Đạo diễn Ken Ochiai (trái) đang chỉ đạo diễn xuất Vệ sĩ Sài Gòn - Ảnh: ĐPCC |
Trong số 19 bộ phim truyện điện ảnh dự giải thưởng Cánh diều 2016 được công bố sáng 15-3, tất cả đều là phim tư nhân. Đây có lẽ là điều mới mẻ nhất sau nhiều mùa tổ chức của giải thưởng Cánh diều.
Không có phim nhà nước dự giải
19 bộ phim truyện điện ảnh tham gia tranh giải Phim truyện điện ảnh giải Cánh diều 2016 là Cha cõng con (đạo diễn Lương Đình Dũng), Bao giờ có yêu nhau (đạo diễn Dustin Nguyễn), Sút (Việt Max), Tấm Cám - chuyện chưa kể (Ngô Thanh Vân), Chạy đi rồi tính (Nam Cito - Bảo Nhân), Fan cuồng (Charlie Nguyễn), Sài Gòn anh yêu em (Lý Minh Thắng), Sứ mệnh trái tim (Đỗ Đức Thịnh), Chờ em đến ngày mai (Đinh Tuấn Vũ), 12 chòm sao - vẽ đường cho yêu chạy (Vũ Ngọc Phượng), Truy sát (Ngô Quốc Cường), Nàng tiên có năm nhà (Trần Ngọc Giàu), Lộc phát (Lê Bảo Trung), Phim trường ma (Vũ Thái Hòa), Cao thủ ẩn danh (Lê Khắc Hoài Nam), Tik Tak anh yêu em (Trần Kamy), Lục Vân Tiên - Tuyệt đỉnh Kungfu (Nguyễn Hoàng Phúc), Bảo mẫu siêu quậy 2 (Lê Bảo Trung) và Vệ sĩ Sài Gòn (Ken Ochiai).
Có thể thấy không khí xã hội hóa áp đảo khi không có bộ phim nào được làm bằng ngân sách nhà nước dự giải.
Trong 19 phim dự giải, riêng phim Vệ sĩ Sài Gòn có yếu tố nước ngoài (đạo diễn là người Nhật Bản). Vì vậy, ông Đặng Xuân Hải - chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, trưởng ban tổ chức Cánh diều - cho biết: “Phim Vệ sĩ Sài Gòn vẫn đang trong quá trình xem xét vì đây là bộ phim do đạo diễn nước ngoài thực hiện.
Nếu loại phim này ra khỏi danh sách thì thiệt thòi cho êkip vì quay phim, diễn viên… là người Việt Nam. Có thể chúng tôi sẽ xem xét để dự án Vệ sĩ Sài Gòn tranh giải thưởng cá nhân, chứ không tranh giải phim”.
Sức trẻ từ phim ngắn
Ở hạng mục phim ngắn có 16 bộ phim tham gia tranh giải. Nhiều năm Cánh diều bị phàn nàn “bay quá xa” mà lại thiếu sinh khí rộn ràng cùng những người trẻ, ban tổ chức năm nay đã có điều chỉnh với cơ cấu giải thưởng riêng dành cho thế hệ tiếp nối này.
Cụ thể, hạng mục phim ngắn kêu gọi sự tham gia của những bạn trẻ yêu thích phim trong cả nước, không yêu cầu họ phải là hội viên Hội Điện ảnh.
Ban tổ chức cũng cho biết họ đã nhận được một số phim do các sinh viên của ĐH Hoa Sen gửi dự thi và đang chờ đợi sản phẩm của các bạn trẻ từ các trường ĐH khác có những khoa đào tạo về làm phim như FPT Arena, ĐH Hồng Bàng...
Ông Đặng Xuân Hải cũng cho hay năm nay, việc chăm chút cho giải thưởng này không chỉ dừng lại ở việc cổ vũ, thừa nhận sự đóng góp của lớp trẻ mà còn tạo ra một lớp công chúng mới yêu điện ảnh, nối tiếp sự phát triển của điện ảnh Việt trong tương lai.
Trả lời Tuổi Trẻ về việc ngoài sự quan tâm, kêu gọi các đạo diễn trẻ tham gia Cánh diều, nên chăng Cánh diều cần “trẻ hóa” cả đội ngũ ban giám khảo.
Ban tổ chức cho biết hội đồng giám khảo của giải phim ngắn năm nay là giảng viên hoặc những người trực tiếp đồng hành, hướng dẫn các bạn trẻ làm phim tại các trường sân khấu điện ảnh, trung tâm làm phim lớn.
Trong đó trưởng ban giám khảo giải phim ngắn là biên kịch Trịnh Thanh Nhã. Bà Dương Cẩm Thúy - phó chủ tịch Hội Điện ảnh VN - chia sẻ thêm: hội đang có một nguồn quỹ hỗ trợ các bạn trẻ làm phim đang học tại các trường điện ảnh làm phim tốt nghiệp. Ngoài ra, mỗi năm đều có các lớp tập huấn về làm phim tài liệu và phim ngắn miễn phí từ 10-15 ngày.
Trực tiếp lễ trao giải trên VTV1 Từ ngày 3 đến 7-4, 19 bộ phim truyện tham gia tranh giải Cánh diều 2016 sẽ được trình chiếu miễn phí cho khán giả TP.HCM tại 5 cụm rạp Cinebox, Cinestar Quốc Thanh, CGV Thảo Điền, BHD, Trung tâm Nghiên cứu và lưu trữ điện ảnh. Khán giả có thể nhận vé mời từ ngày 1-4. Song song với hoạt động trên, Hội Điện ảnh sẽ tổ chức một chương trình chiếu phim Hàn Quốc chào mừng giải Cánh diều năm nay từ ngày 8 đến 10-4, với sự tham gia của đoàn điện ảnh Hàn Quốc. Lễ trao giải sẽ diễn ra lúc 19h30 ngày 9-4 tại Nhà hát Quân đội khu vực phía Nam, truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận