02/03/2011 07:03 GMT+7

Cảnh giác với bệnh sán

LAN ANH
LAN ANH

TT - Đầu năm nay, Bệnh viện Nhi T.Ư tiếp nhận một bệnh nhi 10 tháng tuổi chuyến đến từ Phú Thọ bị nhiễm sán lá gan lớn. Đây là bệnh nhi nhỏ tuổi nhất thế giới bị bệnh này, làm giới chuyên môn kinh ngạc vì bệnh nhi mới ở tuổi ăn bột.

qlKcupl5.jpgPhóng to
Rau xanh trong bữa cơm phải được rửa sạch để tránh bị giun sán - Ảnh: N.C.T.
k9gXSZLA.jpgPhóng to
Sán dây thu thập được khi điều trị bệnh nhân Việt Nam - Ảnh do PGS Nguyễn Văn Đề cung cấp

Dễ nhầm là ung thư gan

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Đề - chủ nhiệm bộ môn ký sinh trùng ĐH Y Hà Nội, từng có những bệnh nhân có khối u đường kính 10-12cm ở gan, bị chẩn đoán là ung thư gan, y học bó tay, thực chất là nhiễm sán lá gan, sán phá hủy tế bào gan và chỉ cần uống thuốc đặc trị là khỏi bệnh. Theo ông Đề, trước đây miền Bắc ít thấy bệnh sán lá gan lớn hay sán dây, nhưng nay bệnh này xuất hiện trải đều cả nước.

Với những bệnh nhân nhiễm sán tạo thành khối u như bệnh nhân kể trên, ông Đề cho hay trước đây rất dễ chẩn đoán nhầm, đem bệnh nhân đi phẫu thuật, xạ trị, hóa trị. Gần đây, do vùng phân bố của sán rộng hơn nên các bác sĩ đã có kinh nghiệm phát hiện bệnh nhân nhiễm sán. Trường hợp bệnh nhi kể trên, các bác sĩ đã xác định bệnh nhi nhiễm sán qua rau và sán cũng đã phá hủy tế bào gan của bệnh nhi khiến bệnh nhi gầy ốm, chỉ nặng 5,8kg khi phát hiện bệnh.

Ông Đề cho biết trong nghiên cứu gần nhất do Bộ Tài nguyên - môi trường đặt hàng, nhóm của ông đã phát hiện nhiều loại ký sinh trùng trên thực phẩm như sán lá, giun đầu gai trên cá, sán nhái trên ếch với tỉ lệ dao động 10-20%. Trên rau có các loại trứng giun và đơn bào như trùng roi, trùng bào tử đều có thể gây bệnh tiêu chảy, bệnh lỵ ở người.

Chú ý “hạt gạo” trên thịt

Theo ông Đề, nếu không chú ý rất khó phát hiện ấu trùng trên thực phẩm. Tuy nhiên, sán lá gan heo và bò có thể phát hiện nếu người sử dụng thịt nhìn kỹ, thấy những “hạt gạo” lấm tấm trên thịt heo và bò (“gạo” bò nhỏ hơn “gạo” heo). Người ăn rất dễ nhiễm bệnh nếu thịt nấu chưa chín (ăn phở bò tái, ăn nem chạo, nem chua có ấu trùng sán dây).

Người bệnh nhiễm sán rất khó phát hiện vì biểu hiện bệnh không rõ ràng, chỉ thỉnh thoảng đau bụng như nhiều chứng bệnh khác, nên chỉ có thể theo dõi biểu hiện đau bụng liên quan đến sán bằng việc theo dõi phân. Do sán heo và bò đều giống đoạn xơ mít nên còn được gọi là sán xơ mít.

Theo ông Đề, đáng chú ý là gần đây phát hiện khá nhiều sán dây châu Á ở VN. Loại sán dây này có hình thức giống sán dây bò nhưng lây do ăn thịt heo chưa chín. Ông Đề cho biết loại sán dây này xuất hiện ở VN từ năm 2001 và ngày càng nhiều.

Để bảo đảm sức khỏe, ông Đề khuyến cáo cẩn thận với món gỏi cá vì chưa bảo đảm được cá nào là cá sạch. Với các loại thực phẩm khoái khẩu khác cũng vậy, chưa thể đảm bảo thịt làm nem chua, nem chạo có sạch hay không. Vì thế nên cố gắng ăn chín, uống nước nấu chín. Với những loại rau chỉ sử dụng ăn sống cố gắng rửa thật nhiều lần, bằng thật nhiều nước, vì theo ông Đề, thật ra không có loại thuốc gì diệt được ký sinh trùng trên rau, chỉ có thể rửa nhiều nước làm ký sinh trùng trên rau trôi bớt đi mà thôi.

Hiện đã có một số mô hình nuôi cá sạch được triển khai, nhưng vấn đề ở chỗ nguồn nước nuôi cá chưa được xử lý dẫn tới nguồn thức ăn cho cá đảm bảo sạch nhưng cá thương phẩm chưa đảm bảo sạch. Ông Đề khuyến cáo bà con nên xử lý nguồn nước nuôi cá, việc bảo đảm vệ sinh phải từ hai phía người nuôi và người dùng thì thực phẩm mới có thể đảm bảo vệ sinh.

LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên