"Hàng bên em chất lượng, được nhập từ Mỹ về. Kìm điện có giá từ 500.000 đồng, bình xịt hơi cay có giá 150.000 - 300.000 đồng tùy loại. Riêng súng điện và roi điện ba khúc thì có giá 950.000 đồng. Hàng được ship COD và anh được kiểm tra hàng rồi mới trả tiền", một chủ shop trên mạng trả lời như vậy khi anh V.M. (ở Quảng Trị) chat hỏi mua.
Rao bán công cụ hỗ trợ, súng hoa cải
Sau cuộc gọi ngắn, người bán hàng chủ động kết bạn Zalo và gửi hình ảnh, clip kèm theo giá tiền của hàng loạt loại roi, kìm và súng bắn điện cho anh M..
Anh M. thử đặt một cây kìm điện có ghi thông số "980000K vôn" với giá 500.000 đồng, người bán hàng dặn dò rằng: "Em sẽ gửi cho anh kiện hàng ghi là pin sạc dự phòng siêu nhanh. Khi kiểm tra hàng, anh đừng để shipper nhìn thấy vì đây là hàng cấm".
Chỉ vài ngày sau, số điện thoại của M. đổ chuông. Mở kiện hàng và lôi ra chiếc kìm điện đang nổ điện xẹt xẹt để giao, anh shipper tái mặt vì biết mình chở hàng cấm, anh M. cũng viện lý do nhầm lẫn để từ chối nhận, yêu cầu trả về cho người bán.
"Hàng nóng" trên mạng đầy rẫy, thậm chí livestream chào mời khách. Một chủ tài khoản Đ.C. còn bày ra "một mâm" trên mặt nền xi măng với hàng chục các "món" từ còng số 8, súng, bình xịt hơi cay, roi điện... và giới thiệu chi tiết từng loại, giá cả được dán bên cạnh.
Một gian hàng trên mạng livestream bán "đèn pin siêu sáng", click vào phần giỏ hàng liền hiện ra hàng loạt mặt hàng như "đèn pin tự vệ", "bình xịt thơm phòng", "sạc dự phòng siêu mạnh"... với giá 150.000 - 850.000 đồng. "Em cam kết hàng này đều là hàng xịn, được nhập khẩu từ Mỹ về nên anh em yên tâm dùng". Dứt lời, người bán hàng đưa chiếc kìm điện lên trước màn hình livestream trực tiếp và bấm nút, dòng điện xanh lè hiện ra kèm tiếng xẹt xẹt ớn lạnh trước hàng trăm người xem.
Không chỉ có công cụ hỗ trợ, các loại hung khí mà cả các loại súng ngắn, súng hoa cải cũng được rao bán trên mạng. Loại này được bán có phần "kín kẽ" hơn và giá cũng đắt hơn so với các loại khác. Thậm chí còn có nhóm chuyên bán các phụ kiện của súng để gửi đi cho khách kèm hướng dẫn tự lắp ráp tại nhà. Các thành viên một nhóm có tên "Zp5 - Sky Marshal..." đăng hình ảnh bán súng quân dụng công khai.
Những khẩu súng ngắn ổ quay đủ thể loại được rao bán với giá từ vài trăm nghìn đến hàng chục triệu đồng kèm đạn cao su. Súng hơi bắn đạn bi nhựa, bi sắt kèm bình khí gas cũng được đăng bán với giá từ vài trăm nghìn đến cả triệu đồng.
Tiền mất, tật mang
Tuy nhiên, có không ít người cả tin sẽ mua được "hàng nóng" như quảng cáo mà không ngờ rằng mình mắc bẫy lừa. Anh M.Đ. (trú TP Huế) cuối tháng 8 vừa qua đặt mua một khẩu súng ngắn bắn đạn bi sắt với giá khoảng 800.000 đồng. Người bán nói với Đ. rằng vì là hàng cấm nên yêu cầu chuyển cọc trước 300.000 đồng thì mới gửi súng bằng xe khách đến Huế.
Chuyển cọc xong, Đ. nhận được điện thoại xưng là lái xe khách đang chở hàng đến Huế và nói vô tình biết đây là hàng cấm nên chỉ chuyển nhờ chứ không nhận tiền, yêu cầu anh phải chuyển tiền trực tiếp cho chủ hàng. Sau khi Đ. chuyển tiền thì mới biết bị lừa.
Mạng xã hội thời gian qua đã trở thành kênh liên lạc, giao dịch của không ít kẻ xấu, tội phạm mà bằng chứng là nhiều vụ án chế tạo, mua bán, vận chuyển, tàng trữ vũ khí quân dụng được cơ quan công an phát hiện, triệt phá cũng từ trên mạng.
Phạm Ngọc Sơn (23 tuổi, trú quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) khai khoảng tháng 7-2023, khi lên mạng thấy nhiều trang mạng nước ngoài có sử dụng vũ khí quân dụng được làm từ nhựa thông qua máy in 3D. Vì muốn kiếm tiền từ việc mua bán vũ khí, Sơn lên các trang mạng này tìm kiếm các bản thiết kế súng và đặt dịch vụ in 3D tại Việt Nam.
Sau khi nhận được các linh kiện in 3D, Sơn tự làm thêm nòng bằng đồng, khoan tiện kim hỏa và lò xo để lắp vào súng. Khi súng đã hoàn chỉnh thì đem bán cho khách hàng có nhu cầu thông qua dịch vụ giao hàng.
Ngày 12-8-2023, Sơn đem bốn khẩu súng gửi cho khách hàng thông qua dịch vụ giao hàng. Sau khi Sơn gửi hàng, Cơ quan an ninh điều tra Công an Đà Nẵng phối hợp bưu cục kiểm tra, tạm giữ tang vật và bắt Sơn để điều tra về tội chế tạo, tàng trữ, mua bán trái phép vũ khí quân dụng.
Có thể bị phạt đến 5 năm tù
Luật sư Võ Công Hạnh (Đoàn luật sư tỉnh Thừa Thiên Huế) cho biết hành vi mua bán vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 306 Bộ luật Hình sự 2015 về tội "chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ".
Người phạm tội có thể bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm; từ 1 đến 5 năm tù giam nếu vi phạm có tổ chức, có số lượng lớn, mua bán qua biên giới hoặc gây thiệt hại lớn tài sản hoặc gây hậu quả chết người.
"Ngoài ra, đối với hành vi rao bán vũ khí thô sơ, căn cứ theo điểm e, khoản 1, điều 101 nghị định 15/2020 của Chính phủ quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội thì người vi phạm sẽ bị phạt hành chính 10 - 20 triệu đồng về hành vi lợi dụng mạng xã hội để quảng cáo, tuyên truyền, chia sẻ thông tin về hàng hóa, dịch vụ bị cấm", ông Hạnh nói.
Shipper bị phát hiện là vận chuyển vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ cấm nếu không chứng minh được là không hề hay biết về việc có hàng cấm thì người vận chuyển có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. "Do vậy trong trường hợp shipper khi biết mình đang vận chuyển vũ khí, hàng cấm thì cần phải quay phim, chụp ảnh lại và lập tức báo ngay cho công an gần nhất", ông Hạnh nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận