Hai gốc mai của ông T. đã bị cắt trụi cành nhưng sau đó kẻ trộm không kịp mang đi - Ảnh: NGỌC TÀI
Những cây cảnh dù có giá trị cao nhưng cũng chỉ được gia chủ để sau vườn hoặc trước sân nhà, nên đến tết là dịp bọn trộm tăm tia, dòm ngó. Nhiều gia chủ dùng cả dây xích khóa lại nhưng vẫn mất cả cây lẫn chậu.
Sơ hở là mất
Anh Mai Hoàng Sơn (27 tuổi, ngụ phường Linh Trung, quận Thủ Đức) than: đầu tháng 12-2019 anh vừa bị hai tên trộm lấy mất cây mai để trước nhà. Camera an ninh nhà anh ghi lại được, anh đã trình báo và nộp hình ảnh này cho cơ quan chức năng địa phương.
"Trình báo vậy thôi chứ giờ biết tụi nó ở đâu mà tìm, mất chiếc xe hay vàng bạc thì dễ truy xét, còn mất cây mai tuy có giá trị nhưng chịu thôi. Lúc trước tôi để cây mai sau nhà, mới đây tôi mang ra trước cho thoáng và tiện chăm sóc để tết này chưng thì bị trộm" - anh Sơn nói.
Anh Sơn cho biết cây mai cao hơn 1m, gốc to, dáng đẹp. Anh mua của người thân giá 4 triệu, nhưng tới giờ chăm được hai năm giá tầm 7-8 triệu đồng.
Do thường mất cây cảnh nên anh Sơn đã dùng xích quấn thân cây mai lại để phòng ngừa. Thế nhưng sau một đêm gia đình đi vắng, khi về thì chỉ còn thấy trơ trọi cái chậu không. Mở camera an ninh, anh Sơn thấy rõ hình ảnh hai thanh niên đi xe máy đến, cắt xích và bứng mai chở đi.
Tương tự, ông Tùng - chủ nhà vườn với hàng ngàn cây mai cảnh chuẩn bị cho Tết Canh Tý - cho hay năm nào ông cũng chong đèn thức canh mai. Ngoài việc trồng, ông còn nhận mai khách gửi chăm sóc, nuôi dưỡng để lấy tiền công. Song, nhiều khi trộm vào nhổ cây mai của khách buộc ông Tùng phải tìm cây khác đền cho khách.
Theo ông Tùng, do "thấp bé nhẹ cân" nhưng luôn có giá trị cao nên cây mai, chậu cảnh nào có dáng thế bonsai… luôn được bọn trộm ưa chuộng.
Chưa kể cây kiểng dễ lấy, dễ vận chuyển và cũng dễ tiêu thụ. Ông Tùng cho biết thêm những ngày cận tết, các nhóm trộm cây kiểng cũng thường mang cây tới vườn của ông chào bán với giá rất rẻ, thế nhưng ông nhất quyết không mua.
Theo thống kê của Hội sinh vật cảnh TP.HCM, tổng diện tích cây trồng bonsai ở TP.HCM là 500ha, mỗi năm bán ra từ 900.000 đến 1 triệu chậu các loại. Thu nhập bình quân từ cây bonsai của nhà vườn từ 1,5 - 2,5 tỉ đồng/ha/năm.
Người làm thuê móc nối bên ngoài
Ông Trương Hoàng - chủ tịch Hội sinh vật cảnh TP.HCM - cảnh báo và cho biết tình trạng trộm cắp cây kiểng diễn ra từ nhiều năm nay, là vấn nạn mỗi dịp tết đến. "Giờ các nhà vườn lớn, người dân cũng cảnh giác hơn. Những cây cảnh quý, đắt tiền đều được xích lại, gắn camera quan sát hoặc nuôi chó dữ để đề phòng các nhóm trộm cắp" - ông Hoàng nói.
Cũng theo ông Hoàng, có rất nhiều kiểu trộm cắp cây kiểng diễn ra trong những năm qua. Đầu tiên phải kể đến những tên trộm "vãng lai", lợi dụng dịp tết để "hành nghề". Các đối tượng này thường để ý những nhà để cây cảnh trước sân hay sau vườn, lợi dụng sự sơ hở mất cảnh giác của chủ nhân vào nhổ trộm.
Đối tượng thứ hai là những người làm thuê trong vườn, hiểu rõ sinh hoạt thường ngày của chủ và biết những cây cảnh nào có giá trị cao trong vườn để chọn trộm. Và khi chủ vườn mất cảnh giác, những người này sẽ móc nối với các đối tượng bên ngoài, tuồn cây cảnh mang đi bán.
"Những nhà vườn như chúng tôi rất khổ với dạng trộm kiểng này, có người bị lấy mất cây mai giá trị hàng tỉ đồng. Thế nhưng do muốn tẩu tán nhanh nên nhóm trộm đã bán cây mai ấy giá rất rẻ" - ông Hoàng nói.
Cũng theo ông Hoàng, người trồng cây kiểng mất của thì tiếc đứt ruột. Có khi biết rõ cây kiểng của mình được bán cho ai nhưng cũng khó lấy lại được vì không có giấy tờ, hình ảnh chứng minh nguồn gốc. "Thời điểm này bà con có cây kiểng chuẩn bị chưng tết nên cẩn thận để không bị kẻ trộm lấy mất, tết lại kém vui" - ông Hoàng khuyên.
Cuối năm trộm mai hoành hành tại miền Tây
Trên địa bàn huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp vừa xảy ra 2 vụ trộm gốc mai táo tợn. Ông T. (xã Vĩnh Thới, huyện Lai Vung) vừa bị trộm bứng 3 gốc mai trị giá hàng trăm triệu đồng. Điều đáng nói là nhà ông T. có cổng rào, tường bao quanh và lắp camera nhiều nơi. Những gốc mai bị mất nằm ngay sân nhà.
"Bọn trộm giờ ghê quá, cắt cành, bứng gốc chuyền qua tường rào. Tui đoán chắc nó nhổ gốc đến gần sáng nên không kịp mang đi hết. Chúng giấu sát nhà tui, tính quay lại lấy khi có cơ hội mà thấy động nên nó bỏ luôn" - ông T. nói. Tính ra nhà của ông T. đã bị trộm mai đến 4 lần.
Vụ trộm mai thứ hai xảy ra tại nhà của một công an địa phương, ngay sau vụ vườn mai của ông T. bị trộm viếng. Ngoài ra, khu vực các nhà vườn nằm trên quốc lộ 54, nơi tiếp giáp 3 địa phương Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cần Thơ thường xuyên bị trộm "viếng thăm" làm người dân bất an.
Ông Nguyễn Văn Dững, phó Công an huyện Lai Vung, cho biết hiện nay trên địa bàn huyện xảy ra trộm nhiều. Công an huyện cũng chỉ đạo các đội nghiệp vụ, công an địa phương tiến hành rà soát các đối tượng trên địa bàn có hành vi trộm cắp, đặc biệt các đối tượng có mối quan hệ với bên ngoài để gọi hỏi răn đe, giáo dục.
Các lực lượng sẽ tăng cường tuần tra ban đêm, kiểm tra các phương tiện có dấu hiệu vi phạm liên quan đến trộm cắp tài sản.
NGỌC TÀI
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận