02/06/2023 09:18 GMT+7

Cảnh báo thiếu minh bạch việc chọn sách giáo khoa

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội) cảnh báo hiện tượng thiếu minh bạch, khách quan, thiếu tôn trọng ý kiến của giáo viên, nhà trường và phụ huynh trong việc chọn sách giáo khoa.

Cảnh báo thiếu minh bạch việc chọn sách giáo khoa - Ảnh 1.

Học sinh lớp 3 Trường tiểu học Bàu Sen, quận 5, TP.HCM

Sáng 1-6, tại phiên thảo luận tình hình kinh tế - xã hội ở kỳ họp Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng, phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội) cảnh báo hiện tượng thiếu minh bạch, khách quan, thiếu tôn trọng ý kiến của giáo viên, nhà trường và phụ huynh trong việc chọn sách giáo khoa.

Theo bà Thúy, việc này là do thông tư 25 ngày 26-8-2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn lựa chọn sách giáo khoa. Thông tư tuy có đề ra quy trình chọn sách từ cấp cơ sở trở lên nhưng trao quyền bỏ phiếu quyết định chọn sách của mỗi môn học cho một hội đồng 15 người.

Thông tư không hề quy định khi một cuốn sách giáo khoa được các cơ sở giáo dục lựa chọn với tỉ lệ như thế nào thì hội đồng có trách nhiệm chọn cuốn sách ấy.

"Ý kiến không được tôn trọng"

"Tôi được nhiều giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phản ánh trong việc chọn sách giáo khoa, ý kiến của giáo viên và nhà trường không được tôn trọng. 

Thậm chí, nhiều tổ chuyên môn, nhiều trường còn phải làm lại biên bản chọn sách cho phù hợp với ý kiến cấp trên", bà Thúy nói và cho hay bà có địa chỉ cụ thể của những giáo viên và cán bộ quản lý này.

Điều đáng lo ngại nhất, theo bà Thúy, việc lựa chọn sách thiếu minh bạch, khách quan vừa không khuyến khích sự thi đua giữa các tổ chức, cá nhân biên soạn, xuất bản, phát hành sách giáo khoa, vừa có thể khuyến khích cạnh tranh không lành mạnh. 

Từ đó dần làm sai lệch chủ trương xã hội hóa, thậm chí xóa bỏ việc xã hội hóa trong lĩnh vực này, trở lại tình trạng độc quyền như cũ.

Bà Thúy kiến nghị Chính phủ chỉ đạo tổ chức thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời các sai phạm. Đồng thời yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương rà soát sửa đổi ngay quy định bất hợp lý của thông tư 25. 

Cùng với đó, Quốc hội và Chính phủ xem xét việc sửa đổi Luật Giáo dục để tiếp tục thực hiện chủ trương đa dạng hóa tài liệu học tập đã được nêu trong nghị quyết 29 của trung ương và xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa đã được quy định trong nghị quyết 88 của Quốc hội.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy cũng đề cập các sai sót trong một số cuốn sách giáo khoa và khả năng thiếu sách giáo khoa trong năm học sắp tới. 

Bà Thúy cũng dẫn thông tin Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam báo cáo trong buổi làm việc với phó thủ tướng ngày 10-5 rằng tính đến ngày 30-4-2023, tỉ lệ in sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho các khối lớp 4, 8, 11 đạt 79%.

Nhưng thực tế ngày 5-5, nhà xuất bản mới có công văn mời thầu in sách giáo khoa lớp 4, lớp 8 và lớp 11 để nhập các kho sách ở Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng và Cần Thơ. Thời gian mở thầu là 9h ngày 21-5. "Có nghĩa là số lượng 79% sách giáo khoa mà nhà xuất bản báo cáo phó thủ tướng đã được in trước khi đấu thầu?", bà Thúy đặt câu hỏi.

Cảnh báo thiếu minh bạch việc chọn sách giáo khoa - Ảnh 2.

Giáo viên Trường tiểu học Lý Cảnh Hớn, quận 5, TP.HCM tập huấn sách giáo khoa lớp 4 theo chương trình mới - Ảnh: NHƯ HÙNG

Nhà xuất bản Giáo Dục nói gì?

Hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa trực tiếp trả lời về chất vấn nêu trên của đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy.

Trong khi đó, trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 1-6, đại diện Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam cho biết trong báo cáo của nhà xuất bản gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nêu rõ: Hiện sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông 2006 (lớp 5, 9, 12) đã triển khai in 86% sản lượng theo kế hoạch, đã nhập kho đạt 65%. 

Đối với sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 (lớp 1, 2, 3, 6, 7, 10) đã triển khai in 81% sản lượng theo kế hoạch, đã nhập kho đạt 36%.

Riêng sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 (lớp 4, 8, 11), để kịp tiến độ in, có sách giáo khoa trước khai giảng phục vụ năm học 2023 - 2024, Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam dự kiến in khoảng 51,41 triệu bản. 

Trong đó đang triển khai lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ in rộng rãi (tổ chức đấu thầu) với số lượng tương ứng 79% kế hoạch in dự kiến.

Trong trả lời báo chí trước đó, Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam cũng nêu khó khăn về sự chậm trễ công bố kết quả chọn sách của các địa phương dẫn tới việc thông báo số lượng sách đăng ký nhà xuất bản cũng chậm so với dự kiến. Cụ thể tới giữa tháng 5-2023 mới chỉ có 37/63 tỉnh, thành phố công bố kết quả chọn sách.

Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam dự kiến sẽ cung ứng sách giáo khoa lớp 4, 8, 11 từ 15-6. Nhà xuất bản này cũng cung cấp đường dây nóng (số điện thoại 0344181018) hoạt động từ 8h-22h hằng ngày trong khoảng thời gian từ đầu tháng 5 đến hết ngày 30-9-2023, kể cả thứ bảy, chủ nhật và ngày lễ để hỗ trợ phụ huynh, học sinh mua sách giáo khoa mới.

"Không có việc gợi ý, định hướng"

Hà Nội là một trong những địa phương hoàn tất việc chọn sách giáo khoa mới lớp 4, 8, 11. Trước đó, hàng chục ngàn giáo viên được tiếp cận sách giáo khoa mới và tổ chức nghiên cứu, thảo luận, tập hợp ý kiến lên hội đồng chọn sách cấp thành phố. 

Ông Phạm Xuân Tiến - phó chủ tịch hội đồng chọn sách giáo khoa lớp 4, 8, 11 của Hà Nội - khẳng định việc lựa chọn sách giáo khoa mới xuất phát từ cơ sở, theo đúng quy trình hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, không có việc định hướng, gợi ý từ trên xuống các nhà trường.

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 1-6, hiệu trưởng một trường THPT quận Tây Hồ (Hà Nội) cũng cho biết kết quả lựa chọn sách của thành phố cũng khớp với đề xuất của trường: "Chúng tôi triển khai cho giáo viên nghiên cứu độc lập và có ý kiến trong tổ chuyên môn. 

Nhà trường tập hợp ý kiến chuyển lên hội đồng. Về cơ bản, tôi thấy ý kiến của giáo viên và trường đã được tôn trọng". Hiệu trưởng một trường THPT khác ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) cũng cho biết việc chọn sách mới năm nay tôn trọng ý kiến từ các trường.

Cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt - hiệu trưởng Trường tiểu học Núi Thành (Đà Nẵng) - cho biết từ tháng 2-2023 trường đã nhận sách giáo khoa từ Phòng Giáo dục và Đào tạo. Có hai nhà xuất bản với ba đầu sách Kết nối tri thức với cuộc sống, Chân trời sáng tạo và Cánh diều.

Theo cô Nguyệt, trường xây dựng kế hoạch lập tổ chuyên môn đọc và nghiên cứu chuyên sâu, đề xuất lựa chọn sách giáo khoa. Tổ gồm nhiều nhóm (nhóm tiếng Việt, toán...) được ấn định thời gian đọc, nghiên cứu, tổng hợp biểu mẫu nhận xét ưu điểm, nhược điểm. 

Sau đó họp từng nhóm, họp tổ và tiến hành bỏ phiếu, chốt phương án lựa chọn sách, nộp cho ban giám hiệu. Mỗi môn chỉ chọn một đầu sách. "Quá trình hoạt động của các tổ, nhóm không có sự can thiệp của ban giám hiệu. Tránh gợi ý, lựa chọn", cô Nguyệt cho biết thêm.

Giáo viên một Trường THCS ở Đà Nẵng: Vẫn có sự "lệch pha"

Tôi cũng được lấy ý kiến để lựa chọn sách giáo khoa mới. Tổ trưởng sẽ đưa một biểu mẫu (có các đầu sách khác nhau) cho các giáo viên để có ý kiến góp ý lựa chọn.

Tuy nhiên, tôi thấy vẫn có sự "lệch pha". Có thể một giáo viên thích đầu sách này hơn vì dễ hiểu, gần gũi, học sinh dễ tiếp cận nhưng khi được lựa chọn thì lại là đầu sách khác.

TP.HCM: "Lúc đầu cứ nghĩ là thủ tục cho có"

Cô Ngọc Tâm - giáo viên môn toán ở một trường THCS thuộc vùng ven TP.HCM - cho biết: "Lúc đầu, tôi cứ nghĩ việc giáo viên nghiên cứu sách giáo khoa rồi tiến hành bỏ phiếu, thống nhất chọn một bộ sách ở trường mình chỉ là một thủ tục để có văn bản gửi lên cấp trên. Năm nay, trường chúng tôi chọn sách giáo khoa toán 8 của nhóm tác giả không phải ở TP.HCM.

Chúng tôi bảo nhau ý kiến mình như thế nào thì cứ viết vào văn bản như thế nhưng chắc hội đồng chọn sách giáo khoa cấp thành phố không quan tâm. Chắc chắn họ sẽ chọn bộ sách giáo khoa Chân trời sáng tạo vì nhóm tác giả bộ sách này phần lớn là các nhà giáo ở TP.HCM.

Tuy nhiên, kết quả khá bất ngờ khi bộ sách trường chúng tôi chọn có tên trong danh mục sách giáo khoa chính thức của TP.HCM, bên cạnh các bộ sách giáo khoa khác. Điều này khiến chúng tôi tin tưởng hơn vào sự khách quan trong việc chọn lựa sách giáo khoa của thành phố".

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM thông tin: "Hội đồng chọn sách giáo khoa cấp thành phố sẽ chọn lựa, biểu quyết trên cơ sở kết quả chọn lựa sách giáo khoa ở các đơn vị. Do đó, có đầu sách chúng tôi chỉ bỏ phiếu chọn một bộ sách nhưng có đầu sách chúng tôi chọn hai bộ hoặc chọn tất cả các bộ sách mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thẩm định và phê duyệt.

Ví dụ môn tiếng Anh 4 năm nay TP.HCM chọn cả ba bộ sách của ba nhóm tác giả khác nhau để đưa vào danh mục chính thức. Sau đó, các trường tiểu học sẽ chọn bộ sách phù hợp nhất với điều kiện, hoàn cảnh, năng lực của học sinh trường mình".

H.HG.

Cảnh báo thiếu minh bạch việc chọn sách giáo khoa - Ảnh 6.

Học sinh ở Đà Nẵng tham khảo sách tại một nhà sách - Ảnh: Đ.C.

Đại biểu NGUYỄN THỊ VIỆT NGA (ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục):

Chống "đi đêm" chọn sách giáo khoa

Việc thành lập hội đồng hai cấp như hiện nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo muốn có sự chặt chẽ trong lựa chọn sách giáo khoa, tránh chọn ẩu. Song phải khẳng định, tất cả các bộ sách giáo khoa được xuất bản đều được Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định kỹ càng về nội dung, hình thức, đủ tiêu chuẩn đưa vào giảng dạy tại các trường phổ thông. Do đó, việc chọn sách giáo khoa để đảm bảo phù hợp với đặc thù vùng miền, giáo viên, học sinh trong cơ sở giáo dục chứ không phải bộ sách nào đủ hay không đủ tiêu chuẩn.

Thông tư 25 của Bộ Giáo dục và Đào tạo trao quyền cho cơ sở giáo dục được tự chọn sách giáo khoa bởi học sinh cùng một địa bàn nhưng giữa trường này với trường kia lại có sự khác nhau. Ngay trong địa bàn huyện thôi thì giữa trường này với trường kia đã khác.

Tuy nhiên, có hiện tượng xảy ra là cơ sở giáo dục đã lập hội đồng đúng quy định gồm giáo viên, phụ huynh... và lựa chọn sách giáo khoa rất kỹ lưỡng. Nhưng khi đưa lên hội đồng cấp trên (cấp tỉnh) có thể không được phê duyệt hay chọn bộ này lại ra bộ sách giáo khoa khác. Thậm chí không có cả lời giải thích tại sao lại có sự lựa chọn của hội đồng cấp tỉnh.

Điều này dẫn đến việc phủ nhận sạch trơn của hội đồng cấp trên với cấp dưới và dẫn đến lãng phí thời gian, công sức. Thêm vào đó, hội đồng của tỉnh chưa chắc đã am hiểu học sinh trong trường bằng hội đồng của cơ sở. Và nhiều người cũng đặt câu hỏi: vậy cho hội đồng cơ sở chọn làm gì?

Từ thực tế này, tôi đề nghị vẫn giao quyền chọn sách giáo khoa cho hội đồng trường, còn với hội đồng cấp tỉnh chỉ có trách nhiệm xem xét lại và giám sát về quy trình đã đảm bảo hay chưa. Còn không nên để cho hội đồng này chọn độc lập rồi lại đưa ra kết quả không giống nhau, gây lộn xộn, ức chế cho hội đồng cấp dưới.

Bên cạnh đó, cả nước có rất nhiều hội đồng cấp trường, trong khi chỉ có 63 hội đồng cấp tỉnh. Nên việc cho phép hội đồng cấp trường được lựa chọn trực tiếp sách giáo khoa sẽ giúp hạn chế tối đa được vấn các nhà xuất bản, công ty có thể "đi đêm" với hội đồng cấp tỉnh để lựa chọn bộ sách của mình. Đó là điều rất quan trọng nhất.

Đại biểu ĐỒNG NGỌC BA (Bình Định):

Kiểm soát tính hợp lý của văn bản dưới luật

Bất cập về quy định chọn lựa sách giáo khoa trong thông tư 25 mà đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy nêu là ví dụ cho thấy việc kiểm soát tính hợp lý của các văn bản dưới luật còn yếu. Nhiều đại biểu cũng đã chỉ ra bất cập ở các quy định về phòng cháy chữa cháy và đăng kiểm. Thực tế, các văn bản của trung ương, của Chính phủ và các bộ có sự thay đổi hằng năm rất lớn.

Hằng năm, Chính phủ, các bộ ban hành hàng trăm nghị định, thông tư. Hiện nay khâu tiền kiểm như soạn thảo, thẩm định để ban hành tương đối hoàn thiện, nhưng phần hậu kiểm còn rất nhiều vấn đề. Trong đó mới hậu kiểm tương đối tốt về tính pháp lý, còn kiểm soát về tính hợp lý đang yếu.

Lấy ví dụ như thông tư 25, quy định như đại biểu Thúy nêu không trái luật nhưng tính hợp lý khi thực thi có bất cập cần phải xem xét để điều chỉnh phù hợp. Muốn vậy, thời gian tới, về thể chế, Chính phủ cần xác định trọng tâm trong nhiệm vụ kiểm soát các văn bản quy phạm pháp luật dưới luật, đặc biệt là văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng và thông tư của các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ.

Đại biểu PHẠM VĂN HÒA (Đồng Tháp):

Cần lập đoàn thanh tra, kiểm tra

Trước ý kiến của đại biểu Quốc hội nêu tại hội trường về những bất cập trong vấn đề chọn sách giáo khoa cũng như hiện tượng có dấu hiệu tiêu cực thì Bộ Giáo dục và Đào tạo với vai trò là cơ quan quản lý cần tiếp thu.

Đồng thời, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên lập các đoàn tiến hành thanh tra, kiểm tra tại các địa phương để xác định xem có hay không việc chuyện "đi đêm" trong lựa chọn sách giáo khoa mà đại biểu nêu. Đồng thời, nếu phát hiện bất cập thì cần kịp thời sửa đổi các quy định và xử lý nghiêm các cán bộ vi phạm.

Sách giáo khoa là vấn đề lớn, được rất nhiều người dân theo dõi, quan tâm nên việc có những động thái nói trên sẽ giúp làm trong sạch ngành giáo dục và trả lời rõ những nghi vấn mà cử tri cả nước đặt ra lâu nay.

T.LONG - T.CHUNG ghi

Ngăn chặn lợi ích nhóm trong biên soạn sách giáo khoaNgăn chặn lợi ích nhóm trong biên soạn sách giáo khoa

Ngăn chặn lợi ích nhóm ra sao? Để nâng cao chất lượng giáo dục, nghị quyết số 88 năm 2014 của Quốc hội và Luật Giáo dục đã quy định xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa, có nhiều sách giáo khoa cho mỗi môn học.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên