06/07/2014 02:30 GMT+7

"Cánh tay nâng" của những đứa trẻ bất hạnh

ĐOÀN BẢO CHÂU - YẾN TRINH
ĐOÀN BẢO CHÂU - YẾN TRINH

TT - Căn nhà nhỏ nằm khuất sâu trong con hẻm xã Xuân Thới Đông, huyện Hóc Môn, TP.HCM rộn ràng tiếng nói, tiếng cười của hơn 30 em nhỏ đến tập hát, tập múa.

J7ElbSTV.jpgPhóng to
Cô Lan (đeo kính) với tình yêu thương của mình đã đem lại tuổi thơ hạnh phúc cho nhiều trẻ em - Ảnh: Y.Trinh

Nhìn các em lễ phép dạ thưa, tự tin trò chuyện với mọi người, ít ai biết những đứa trẻ này đã lớn lên trong gia đình đổ vỡ, từng xem việc lang thang, bỏ học là hiển nhiên...

Cuộc sống bế tắc đó tưởng chừng đã không có lối thoát, cho đến ngày các em gặp được bà Tô Hồng Huệ Lan (61 tuổi), giám đốc cơ sở bảo trợ xã hội Hóc Môn, “bà tiên cổ tích” của các em. Bằng tình yêu thương, sự kiên trì và phương pháp chăm sóc giáo dục riêng biệt, bà đã mang các em trở về tuổi thơ đúng nghĩa.

Những đứa trẻ thiếu may mắn

"Chị Lan là người rất tâm huyết với việc chăm sóc trẻ em, nhất là những em nhỏ hoàn cảnh khó khăn, nên lúc nào dẫn sinh viên đi hoạt động tình nguyện, cơ sở xã hội của chị luôn là địa chỉ ưu tiên của chúng tôi. Gần đây, chúng tôi còn tổ chức các buổi tham vấn tâm lý cho các em ở đây, một mặt giúp đỡ các em, một mặt cũng giúp sinh viên có thêm trải nghiệm thực tế trong nghề"

Bác sĩLÂM HIẾU MINH (giảng viên khoa tâm lý ĐH KHXH&NV TP.HCM)

Minh Anh năm nay 14 tuổi, có gương mặt bầu bĩnh, xinh xắn, nhưng từ năm 8 tuổi cuộc sống của em đã bắt đầu rơi vào vòng sóng gió khi cha mất vì bị tai nạn lao động ở Đài Loan, em và hai anh em trai sống với mẹ được một thời gian. Rồi mẹ cũng bỏ đi, ba anh chị em phải dắt díu nhau về Việt Nam sống với ông bà ngoại. Nhưng bất hạnh lại ập đến, vào cuối năm 2013, ông bà em do vay nợ để làm ăn gặp thất bại, căn nhà bị chủ nợ xiết, gia đình em phải sống lay lắt trong một căn lều tạm ở khu dân nhập cư phức tạp vùng ven thành phố. Không ít lần Minh Anh bị thầy giáo lạm dụng tại trường học khiến em luôn sống trong tình trạng căng thẳng và lo sợ.

Tuy nhiên, bây giờ khi gặp lại Minh Anh, vẻ sợ sệt, rụt rè của em không còn nữa, thay vào đó là sự tươi tắn, tự tin, kết quả học tập cũng được cải thiện đáng kể. Từ hai năm nay, thấy nguy cơ bị xâm hại quá cao đối với Minh Anh, bà Lan đã quyết định cho Minh Anh đến ở luôn trong cơ sở bảo trợ (cũng là nhà của bà), cho em cùng học hát, học múa, học văn hóa với mọi người. “Em thương ngoại Lan lắm vì ngoại lo cho em ăn uống, cho em đi diễn văn nghệ, còn dạy em cách tự phòng vệ nếu có ai đụng tới em nữa!” - Minh Anh cho biết.

Đó chỉ là một trong số hàng chục trường hợp trẻ em có hoàn cảnh gia đình nghèo và phức tạp được bà Lan can thiệp và giúp đỡ suốt nhiều năm qua, từ khi bà nghỉ hưu sớm và bắt đầu về sinh sống tại Hóc Môn. “Trước đây nhà tôi lúc nào cửa cũng đóng im ỉm vì sợ trộm cắp, không quen biết ai ở khu này. Nhưng từ khi nhận ra có nhiều em ở đây không có điều kiện đi học, rồi bị mọi người hắt hủi vì gia đình có tiền sử tù tội, tôi lại nghĩ khác. Nhiều khi chỉ cần một cánh tay nâng, cuộc đời của các em đã thay đổi nhiều lắm. Vậy là tôi mở cửa nhà, sắp xếp lại chái nhà phía sau, đóng bàn đóng ghế, kêu mấy đứa nhỏ vô để mình dạy học” - bà Lan cho biết.

Vốn từng là phó giám đốc Trung tâm bảo trợ trẻ mồ côi Khánh Hội (quận 4) trước khi về hưu, bà Lan nhanh chóng đưa việc chăm sóc, dạy dỗ các em vào nề nếp, với bài học đầu tiên là “Tiên học lễ, hậu học văn”. Những em trước đây mở miệng ra toàn chửi thề, đánh nhau giờ lúc nào cũng khoanh tay dạ thưa với người lớn, điềm tĩnh, ngoan ngoãn. Mỗi cuối tuần các em đều mang tập vở đến nhà ngoại Lan để được dò bài và sau đó học làm toán, rèn chữ, tập văn nghệ. Còn trong tuần, lúc nào rảnh các em đều có thể qua nhà chơi với ngoại Lan, thủ thỉ tâm sự đủ chuyện.

Không dừng lại ở việc dạy dỗ các em nhỏ, bà Lan còn đặc biệt chú ý đến việc định hướng cho phụ huynh trong chăm sóc con cái, vì “tụi nhỏ vẫn ở nhà nhiều nhất và luôn bắt chước cha mẹ”. Chị Nguyễn Thị Ngọc sinh con lúc mới 18 tuổi, với quá khứ bị bạo hành trong gia đình, bản thân chị bị ám ảnh nặng nề nên thường xuyên hành hạ con không thương tiếc. Vậy mà bây giờ, cuối tuần nào chị cũng chở con tới sinh hoạt ở nhà bà Lan. Nhắc lại chuyện cũ, chị bẽn lẽn cho biết: “Giờ không đánh con nữa, cô Lan nói đời mẹ đã khổ vì bị đánh đập rồi, đời con không lẽ để nó tiếp tục bị đánh đập, phải khác đi chớ”.

Gieo những hạt mầm

Bà Lan bắt đầu quan tâm, chăm sóc các em nhỏ từ năm 2010. Tháng 1-2012, cơ sở của bà nhận giấy phép bảo trợ của Hội Huynh đệ (Pháp). Cơ sở của bà cũng vừa được Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo thành phố thừa nhận tư cách pháp nhân. Đến nay cơ sở của bà Lan đã bảo trợ 50 trẻ có học bổng hằng tháng với số tiền trung bình 400.000 đồng/em, thường xuyên chăm sóc, kèm cặp việc học cho 30 em và nuôi tại nhà năm em.

Khi bước vào cơ sở bảo trợ trẻ em của bà Lan, điều đặc biệt nhất là ở đây luôn đầy ắp không khí gia đình, không có sự phân chia giám đốc, nhân viên nào cả, đơn giản vì tất cả đều là... người nhà. Em gái bà Lan là bà Nga giữ nhiệm vụ cô giáo kèm cặp các em học, dạy “ngon lành” đủ mọi lớp từ tiểu học đến THCS. Hai con gái bà thì người dạy văn hóa và hỗ trợ phần âm nhạc cho các em tập múa, tập hát, người giữ trách nhiệm nấu nướng đủ thứ từ bún, cơm đến bánh ngọt cải thiện bữa ăn. “Tôi chỉ là người gieo hạt, còn cái cây có lớn hay không thì nhờ các thành viên trong nhà cùng vun đắp, chăm sóc, chứ lớn tuổi rồi, tôi không thể đảm đương hết một mình được” - bà Lan nói.

Bà Lan còn được sự ủng hộ nhiệt tình của rất nhiều đội, nhóm tình nguyện tại TP.HCM. Không có cuối tuần nào nhà bà lại vắng sự tham gia đông vui, nhộn nhịp của các bạn sinh viên đến tổ chức chương trình cho các em, từ dạy học, tư vấn tâm lý đến chiếu phim... Nhiều nhóm còn đến để học hỏi từ bà cách tổ chức dự án cộng đồng sao cho phù hợp và hiệu quả. Cứ thế, ở tuổi 61, sức khỏe đã yếu đi nhiều, vậy mà khi nói về hoạt động cộng đồng, ở bà Lan vẫn còn ngọn lửa nhiệt huyết bền bỉ. Lịch làm việc của bà vẫn kín đặc những chuyến đi ngược xuôi vận động quỹ tài trợ và cả những buổi học, tập huấn nghiệp vụ trong nghề công tác xã hội. “Phải học chứ, làm gì cũng phải học, làm công tác xã hội càng phải học vì việc làm của mình sẽ ảnh hưởng đến cả cuộc đời mấy đứa nhỏ, làm bậy đâu được” - bà nói.

ĐOÀN BẢO CHÂU - YẾN TRINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên