07/11/2016 12:34 GMT+7

Cảnh sát cứu nạn, cứu hộ kỳ 4: Nghe kẻng là đi

THU AN - GIA MINH
THU AN - GIA MINH

TTO - Luôn trực chiến bất kể ngày đêm, luôn sẵn sàng cả trong ngày nghỉ. Có ngày gần như phải chạy cứu hộ cùng lúc ba vụ tai nạn.

Lực lượng cứu nạn cứu hộ thuộc Cảnh sát PCCC TP.HCM đang cứu hộ trong vụ công trình sập tại Q.7 - Ảnh: Cảnh sát PCCC cung cấp

Có vụ, yêu cầu cứu nạn phải chạy đua với thời gian sống của người bị nạn. Bất kỳ đó là vụ việc gì: cháy, nổ, chìm, tìm tang vật, sập nhà, sập cầu..., người làm công tác cứu nạn, cứu hộ nào cũng đều xác định: cứ nghe kẻng là đi.

Giành giật từng phút

1g khuya 30-12-2008, có tin từ Công an P.Tân Phú (Q.7, TP.HCM) báo có vụ sập giàn giáo công trình xây dựng nhà CR4 (đường Tôn Dật Tiên, P.Tân Phú).

Cảnh sát PCCC TP lập tức điều động lực lượng cứu nạn, cứu hộ gồm 73 cán bộ, chiến sĩ, do đích thân ông Lê Tấn Bửu, lúc đó làm phó giám đốc Sở Cảnh sát PCCC TP, trực tiếp chỉ huy tới ngay hiện trường.

Tại hiện trường, công trình đang xây dựng trở thành một đống đổ nát, quang cảnh hỗn loạn. Theo đơn vị thi công, việc đổ sàn bêtông tại tầng 5 được bắt đầu từ 15g chiều 29-12, cho đến lúc sập sàn bêtông thì công trình vẫn đang xây dựng, có 16 nữ công nhân đang dọn dẹp bên dưới.

Sàn bêtông tầng 5 sập đã làm sập luôn tầng 4 và tầng 3 với diện tích 800m2.

Khi xảy ra sự cố, 12 người thoát ra ngoài được, trong đó có 1 người bị thương, 4 nữ công nhân nghi vấn còn kẹt dưới đống đổ nát. Vừa đến nơi, lực lượng cứu nạn đã triển khai ngay việc cứu nạn các nạn nhân bị đè sâu trong đống bêtông dưới tầng 3 và tầng 4.

Anh em đang khẩn cấp triển khai cứu nạn thì nghe hai tiếng kêu. Một ở tầng 3, một tại tầng 4. Khi anh em lên tầng 4, qua khe hở giàn giáo thấy một phụ nữ đang la hét kêu cứu.

Anh Huỳnh Văn Tuấn, chiến sĩ trực tiếp tham gia cứu nạn lúc đó, nhớ lại: “Sợ chị la sẽ mất sức, có thể tử vong trước khi được cứu ra, tôi chui vào trong, chui khoảng 3m cách chỗ nạn nhân kẹt thì khoảng trống có thể chui xuống còn rất hẹp, đường kính chỉ khoảng 0,6m, lúc đó tôi nhỏ con nhưng anh em vẫn cản, nói nguy hiểm lắm.

Tôi nói không xuống không được, không xuống thì không biết bên dưới kẹt như thế nào, không biết cách gì cứu, nếu phá bên trên thì sợ sập.

Khi tôi tiếp cận gần, soi đèn pin, thấy may mắn có ba tấm sắt chữ U bao quanh, có một tấm ván che khối bêtông trên đầu chị công nhân. Tôi yêu cầu đồng chí Đạo chuyển ba con đội cơ.

Khi chuyển con đội vô, mình không nâng được toàn khối bêtông vì sợ đội mạnh thì sập, đè cả vào người. Vừa trấn an nạn nhân, tôi vừa yêu cầu anh em đào từ ngoài vào trong tạo lối ra. Lúc đó phó giám đốc Bửu có mặt trực tiếp chỉ đạo việc đào, cuối cùng chuyển được chị công nhân ra.

Đưa được người ra anh em mệt lả, nhưng nghe tầng 3 vẫn chưa cứu được người chúng tôi quay lại ngay, tiếp ứng thêm hai tiếng nữa. Chị này bị kẹt chân phải vào khối bêtông.

Các bác sĩ cho truyền nước, thuốc để nạn nhân duy trì sức, tránh bị sốc, nhưng nói nếu không đưa ra kịp thời sẽ nguy hiểm tính mạng.

Thời gian khắc nghiệt trôi qua trong khi khối bêtông cứ khô dần. Một đề nghị đưa ra: tháo khớp chân.

Tôi hỏi: “Còn bao lâu thì nguy hiểm tính mạng, buộc phải tháo khớp?”. “Khoảng 20 phút”. Tôi quay qua nói với chú Bửu: “Khoan tháo khớp, cho con cố cứu”.

Chú Bửu hỏi có làm được không, sợ mất mạng nạn nhân. Tôi xin còn phút nào sẽ cố gắng làm. Bên ngoài các nhân viên y tế đã chuẩn bị phương tiện tháo khớp. Nhưng thật may mắn, sau 12 phút tôi cùng đồng đội đã phá được bêtông, đưa người ra.

Sau khi cứu hai người, xác định còn mất tích hai người, anh em tung hết lực lượng dò tìm. Sau đó tìm được một thi thể nữ bị bêtông đè thiệt mạng. Còn một nạn nhân, huy động tất cả lực lượng ở hiện trường, trưng dụng đến sáu chó nghiệp vụ đánh hơi vẫn chưa tìm ra.

Mãi hai ngày sau vụ sập, nhìn thấy con ruồi xanh bay xuống khu vực tầng 3, chú Tốt đánh giá khả năng nạn nhân nằm ở đó. Anh em tập trung đào, tới chiều hôm đó thì đưa được thi thể ra. Hai đêm hai ngày thì hoàn tất toàn bộ việc cứu nạn, tìm người”.

Tình người trong hoạn nạn

Nhiều lúc người ít, việc nhiều anh em phải căng sức ra mà chạy, nhất là thời điểm trước năm 2006, anh em trong đội cứu nạn cứu hộ chỉ trên dưới 10 người.

Ông Nguyễn Ngọc Tốt, người được xem là người anh kỳ cựu trong nghề, nhớ lại có ngày các anh liên tiếp nhận được tin báo cứu nạn đến ba vụ chết đuối ở ba địa điểm khác nhau trên địa bàn TP.HCM.

Đó là vụ hai thanh niên chở nhau trên xe máy bay luôn qua thành cầu Nhị Thiên Đường (Q.8) rơi xuống sông, việc lặn tìm thi thể phải mất hơn hai tiếng. Đang làm thì nghe tin một trong hai thanh niên thi nhau bơi qua kênh ở Q.Gò Vấp bị chết đuối. Thế là xẻ nửa lực lượng chạy ứng cứu.

Chưa xong, lại nghe tin một phụ nữ lớn tuổi đi bắt còng dưới chân cầu Bà Chiêm bị mất tích, nghi chết đuối. Lại tiếp tục chia quân đi mò tìm người bị nạn.

Đại úy Huỳnh Văn Tuấn kể vào khoảng cuối năm 2003, một lần anh em đi lặn tìm thi thể một em bé chết đuối ở kênh Xáng (H.Bình Chánh), ngoài bình hơi, cái quần đùi trên người thì phương tiện chẳng có gì.

Kênh sâu quá, anh em phải kiếm mấy cục đá to, lấy dây cột vào người cho nặng để dễ lặn. Một lúc sau, có một ông già xuất hiện tay khệ nệ ôm một cục sắt to.

Ông nói: “Đây là cục đe (một phương tiện làm nghề của thợ rèn), vật bất ly thân để kiếm sống của tui. Ai mua bao nhiêu tui cũng không bán. Cho mấy chú mượn để lặn nè, chứ cột đá như vậy thì tội quá”. Có cục đe, anh em mừng rỡ cột vào người tiếp tục mò tìm em bé.

Lặn hơn ba tiếng suốt mấy trăm mét chiều dài con kênh, cuối cùng các anh cũng tìm được thi thể em bé. Lên bờ rồi, ông già lại đi xin bà con lối xóm mỗi người một ít gạo nấu một nồi cháo nóng hổi.

Vừa đói, vừa lạnh run sau một buổi chiều lặn ngụp, nồi cháo như vị cứu tinh làm các anh nghẹn ngào. Ăn cháo xong, ông già dứt khoát nói: “Thôi tặng luôn cục đe cho mấy chú để hành nghề đỡ vất vả”.

Có một đặc điểm của nghề này là hầu hết người bị nạn khi được cứu, thân nhân người bị nạn hiếm khi để ý tới người cứu nạn. Đơn giản vì họ đang trong tâm trạng buồn đau, hoảng loạn.

Những chiến sĩ cứu nạn cũng vậy. Họ cũng không trông chờ hay để ý xem có ai đến cảm ơn mình. Công việc nó vậy mà! Hơn nữa, sau một vụ cứu nạn là mệt phờ người, lo thu dọn hiện trường, rút quân, báo cáo... Như hồi sập cầu Xóm Chỉ, một cây cầu gỗ cũ bắc qua kênh Tàu Hủ ở Q.8.

Chỉ vì một cô gái nhảy cầu tự tử, hàng chục người dồn lên cầu để coi mà gây ra vụ sập cầu. Trong một buổi chiều cực kỳ vất vả, lực lượng cứu nạn đã cứu sống tất cả hơn 60 người bị rơi xuống kênh. Riêng cô gái tự tử đã tử vong trước đó các anh cũng vớt được thi thể đưa lên bờ.

Xong rồi thì mạnh ai nấy khóc, mạnh ai nấy mừng, mạnh ai nấy đi. Không ai nhớ tới các anh. Các anh cũng không nhớ được mình đã cứu những ai. Các anh cứ vậy, nghe kẻng là đi. Dù là ngày nắng, đêm mưa...

Lạ là ông trời cũng công bằng

Trong khi người trong cuộc bận lo chuyện của họ, chìm trong cảm xúc của họ, thì người chứng kiến lại là những người quan tâm giúp đỡ, động viên và nói lời cảm ơn nhiều nhất. Như ông già ở kênh Xáng đã cho các anh cục đe, tài sản quý giá nhất của ông lúc đó.

Như mấy người dân ở khu vực Lò Gốm (Q.6) đã cho mấy anh cả bịch xà bông, kêu mấy anh vô nhà lấy nước cho tắm, sau khi thấy các anh lặn tìm người dưới dòng kênh đầy hóa chất và phẩm màu do các cơ sở sản xuất gần đó thải ra.

Ở những hiện trường khác, người dân còn tiếp tế cả nước uống, thức ăn cho lực lượng cứu nạn.

-------

Kỳ 4: Trung tâm 114

Các kỳ trước

>> Kỳ 1: 

>> Kỳ 2:

>> Kỳ 3:

THU AN - GIA MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên