Một bệnh nhân hồi phục sức khỏe tốt sau khi bị viêm cơ tim do nhiễm khuẩn - Ảnh: L.TH.H. |
Viêm cơ tim do rất nhiều nguyên nhân như vi khuẩn, xoắn khuẩn, nấm, virút, thuốc và các hóa chất, tia xạ. Có khi do các nguyên nhân khác: sau sinh, do các tế bào khổng lồ, do rượu... thậm chí là viêm cơ tim không rõ nguyên nhân |
GS Nguyễn Đức Công |
Thời gian qua, Bệnh viện Thống Nhất, TP.HCM cấp cứu hàng chục người bị viêm cơ tim nặng, trong đó có người còn rất trẻ.
Đột ngột viêm cơ tim
Người bị viêm cơ tim mới nhất vào Bệnh viện Thống Nhất cấp cứu là anh Thái Tuấn Kiệt (20 tuổi, Q.Tân Bình, TP.HCM).
Theo bà Phạm Thị Thẳm - mẹ anh Kiệt, sáng 9-3 con trai bà đột ngột sốt cao nên bà đi mua thuốc hạ sốt cho con uống. Sau khi uống thuốc, con trai bà giảm sốt và tối còn đi uống cà phê với bạn bè.
Tuy nhiên, đến 1h sáng 10-3 thì con bà kêu đau hết vùng ngực và sốt cao trở lại, nên bà đưa con đến bệnh viện cấp cứu. Nghe bác sĩ nói con đang bị bệnh tim rất nguy hiểm, bà rất bất ngờ vì nào giờ anh Kiệt không bị bệnh gì về tim.
Theo bác sĩ điều trị, anh Kiệt khởi phát bệnh viêm cơ tim rất nhanh. Ngày đầu, người bệnh sốt liên tục và trước nhập viện 3-4 tiếng anh Kiệt đau vùng ngực sau xương ức, mệt, khó thở.
Khi nhập viện cấp cứu, người bệnh trong tình trạng huyết áp tụt thấp, sau đó bị “nhanh thất” - một dạng ngừng tuần hoàn - khiến người bệnh cứ nôn ọe.
Kết quả đo điện tim cho thấy anh Kiệt bị viêm cơ tim nên bác sĩ cho dùng thuốc vận mạch để nâng huyết áp.
Hôm sau, người bệnh vẫn còn sốt cao từng cơn, bác sĩ tim mạch hội chẩn với bác sĩ chuyên khoa nhiễm, cho cấy máu tìm virút gây sốt xuất huyết, tìm vi khuẩn trong đàm... nhưng kết quả âm tính.
Tuy nhiên, xét nghiệm máu cho thấy bạch cầu đa nhân trung tính tăng cao, có dấu ấn nhiễm trùng tăng nhiều lần nên bác sĩ đã cho điều trị bằng kháng sinh phổ rộng. Sau khi được điều trị, ngày 15-3 tình trạng anh Kiệt tiến triển tốt, mạch, huyết áp ổn định.
Người trẻ dễ mắc
Theo GS Nguyễn Đức Công - giám đốc Bệnh viện Thống Nhất, viêm cơ tim là sự viêm nhiễm cấp tính hay mãn tính ở cơ tim. Bệnh thường kèm theo viêm màng trong tim và viêm màng ngoài tim.
Viêm cơ tim có thể gây tử vong nhanh chóng cho người bệnh nếu không được chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời. Đáng lưu ý, viêm cơ tim hay gặp ở người trẻ tuổi.
Triệu chứng viêm cơ tim phụ thuộc vào nguyên nhân gây viêm cơ tim, không có triệu chứng đặc hiệu. Giai đoạn đầu, triệu chứng lâm sàng thường nhẹ, dễ bỏ qua, giai đoạn sau có thể có suy tim gây tử vong.
Tuy nhiên nếu bị viêm cơ tim do bệnh viêm nhiễm, thường người bệnh sẽ sốt cao 39-41 độ C, mệt mỏi, đau cơ, khớp..., nhịp tim nhanh, mạch yếu, huyết áp hạ, hồi hộp trống ngực, đau tức ngực, khó thở khi gắng sức, có khi khó thở cả khi nghỉ ngơi...
Theo GS Công, bệnh tiến triển nhanh - chậm, nặng - nhẹ phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh và mức độ lan tỏa của viêm cơ tim. Bệnh thường nặng khi nguyên nhân là bạch hầu, virút và xảy ra ở trẻ em, viêm cơ tim có suy tim, blốc các loại, loạn nhịp và tắc mạch.
Viêm cơ tim có thể gây biến chứng: suy tim toàn bộ mất bù, tắc động mạch ngoại vi do cục máu đông từ thành tim đưa tới, rối loạn nhịp nặng.
Để chẩn đoán viêm cơ tim, bệnh nhân phải được theo dõi qua điện tim, siêu âm tim, xét nghiệm tìm hiệu giá kháng thể với vi khuẩn, virút, sinh thiết màng trong tim...
Phải điều trị đủ thời gian
Theo GS Công, do có nhiều nguyên nhân gây viêm cơ tim, khi bệnh nhân mắc bệnh vào viện lại thường nằm rải rác ở các chuyên khoa khác nhau chứ không vào khoa tim, nên thường bác sĩ chuyên khoa không biết để chuyển lên bác sĩ khoa tim, dẫn đến chẩn đoán sót, người bệnh thường chết vì rối loạn nhịp tim và tụt huyết áp.
Về điều trị, tùy nguyên nhân gây viêm cơ tim mà có hướng điều trị riêng, nhưng phải điều trị sớm và điều trị đủ thời gian, không để bị loạn nhịp tim, suy tim thì người bệnh mới sống, cơ tim sẽ hồi phục dần và trở lại bình thường.
GS Công khuyến cáo người dân cần biết về bệnh viêm cơ tim và không được mất cảnh giác với những bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm virút thông thường (như cúm) vì viêm cơ tim có tỉ lệ tử vong rất cao.
Các loại viêm cơ tim hay gặp Do thấp: hay gặp ở người trẻ tuổi (5-20 tuổi) sau khi nhiễm liên cầu khuẩn tan huyết nhóm A ở họng, răng, miệng, ngoài da. Do bạch hầu: xảy ra ở khoảng 20% người bệnh bị bạch hầu. Khi bị viêm cơ tim do bạch hầu, tỉ lệ tử vong rất cao (80 - 90%). Do bệnh Lyme: thường xảy ra ở những tháng đầu hè với các đặc điểm: ban đỏ ngoài da, sau vài tuần đến vài tháng xuất hiện các triệu chứng về thần kinh, khớp, tim... Bị bệnh Chagas: Bệnh thường gặp ở người trẻ dưới 20 tuổi. Sau giai đoạn viêm cơ tim cấp tính, khoảng 30% người bệnh chuyển sang mãn tính. Ngoài ra, còn do các tế bào khổng lồ, do tia xạ, dùng thuốc, virút, thai sản... |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận