Tuần lễ ngành nước Việt Nam diễn ra từ ngày 6 đến 8-11 tại Hà Nội với chuỗi sự kiện triển lãm, hội thảo, trao tặng các giải thưởng "chuyên ngành nước và môi trường", "dòng xanh nước Việt"… do Hội Cấp thoát nước Việt Nam tổ chức.
Ông Kalanithy Vairavamoorthy, giám đốc điều hành Hiệp hội nước quốc tế, cho hay các báo cáo mới nhất của Ủy ban liên Chính phủ về biến đổi khí hậu - IPCC đã nêu rõ biến đổi khí hậu dẫn đến lượng mưa và lũ lụt cực đoan, cũng như hạn hán kéo dài rất nghiêm trọng.
Theo IPCC, hạn hán lịch sử, cạnh tranh nguồn nước ngày càng leo thang, thời tiết khắc nghiệt đang khiến doanh nghiệp, nền kinh tế gặp rủi ro.
Phát biểu tại tuần lễ ngành nước, ông Phạm Minh Hà, thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức trong lĩnh vực cấp, thoát nước và xử lý nước thải do tác động của biến đổi khí hậu, gia tăng dân số, tốc độ đô thị hóa.
Ông Hà cho biết thêm, hiện nay Việt Nam có khoảng 1.000 nhà máy cấp nước với tổng công suất khoảng 13,2 triệu m3/ngày, đêm và 82 nhà máy xử lý nước thải tập trung với tổng công suất thiết kế khoảng 1,79 triệu m3/ngày, đêm. Tỉ lệ thất thoát, thất thu giảm xuống còn 17%.
Trong những năm qua dịch vụ cấp, thoát nước, xử lý nước thải ở Việt Nam đã được cải thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Theo ông Hà, Việt Nam sẽ tập trung ưu tiên đầu tư lĩnh vực cấp, thoát nước và xử lý nước thải. Bên cạnh đó, xây dựng cơ chế chính sách, tạo môi trường thuận lợi, khuyến khích doanh nghiệp nghiên cứu khoa học công nghệ mới trong lĩnh vực cấp, thoát nước...
An ninh nguồn nước đang bị đe dọa
Theo ông Kalanithy Vairavamoorthy, hiện nay có đến 80% nước thải trên toàn thế giới chưa được xử lý dẫn đến những thách thức về sức khỏe cộng đồng, môi trường.
Tuy nhiên nước thải đã được coi là nguồn tài nguyên quan trọng, then chốt cho an ninh nguồn nước, nền kinh tế tuần hoàn. Vì vậy, theo ông Kalanithy Vairavamoorthy, khai thác giá trị từ nước thải giúp duy trì tài chính cho hệ thống nước và thay đổi cách tiếp cận quản lý nước.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận