Tại Việt Nam, đi đôi với tỉ lệ suy dinh dưỡng còn cao thì tỉ lệ người bị béo phì cũng tăng một cách nhanh chóng. Đặc biệt là ở trẻ em. Đó là một điều rất đáng lo ngại vì trẻ em béo phì sẽ có nguy cơ trở thành người lớn béo phì, có nghĩa là một tương lai bệnh tật đang chờ đón các bé. Chính vì vậy, phòng và điều trị thừa cân-béo phì từ thời trẻ là rất cần thiết và cấp bách.
Thừa cân là hiện tượng cân nặng cao hơn mức cân nặng nên có tương ứng với chiều cao.
Béo phì là sự tích tụ bất thường và quá mức khối mỡ tại mô mỡ và các tổ chức khác ảnh hưởng tới sức khỏe.
Cách phát hiện trẻ bị thừa cân-béo phì
Đánh giá béo phì sớm và đơn giản nhất là theo dõi biểu đồ tăng trưởng và chỉ số cân nặng theo chiều cao (CN/CC), chỉ số khối cơ thể (BMI) theo tuổi.
Biểu đồ tăng trưởng: cân và đo chiều cao trẻ hàng tháng khi trẻ dưới 12 tháng tuổi, mỗi 2 tháng khi trẻ 12 tới 24 tháng tuổi. Những trẻ tăng cân nhanh và cân nặng vượt quá đường cao nhất của biểu đồ thì có nguy cơ béo phì.
Cân nặng theo chiều cao hoặc BMI theo tuổi (việc này cần các bác sĩ chuyên khoa dinh dưỡng thực hiện và xác định):
Với trẻ trên 2 tuổi, tốt nhất là sử dụng chỉ số cân nặng/chiều cao (CN/CC) hoặc BMI theo tuổi để đánh giá thừa cân-béo phì. Do đó, trẻ em thừa cân và béo phì khi CN/CC lớn hơn + 2SD(*) hoặc BMI theo tuổi lớn hơn 85%.
(*): SD là viết tắt của từ Standard Deviation, tức là sự lệch chuẩn. Ngoài mức chuẩn, WHO đánh dấu các mức lệch chuẩn theo cấp độ từ 1 đến 3; dấu (-) là thiếu cân và dấu (+) là thừa cân. Tuy nhiên, khoảng dao động từ -1SD đến +1SD được xem là phát triển bình thường, -2SD và +2SD là có nguy cơ thiếu hoặc thừa cân; -3SD và +3SD là suy dinh dưỡng hoặc béo phì, cần có biện pháp can thiệp. Để biết chính xác hơn về tình trạng phát triển của bé thì phải đối chiếu cân nặng với chiều cao cũng như tính BMI xem có cân đối hay không.
Nguyên nhân dẫn tới thừa cân-béo phì
Loại trừ nguyên nhân bệnh tật (chiếm 10%) thì nguyên nhân chính của thừa cân-béo phì là năng lượng ăn vào nhiều hơn năng lượng tiêu hao.
Nguyên nhân đưa tới tình trạng này có thể do di truyền - là người béo phì có lượng leptin ít hơn người bình thường nên ăn nhiều hơn và ít Protein đặc biệt -Uncoupling protein - nên ít đốt cháy năng lượng hơn; hoặc do môi trường - môi trường có nhiều thức ăn năng lượng cao như nhiều chất béo, nhiều chất ngọt, ăn nhanh, ăn nhiều và ít hoạt động thể lực (ví dụ: do điều kiện không gian chật hẹp trẻ không có nơi vui chơi; hoặc do điều kiện sống hiện nay phát triển theo hướng công nghệ cao làm cho trẻ lười vận động, chủ yếu xem tivi, chơi vi tính cũng như tiếp cận với nhiều vật dụng công nghệ cao như ipad, điện thoại di động…) làm trẻ dễ thừa cân, béo phì hơn.
Những hậu quả đang chờ trẻ em béo phì
Trẻ em bị béo phì cũng có nguy cơ của các bệnh giống như người lớn nhưng có nguy cơ nặng hơn vì thời gian bệnh kéo dài và ảnh hưởng tới nội tiết và yếu tố tinh thần; trong đó, phải kể đến các hậu quả:
- Ảnh hưởng tâm lí xã hội
Trẻ bị béo phì lúc nhỏ thường kéo dài cho đến hết thời gian thiếu niên, có chức năng tâm lí xã hội kém, giảm thành công trong học tập và thường không khỏe mạnh.
- Các yếu tố nguy cơ bệnh tim mạch
Rối loạn lipid máu, tăng huyết áp và kháng insulin thường thấy ở trẻ em béo phì và rối loạn lipid máu xuất hiện liên quan tới tăng tích lũy mỡ trong ổ bụng. Những rối loạn lipid máu, huyết áp và insulin máu ở trẻ em sẽ kéo dài đến thời kì thanh niên.
- Biến chứng gan
Các biến chứng gan ở trẻ em béo phì đã được ghi nhận, đặc biệt đặc tính nhiễm mỡ gan và triệu chứng tăng men gan (transaminase huyết thanh). Các bất thường men gan cũng có thể liên quan với bệnh sỏi mật, nhưng bệnh này thường hiếm gặp ở trẻ em và thanh thiếu niên.
- Các biến chứng về giải phẫu, xương khớp
Trẻ em bị béo phì có thể bị các biến chứng về mặt giải phẫu. Nghiêm trọng là bệnh Blount (một dị dạng xương chày do phát triển quá mạnh), dễ bị bong gân mắt cá chân.
- Các biến chứng khác
Nghẽn thở khi ngủ và bệnh giả u não. Nghẽn thở khi ngủ có thể gây chứng thở quá chậm và thậm chí ở những trường hợp nặng có thể gây tử vong. Bệnh giả u não là một bệnh hiếm gặp liên quan đến tăng áp suất trong sọ não, đòi hỏi cần phải đi khám ngay.
Điều trị béo phì ở trẻ em
Nguyên tắc chung là giảm năng lượng ăn vào và tăng năng lượng tiêu hao, nhưng trẻ em là một cơ thể đang phát triển nên việc điều trị phải hết sức chuyên nghiệp để không thiếu chất dinh dưỡng ảnh hưởng tới sự phát triển thể chất và trí tuệ của trẻ.
Mục tiêu điều trị béo phì của trẻ không phải chỉ là giảm cân. Trái lại nếu giảm cân không đúng sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ. Tùy theo tình trạng sức khỏe, bệnh tật của trẻ mà có những mục tiêu điều trị khác nhau. Thứ tự ưu tiên như sau:
- Mục tiêu quan trọng nhất là thay đổi hành vi về ăn uống và tăng cường lối sống năng động.
- Mục tiêu tiếp là điều trị những biến chứng (nếu có).
- Mục tiêu sau cùng mới là giảm cân và chỉ phải giảm cân đối với: các trẻ lớn hơn 2 tuổi bị béo phì có biến chứng (với chỉ số BMI<85th percentile) và trẻ lớn hơn 7 tuổi béo phì nặng (với chỉ số BMI>95th percentile hoặc CN/CC>140%). Tốc độ giảm cân thích hợp là khoảng 500g mỗi tháng. Các trường hợp còn lại mục tiêu cân nặng là duy trì cân nặng hiện tại của trẻ, chờ BMI giảm khi trẻ cao lên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận