16/05/2011 07:02 GMT+7

Cannes: cô đơn trong danh vọng

MẠNH CƯỜNG VŨ (Từ Cannes)
MẠNH CƯỜNG VŨ (Từ Cannes)

TT - Như một sự tình cờ của Liên hoan phim Cannes, các nhân vật chính của ba bộ phim Habemus Papam, Footnote và Arirang đều đạt được danh vọng ở những lĩnh vực khác nhau nhưng cùng có nỗi cô đơn.

hmyL0Col.jpgPhóng to

Được bầu làm giáo hoàng, đức hồng y Melvine (Michel Piccoli) chạy trốn trước khi ra mắt con chiên trong Ta đã có giáo hoàng - Ảnh: Cannes

1. Ðạo diễn người Ý Nanni Moretti - người từng đoạt Cành cọ vàng mười năm trước với La stanza del figlio (Căn phòng của đứa con trai) - chia sẻ rằng ông bắt đầu ý tưởng cho Habemus Papam (Ta đã có giáo hoàng) từ chi tiết nguồn: một vị được bầu làm giáo hoàng nhưng không thể bước ra bancông tòa thánh Vatican ra mắt các con chiên. Kết quả của việc triển khai kịch bản này là một bộ phim tâm lý pha lẫn hài hước, được đón nhận khá tốt trong buổi chiếu ra mắt quốc tế tại Cannes và gây tranh cãi khi ra rạp tại Ý trước đây một tháng.

Dù không phải là nhân vật được kỳ vọng, đức hồng y Melvine (Michel Piccoli đóng) qua ba vòng bầu giáo hoàng bất ngờ được tín nhiệm. Ông tuy vui mừng vì sự chọn lựa của Chúa, nhưng trong giây phút quyết định ông đã chạy trốn. Từ bỏ một chức vụ đầy quyền lực như giáo hoàng chắc chắn phải có lý do chính đáng. Ðối với Melvine, đó là giấc mơ được trở thành diễn viên kịch. Ông quên hết tất cả những gì đã diễn ra trong cuộc đời mình, chỉ có những lời thoại từ vở Chayka (Hải âu) của nhà soạn kịch nổi tiếng người Nga Chekhov là ông thuộc nằm lòng.

Nỗi cô đơn vì không được ai hiểu, vì không được sống với niềm đam mê thật sự của mình là sân khấu đã khiến ông bước xuống ngay trước đài danh vọng. Trong trường hợp Melvine, tiếng gọi của tự do đã vượt lên trên những khát vọng quyền lực một con người thường có.

bujF53Ru.jpgPhóng to

Giáo sư Eliezer Shkolnik (do Shlomo Bar Aba đóng) - người cha trong phim Chú thích - Ảnh: Cannes

2.Footnote(Chú thích) giãi bày một vướng mắc khác: sự cạnh tranh nhau về vị thế trong ngành giữa cha con hai nhà khoa học cùng nghiên cứu về văn học Talmud - một cổ sử quan trọng của người Do Thái.

Trong khi người con thành công với nhiều công trình nghiên cứu được in ấn, người cha - vốn luôn được người con tôn thờ như người góp phần đặt nền móng cho những bước đường của anh - lại phải chịu sự lẹt đẹt của số phận. Phương pháp nghiên cứu bị người khác công bố trước. Hai mươi năm liền được đề cử giải thưởng danh giá của Nhà nước Israel là hai mươi lần thất bại. Danh phận duy nhất làm ông tự hào là cái tên được nhắc đến trong dòng chú thích cảm ơn ở phần lời dẫn tại cuốn sách cẩm nang của một vị giáo sư đầu ngành. Và ngày ngày ông cuốc bộ tới thư viện quốc gia, men theo con đường duy nhất.

aDzwot3p.jpgPhóng to
Ðạo diễn Kim Ki Duk nói lời chào khán giả trước buổi chiếu Arirang tại Cannes

Tác phẩm cuối của Kim Ki Duk?

Arirang vừa cho thấy một Kim Ki Duk đầy đáng thương sau khi đạt được những đỉnh cao danh vọng và bị những người từng coi là anh em sát cánh quay lưng lại, vừa cho thấy một Kim Ki Duk dũng cảm khi dám đối diện với những nỗi đau của chính bản thân mình. Rất có thể đây là tác phẩm cuối cùng trong sự nghiệp của nhà làm phim Hàn Quốc này, nhưng cũng có thể là cột mốc mở ra một thời kỳ mới của một Kim Ki Duk đã giải quyết xong ân oán.

Nhưng một ngày kia, có vẻ như người cha lật ngược thế cờ khi được thông báo qua điện thoại rằng giải thưởng năm nay sẽ thuộc về ông. Niềm cô đơn của sự cạnh tranh, ngay cả khi ở đỉnh cao của nghề nghiệp, được nhà làm phim người Do Thái Joseph Cedar kể lại bằng một giọng điệu rất hài hước pha bi kịch, với nhạc nền tạo nhịp điệu chính xác như một vở vũ kịch.

3. Với Arirang, nhà làm phim người Hàn Quốc Kim Ki Duk muốn giải thích về sự vắng mặt của mình trên phim trường thế giới trong ba năm vừa qua. Ông lựa chọn một cách rất đặc biệt: đó là tự làm một mình một bộ phim về chính mình. Xuất hiện tại buổi chiếu duy nhất của Arirang tại danh mục Un certain regard (Một góc nhìn), Kim Ki Duk ăn mặc giản dị với phong thái của một người lấy thiền làm chân lý. Ông kể rằng vào năm 2008, sau 13 năm với 15 bộ phim liên tiếp, bỗng dưng ông bước vào giai đoạn bế tắc trong sự nghiệp. Ông lui về ẩn dật trên một vùng núi, một mình, tránh xa mọi tiếp xúc, cắt đứt toàn bộ liên lạc.

Cuộc sống những năm tháng đó ra sao được ông quay lại bằng máy Sony 5D Mark II. Tự nghĩ ra một kịch bản với nhân vật chính là nhà làm phim Kim Ki Duk, ông cũng đóng vai người phỏng vấn, lúc là bạn đối ẩm, lúc là cái bóng, để tự vấn về cuộc sống của chính mình. Quá trình thiền hóa không đơn giản, điều này ông từng hiểu rõ qua chủ đề của bộ phim Xuân hạ thu đông rồi lại xuân năm 2003.

Nhưng có lẽ chính bản thân Kim Ki Duk không thể ngờ rằng ông còn quá vấn vương với những mối tư thù, danh vọng và tình cảm trong quá khứ. Trong bộ phim pha trộn giữa tài liệu, tâm lý và viễn tưởng này, Kim Ki Duk cũng thẳng thắn giãi bày ham muốn tột đỉnh của bản thân là trở thành “người Hàn Quốc đầu tiên đoạt giải thưởng lớn tại liên hoan phim quốc tế hay có phim ăn khách nhất ở quốc tế”, nên đã lao vào làm phim không ngừng nghỉ suốt 13 năm.

Nhà làm phim Kim Ki Duk trên phim đã khóc rất nhiều, nhưng nụ cười luôn hiện diện trên môi ông trong đời thực tại buổi chiếu ở Cannes ngày 14-5 vừa qua. Một số người bỏ về giữa chừng vì có thể thấy một nhân vật nhà làm phim đầy tính tự tôn, nhưng một số lớn hơn đã ở lại rạp chiếu sau khi kết thúc và đứng vỗ tay 5 phút liền xung quanh Kim Ki Duk. Trong số những người ở lại khán phòng Debussy có đạo diễn Lee Chang Dong - người từng giữ chức bộ trưởng văn hóa Hàn Quốc và cũng là đạo diễn thành công. Ông này đứng ở một khoảng cách khá xa so với Kim Ki Duk và mang vẻ khá đăm chiêu, trái ngược với niềm vui ngời sáng trên mặt nhân vật chính. Liệu ông có nghĩ về sự cô đơn của chính mình ở phía bên kia đối lập với danh phận của Kim Ki Duk?

<?xml:namespace prefix = o ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:office" />

Nếu như các buổi chiếu trong rạp tại hai chương trình chính thức Tranh giải và Un certain regard chỉ dành cho người trong nghề, thì mỗi tối, vào 21g30, tại bãi biển la Croisette chạy dọc theo đại lộ chính của thành phố đều diễn ra các buổi chiếu miễn phí dành cho tất cả mọi người thuộc chương trình Cinema de la Plage.

Các bộ phim được trình chiếu năm nay gồm một số tác phẩm kinh điển như: Das Boot: Director’s Cut (1981) của Wolfgang Petersen hay E La Nave Va (1984) của Federico Fellini.

MẠNH CƯỜNG VŨ (Từ Cannes)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên