dịch vụ bán lẻ tại các nhà ga là 4.225m². Tổng diện tích bãi đỗ xe, các loại hình dịch vụ ở các nhà ga 21.075m². Khu vực không gian dưới cầu cạn làm bãi đậu xe hoặc dịch vụ khác...

TP.HCM sẽ có 34 tuyến buýt kết nối metro số 1 để hút kháchTP.HCM sẽ có 34 tuyến buýt kết nối metro số 1 để hút khách

Ngày 29-3, Ban An toàn giao thông TP.HCM tổ chức hội thảo thông tin, tuyên truyền chuẩn bị vận hành thương mại tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên).


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên