Và tại hạng mục tranh giải Cành cọ vàng năm nay, Kore-eda, vị đạo diễn có sức sáng tạo đáng nể và được kính trọng hàng đầu của điện ảnh Nhật Bản hiện nay, đã kịp quay trở lại cuộc đua với một bộ phim mới có tên là Broker.
Điều đặc biệt đây là bộ phim có bối cảnh diễn ra tại Hàn Quốc với dàn diễn viên sáng giá của Hàn Quốc và nói tiếng Hàn.
Sự trở lại của hai tên tuổi lớn
Trong sự nghiệp điện ảnh kéo dài hơn 3 thập niên, Kore-eda luôn chú trọng khai thác những câu chuyện về nhân sinh và những thân phận nhỏ bé, dễ bị lãng quên trong những siêu đô thị ở châu Á.
Phim của ông chậm rãi, nặng tính tự sự nhưng luôn hé lộ những góc khuất khiến khán giả phải lặng người.
Đạo diễn Hirokazu Kore-eda
Từng được so sánh với Ozu - đạo diễn huyền thoại của điện ảnh Nhật Bản, Kore-eda đã cống hiến cho giới mộ điệu điện ảnh những tác phẩm xuất sắc như Still walking, Nobody knows, Life father like son và gần đây nhất là Shoplifters - bộ phim giành giải Cành cọ vàng kể về một gia đình đạo chích ở Tokyo.
Với Broker - phim tranh giải Cành cọ vàng năm nay, Kore-eda tiếp tục khai thác một câu chuyện mang tính xã hội: những đứa bé sơ sinh bị bố mẹ bỏ rơi trong những chiếc hộp bên ngoài các bệnh viện phụ sản ở Seoul.
Cảnh phim Broker của Hirokazu Kore-eda
Dàn diễn viên chính của bộ phim bao gồm Song Kang Hoo (đây là lần thứ 7 ngôi sao lớn của Hàn có phim tranh giải tại Cannes), Gang Dong Won và Bae Doona (nữ diễn viên từng cộng tác với Kore-eda trong bộ phim Air doll trước đây của ông).
Đối thủ cạnh tranh ở hạng mục Cành cọ vàng tại Cannes năm nay của Kore-eda là Park Chan Wook, cũng là một tên tuổi lớn của điện ảnh Hàn Quốc đương đại với những bộ phim gây sốc.
Decision to leave - tác phẩm của đạo diễn Park Chan Wook tranh giải Cành cọ vàng tại Cannes năm nay - Ảnh: MUBI
Gần 20 năm trước, Park Chan Wook đã từng khiến Cannes phải sững sờ với bộ phim Oldboy (2003) với những màn báo thù bạo phát bạo tàn.
Bộ phim đó mang về cho Park Giải thưởng lớn (Grand prix) - giải thưởng quan trọng thứ nhì tại Cannes sau Cành cọ vàng.
Trong những năm sau đó, Park Chan Wook tiếp tục mang đến Cannes một số tác phẩm được đánh giá cao khác, nổi bật nhất là bộ phim The Handmaiden (2017).
Tác phẩm tranh giải Cành cọ vàng tại Cannes năm nay của Park là Decision to leave - một bộ phim hình sự bí ẩn nói tiếng Trung với sự tham gia của nữ diễn viên Trung Quốc Thang Duy.
Bộ phim hình sự đậm chất "noir" này do chính Park đồng biên kịch và đạo diễn, kể về một thám tử (Park Hae Il đóng) đang điều tra cái chết của một người đàn ông rơi từ một đỉnh núi xuống.
Vợ của nạn nhân xấu số (Thang Duy đóng) là nghi phạm chính của vụ án mạng. Thế nhưng, trong quá trình điều tra với nhiều bí ẩn chưa có lời đáp, vị thám tử lại phải lòng góa phụ bị tình nghi.
Ý tưởng kịch bản có vẻ không mới và đã từng xuất hiện trong một số tác phẩm "noir thriller" (hình sự "đen") cổ điển, thế nhưng khi qua bàn tay đạo diễn của Park Chan Wook, chắc hẳn ông phải đem tới cho người xem nhiều điều bất ngờ, nếu không nói là gây sốc.
Và những ẩn số đáng chờ đợi
Trong vòng khoảng 2 thập niên trở lại đây, điện ảnh Hàn Quốc thay thế Nhật Bản và Trung Quốc trở thành "con cưng" tại Liên hoan phim Cannes danh giá số 1 thế giới.
Không chỉ luôn có mặt tại hạng mục tranh giải Cành cọ vàng, điện ảnh Hàn Quốc cũng thường xuyên xuất hiện tại các hạng mục tranh giải khác hoặc trình chiếu không dự thi để thu hút sự chú ý của thế giới.
Hunt của Lee Jung Jae
Hunt - tác phẩm đầu tay mà nam diễn viên lần đầu chuyển sang làm đạo diễn Lee Jung Jae - sẽ được trình chiếu trong một suất chiếu lúc nửa đêm.
Nam diễn viên ngôi sao này là một tên tuổi được biết đến toàn cầu sau loạt phim truyền hình đột phá Squid game do Netflix phát hành năm ngoái.
Nhưng không chỉ dừng lại ở vị trí của một diễn viên, Lee Jung Jae sẽ chứng minh tài năng của mình trong bộ phim hình sự điệp viên Hunt với các vị trí sáng tạo quan trọng khác như biên kịch, sản xuất, đạo diễn và tất nhiên là đóng vai chính.
Anh vào vai một vị thủ trưởng đơn vị tình báo Hàn Quốc được giao nhiệm vụ truy quét một tay điệp viên Triều Tiên đang lẩn trốn trong hàng ngũ của mình. Đồng diễn xuất với Lee Jung Jae là Jung Woo Sung, cũng là một tên tuổi nổi bật của điện ảnh Hàn Quốc.
Tranh giải trong hạng mục Tuần phê bình (Critics’ Week) là Next Sohee của nữ đạo diễn Jung July - người từng có tác phẩm đầu tay gây chú ý tại Cannes vài năm trước là A girl at my door.
Bae Doona trong Next Sohee
Trong tác phẩm trình chiếu tại Cannes năm nay, Bae Doona (đây là bộ phim thứ 2 tranh giải của cô sau Broker) đóng vai một nữ thám tử chịu nhiều áp lực tại nơi làm việc và mối quan hệ kỳ lạ của cô với một nữ sinh trung học.
Tác phẩm cuối cùng nói tiếng Hàn tranh giải ở hạng mục Un Certain Regard (đề cao tính dị biệt và ngôn ngữ điện ảnh đột phá) là All the people I’ll never be của David Chou - một nhà làm phim đang được chú ý của Campuchia.
Năm 2016, anh từng có phim đầu tay Diamond Island giành một giải thưởng tại Critic’s Week ở Cannes và năm ngoái anh là nhà sản xuất của bộ phim White building tranh giải tại LHP Venice.
Trong bộ phim tranh giải tại Cannes năm nay, David Chou kể câu chuyện về một cô gái trẻ người Pháp gốc Hàn đang quay trở lại nơi chôn rau cắt rốn để truy tìm lại cha mẹ ruột của mình.
Từ nhiều năm nay, điện ảnh châu Á ngày càng có vai trò quan trọng tại LHP Cannes và nhiều LHP danh tiếng khác của thế giới. Và năm nay cũng không ngoại lệ, khi danh sách phim tranh giải các hạng mục chính tại LHP Cannes lần thứ 75 xuất hiện nhiều tên tuổi đáng để kỳ vọng.
Điện ảnh Việt Nam năm nay tiếp tục vắng bóng tại Cannes ở các hạng mục phim truyện.
Tuy nhiên, ở hạng mục phim ngắn, có một bộ phim hoạt hình dạng stop-motion là Spring roll dream của đạo diễn trẻ Mai Vũ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận