Măng đắng
Mùa mưa là mùa măng mọc nhiều nhất. Chẳng e mưa ngại nắng, những mụt măng non cứ thế nhọn như chông chồi lên khỏi mặt đất. Vào mùa này trên đất miền rừng mọc thật lắm loại măng.
Măng vầu. Măng giang. Măng trúc. Măng sặt. Măng nứa. Măng riềng. Măng riềng dại. Măng sa nhân. Măng nghệ. Măng bương. Măng luồng. Cùng vài loại măng tre khác.
Loại măng nào cũng khoác vỏ bẹ nâu như màu đất để rồi sau này mới rụng bẹ lớn dần thành thân cây xanh.
Măng miền rừng có nhiều nên thường xuyên xuất hiện trong bữa cơm của dân bản. Măng vốn bị coi là món ăn con nhà nghèo, vậy mà tục ngữ Thái lại có câu: "nặm keng quang bớ tò nó nạng sẳn" (Canh thịt nai không ngon bằng măng nàng hái).
Măng chua
Cũng phải thôi, đã thương yêu nhau thật lòng, sống chung một nhà thì món măng suông cũng ngon vì chứa đậm tình của người phụ nữ vất vả sớm tối lo bữa cơm cho cả gia đình.
Măng tươi mới hái về, tùy theo từng loại mà có thể đem nướng thui, nướng lam, nướng vùi, luộc, đồ, xào, kho cá, ninh xương, nấu canh chảo hoặc làm nộm để ăn.
Món măng luộc cho dù là loại đắng hay ngọt mà chấm ăn cùng nước mắm thì hơi vô duyên, cọc cạch như thể đôi đũa lệch.
Măng luộc là phải ăn chấm đậu phụ nhự hoặc chẳm chéo mák khén thì mới thấy ngon thăng hoa, thì mới đúng là món măng của núi.
Măng vầu
Mà đã nhắc tới măng luộc thì phải nhắc kèm thêm lộc non cây fắc mạ. Lộc non fắc mạ ăn ghém cùng măng luộc rất ngon bùi.
Vậy nên người Thái mới nói với nhau:
Nó lộ kem fắc mạ
Tai khửn phạ bớ lứm
Nghĩa là:
Măng luộc ghém fắc mạ
Chết lên trời chẳng quên
Tiếc rằng, lộc non fắc mạ chỉ nảy trong dịp tháng xuân, chứ không ra quanh năm để người thưởng thức.
Món măng nướng thui cả vỏ bẹ thì nhiều người không lạ. Nhưng món măng nướng lam, hoặc nướng vùi thì chỉ có đến bản Thái mới được thấy, được biết.
Với món nướng lam thì măng được thái nhỏ, trộn đều cùng các loại gia vị và sau đó bỏ vào ống nứa hoặc ống tre tươi rồi nút chặt lại đem lam trên lửa.
Nướng vùi thì măng cũng được trộn đều cùng gia vị, gói bọc lại bằng lá dong tươi, rồi đem vùi dưới tro nóng. Nhiệt độ của bếp lửa đang cháy sẽ làm chín măng.
Vẫn biết măng là món ăn quá quen thuộc của dân nước mình, song xin đoan chắc chỉ người Thái mới biết chế biến món măng gio.
Măng gio được làm bằng phần búp của măng tre, măng bương, măng luồng hoặc măng giang chứ không dùng các loại măng khác.
Canh cháo măng
Búp măng sau khi chẻ vừa miếng sẽ được ngâm vào nước gio lọc trong khoảng một, đôi ngày.
Lượng gio phải vừa đủ, quá gio thì măng sẽ cứng, còn thiếu gio thì măng sẽ bị bị nhũn ăn không ngon. Thường, măng gio được đem ninh canh cùng xương hoặc móng giò.
Xếp hạng thì có lẽ măng tre ngọt là ngon nhất. Măng ngọt vừa hái về, thái mỏng xào ngay thì kẻ kén ăn cũng phải khen tấm tắc. Không khen sao được khi miếng măng trắng ngà nhai lật sật như sụn non và cho vị ngọt ngon hiếm gặp ở món khác.
Một số loại măng tươi hái về nếu chưa ăn ngay thì có thể phơi sấy làm măng khô, hoặc ngâm làm măng chua, măng ớt để dành ăn dần.
Mùa này đang mùa mưa. Chợ phố núi lại đang bầy bán nhiều thứ măng. Nếu ra chợ không có duyên gặp mua được măng ngọt tươi mới hái thì mua măng gio về ninh canh xương, hoặc mua măng ỏm để nấu cùng bột gạo, thịt băm thành món canh chảo ăn cũng rất tuyệt.
Mời bạn đọc tham dự Diễn đàn Món ngon của tôi
Bài viết tối đa khoảng 1.000 chữ, kèm hình ảnh (clip nếu có), và gửi về email [email protected]. Các bài viết được đăng sẽ được trả nhuận bút!
Diễn đàn do báo Tuổi Trẻ tổ chức, với sự đồng hành của Công ty NutiFood.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận