Cảnh trong phim truyền hình Quỳnh Búp bê. Vì các cảnh bạo lực, tình dục, phim cũng từng bị khán giả phản ứng và VTV phải ngừng phát sóng một thời gian - Ảnh: VTV
Tổ chức lấy góp ý mấy năm nay, Luật điện ảnh (sửa đổi) nhận được sự chú ý của giới làm phim.
Hội thảo trực tuyến được Viện Nghiên cứu lập pháp và Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội tổ chức hôm 7-9, kéo theo nhiều góp ý xoay quanh điều 11 là "Những nội dung và hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động điện ảnh" (Dự thảo 7, ngày 16-8-2021).
Những điều cấm này bao gồm: vi phạm Hiến pháp, tuyên truyền chống Nhà nước, ủng hộ khủng bố, kích động tôn giáo, xuyên tạc lịch sử, kích động bạo lực qua "thể hiện chi tiết các cảnh tra tấn dã man, tàn bạo", có nội dung dâm ô, trụy lạc, mê tín dị đoan...
'Quỳnh Búp bê' có cảnh tra tấn, còn phim điện ảnh thì không?
Đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn cho biết ông không có dịp phát biểu tại hội thảo nhưng đã gửi văn bản góp ý lên Viện Nghiên cứu lập pháp. Với những góp ý thẳng thắn, bài viết khi đăng tải lên trang cá nhân của đạo diễn cũng nhận được sự đồng tình từ những người làm nghề.
Ông Tuấn cho rằng bên cạnh một số điều cấm hiển nhiên, đã được quy định trong những bộ luật khác về bảo vệ an ninh quốc gia, thì một số điều cấm "quá mơ hồ" ở khoản 1, điều 11 sẽ "làm khó dễ người làm phim điện ảnh". Chẳng hạn: cấm mê tín dị đoan, bạo lực, dâm ô...
Ông lấy ví dụ phim truyền hình Quỳnh Búp bê (2018) có cảnh nhân vật chính bị tra tấn tàn bạo, dã man ở tập 1.
Trích đoạn phim truyền hình Quỳnh Búp bê (2018)
Nguyễn Hữu Tuấn phân tích: "Những hình ảnh này có thể xuất hiện trên truyền hình giờ vàng. Tại sao VTV có thể làm được, còn phim điện ảnh Việt Nam thì không?
Có phải vì VTV vừa sản xuất vừa duyệt nên có thể diễn giải luật theo hướng có lợi cho mình? Còn ngược lại, các nhà làm phim điện ảnh thì không có quyền diễn giải luật theo hướng có lợi cho mình?
Hoạt động sáng tạo nội dung là cực kỳ phong phú, đa dạng, không giới hạn. Việc giới hạn trong một vài đầu mục như tại khoản 1 là duy ý chí.
Những câu chữ đơn giản ở đây tạo ra một rào cản vô cùng lớn cho các hoạt động sáng tạo. Khi đầu tư hàng chục tỉ đồng cho một bộ phim, chúng tôi không bao giờ muốn vi phạm pháp luật, đây là sự thật hiển nhiên".
Ngăn cản phản ánh hiện thực?
Đạo diễn Bùi Trung Hải góp ý về các điều cấm ở điểm g, i và k của khoản 1. Đó là: "vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân", "hình ảnh, âm thanh, lời thoại dâm ô, trụy lạc, loạn luân" và "mê tín dị đoan".
Ông Hải cho rằng những điều cấm này dễ ngăn cản điện ảnh phản ánh hiện thực. Những nội dung này chỉ nên bị cấm trừ khi "nhằm phê phán, tố cáo, lên án tội ác, đề cao chính nghĩa".
Ròm - một phim từng gây tranh cãi về vấn đề phản ánh hiện thực - Ảnh: CJ
Bùi Trung Hải viết: "Trong những tác phẩm hiện thực, việc miêu tả cái ác, nhân vật ác là không thể tránh khỏi. Bất cứ tác phẩm điện ảnh nào cũng đều có sự đấu tranh thiện - ác. Nếu không miêu tả cái ác thì cái thiện cũng không bộc lộ được, và tác phẩm điện ảnh cũng bị bó buộc, không thể hiện được hiện thực.
Điều quan trọng nhất là thông điệp chung của tác phẩm phải tốt. Nếu chỉ cấm "vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân" thì rất dễ bị lợi dụng để ngăn cản việc miêu tả hiện thực trong tác phẩm điện ảnh".
Truyền thông nên được tiếp cận phim bị cấm
Trong tham luận hội thảo, GS.TS Trần Thanh Hiệp - nguyên hiệu trưởng Đại học Sân khấu - điện ảnh Hà Nội - bàn về sự việc mà ông gọi thẳng là "cấm phim". Lâu nay, các trường hợp này được diễn đạt là "không được cấp giấy phép phát hành".
GS Trần Thanh Hiệp nếu vấn đề: phim bị cấm thường được truyền thông và công chúng quan tâm, nhưng người sở hữu phim bị cấm chia sẻ nên truyền thông viết về phim, đánh giá phim mà chưa hề được xem, khó tránh được sự cảm tính.
Ông đặt câu hỏi: "Trong luật hoặc văn bản dưới luật có nên mở ra cơ hội cho truyền thông và cơ quan nghiên cứu có trách nhiệm trong một thời gian xác định được tiếp cận bộ phim bị cấm phổ biến để có một cái nhìn khách quan không?".
Phim Vị của đạo diễn Lê Bảo bị cấm hồi tháng 7 - Ảnh: ĐPCC
Ông Hiệp không đưa ra ví dụ nhưng trường hợp điển hình mới nhất là phim Vị của đạo diễn Lê Bảo bị cấm phát hành. Lý do là phim có trường đoạn khỏa thân kéo dài tới vài chục phút và nhiều cảnh khỏa thân trực diện, bị Cục Điện ảnh đánh giá "không phù hợp với văn hóa Việt Nam và văn hóa Á Đông nói chung".
Một số nhà làm phim lên tiếng về sự việc này như đạo diễn Phan Đăng Di, Nguyễn Hoàng Điệp. Nhưng đúng như GS Trần Thanh Hiệp phản ánh, truyền thông cũng chỉ đưa ý kiến mà không thể bình luận vì chưa xem phim.
Giới làm phim cho rằng nếu đã có phân loại độ tuổi thì không nên yêu cầu chỉnh sửa nội dung. Trong ảnh là phim Thiên thần hộ mệnh, phân loại C18 - Ảnh: ĐPCC
Không nên ép nhà làm phim phải sửa phim
Đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn nêu ý kiến về điểm b, khoản 3, điều 28 về thẩm quyền của hội đồng phân loại (tên chính thức là Hội đồng Trung ương thẩm định và phân loại phim truyện).
Ông Tuấn viết: "Hội đồng này chỉ có chức năng nhiệm vụ phân loại, không được trao cho quyền can thiệp, ép buộc nhà làm phim thay đổi nội dung tác phẩm trái ý muốn tác giả. Khi đã có phân loại độ tuổi cụ thể, phim phù hợp độ tuổi nào thì phải được phát hành trọn vẹn nội dung, đầy đủ hình hài mà tác giả của nó mong muốn, đến khán giả ở đúng độ tuổi đó.
Việc kiểm soát độ tuổi tại rạp không phải là trách nhiệm của nhà làm phim, do đó nhà làm phim không thể bị xâm hại quyền lợi vì những sự việc không liên quan đến họ".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận