Sở Y tế TP.HCM vừa dự báo số ca mắc bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết sẽ tiếp tục tăng trong những tuần tới, và có thể kéo dài nếu không quyết liệt có các biện pháp dự phòng bệnh.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online chiều 10-7, PGS Phạm Văn Quang - trưởng khoa hồi sức tích cực chống độc Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) - cho biết hiện khoa đang điều trị 11 bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng nặng (độ 3, độ 4), trong đó 5 bé thở máy.
Ngoài ra, khoa cũng đang điều trị 2 bệnh nhi sốc sốt xuất huyết Dengue nặng.
Với số lượng bệnh nhi nặng trên, PGS Quang cho hay khoa vẫn đủ năng lực cứu chữa, điều trị dù rất căng thẳng. Nếu trẻ mắc hai loại bệnh này tiếp tục tăng, có thể làm quá tải hệ thống y tế.
"Tháng 7 này là cao điểm của bệnh tay chân miệng, đồng thời tháng 7-8 cũng thường là dịch sốt xuất huyết Dengue tăng do mưa nhiều. Cả hai dịch bệnh này đều tăng sẽ gây quá tải hệ thống y tế", PGS Quang nêu ý kiến.
Còn tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, bác sĩ Bùi Hoàng Chương - phó trưởng phòng kế hoạch tổng hợp - cho hay hiện bệnh viện đang điều trị 29 bệnh nhân (cả trẻ em và người lớn) mắc sốt xuất huyết, trong đó có 4 ca bệnh nặng.
Với bệnh tay chân miệng thì bệnh viện đang điều trị 34 trẻ, trong đó có 1 ca bệnh nặng.
So với trung bình tháng trước, thì số ca hiện nay đã tăng nhanh và ghi nhận có ca bệnh nặng. Theo đó, tháng 6, tổng số ca bệnh sốt xuất huyết được bệnh viện tiếp nhận là 161 ca, còn tay chân miệng là 73 ca. Không ghi nhận ca nặng ở cả hai bệnh.
Trước dự báo tình hình dịch bệnh sẽ gia tăng, Sở Y tế TP.HCM cho hay ngành y tế đã chủ động triển khai hàng loạt biện pháp phòng chống dịch bệnh ngay từ tháng 5 và tập trung nhiều hoạt động trong tháng 6.
Đồng thời, Sở Y tế TP.HCM đã xây dựng kịch bản ứng phó dịch bệnh tay chân miệng gồm 3 cấp độ, thực hiện phân tầng điều trị với tầng cuối là các bệnh viện chuyên khoa nhi và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới.
Bên cạnh đó, TP cũng thành lập tổ chuyên gia điều trị bệnh tay chân miệng nhằm tăng cường công tác hội chẩn các ca nặng cần chuyển tuyến, hoặc ca khó với các đơn vị trong TP và các tỉnh, thành phía Nam để đảm bảo công tác chuyển viện an toàn.
Với bệnh sốt xuất huyết, tiếp tục vận dụng mô hình phân tầng vào công tác thu dung điều trị bệnh. Đồng thời tăng cường duy trì hoạt động tổ chuyên gia điều trị sốt xuất huyết Dengue của Sở Y tế và tiếp tục triển khai quy trình báo động đỏ.
Chú ý dấu hiệu nặng bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết
PGS Phạm Văn Quang khuyến cáo phụ huynh cần chú ý là bệnh tay chân miệng đang vào mùa và tăng cao, đặc biệt có sự xuất hiện của EV71 - tác nhân thường gây bệnh tay chân miệng nặng, nguy cơ tử vong cao. Vì vậy bệnh nhi tay chân miệng cần được chẩn đoán sớm, theo dõi sát và điều trị kịp thời.
Khi bệnh nhi có loét họng, xuất hiện hồng ban, bóng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, mông, đầu gối… cần đến khám tại cơ sở y tế để được chẩn đoán.
Các dấu hiệu nặng của bệnh tay chân miệng cần chú ý như sốt cao liên tục, khó hạ, sốt trên 2 ngày, nôn ói nhiều, giật mình chới với, run chi, đi đứng loạng choạng, tay chân lạnh, vã mồ hôi, li bì, thở mệt… Khi có các dấu hiệu này cần đưa bệnh nhi đến ngay bệnh viện để được cấp cứu kịp thời.
Với bệnh sốt xuất huyết, phụ huynh phải nghĩ đến bệnh này khi trẻ bị sốt từ 3 ngày trở lên, nhất là khi có kèm các dấu hiệu xuất huyết (chảy máu mũi, máu răng, chấm xuất huyết...), đau bụng, nôn ói nhiều. Cần nhanh chóng đưa trẻ đến khám ngay tại các cơ sở y tế để được xác định chẩn đoán và điều trị thích hợp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận