Trao đổi với Tuổi Trẻ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên - giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai - cho hay những ca ngộ độc này chủ yếu là những hóa chất có nguồn gốc nước ngoài, bên ngoài không có tiếng Việt mà hầu hết là tiếng Nhật, Trung, Hàn.
"Thậm chí khi dịch ra tiếng Việt, các bác sĩ vẫn không rõ bên trong hóa chất này chính xác chứa chất gì để có phác đồ điều trị phù hợp nhất", bác sĩ Nguyên nói.
Mới đây, nam bệnh nhân N.V.S. (51 tuổi, trú tại Hà Nội) nhập viện trong tình trạng nguy kịch sau khi uống hóa chất có nhãn dán tẩy xi măng, vôi, cặn bề mặt trong xây dựng. Ông S. bị tổn thương nặng dạ dày, thực quản bị hoại tử.
"Người nhà mang can hóa chất này lên nhưng trên bao bì đều không có bất kỳ thông tin gì về thành phần hóa chất, khiến việc xác định chất gây ngộ độc ban đầu khó khăn", bác sĩ Nguyên nói.
Hay mới đây một bệnh nhi 3 tuổi (trú tỉnh Quảng Ninh) cấp cứu tại Trung tâm Y tế thành phố Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) trong tình trạng bỏng toàn bộ kết mạc, giác mạc do hóa chất tẩy rửa. Theo lời kể của người nhà, trong lúc chơi đùa, người anh đã lấy chai tẩy rửa đa năng xịt vào mặt em. Kết mạc, giác mạc bên phải bỏng toàn bộ.
Theo các bác sĩ, đa số ca ngộ độc hóa chất ăn mòn xảy ra ở trẻ nhỏ hoặc người lớn sử dụng các sản phẩm không an toàn. Những hóa chất ăn mòn này thường ở dạng chất rắn hoặc lỏng, là các chất tẩy rửa.
"Đáng nói, hiện nay nhiều người lựa chọn các loại hóa chất gia dụng là hàng 'xách tay' hoặc trôi nổi, sản phẩm không có thành phần, khuyến cáo hoặc chỉ có tiếng nước ngoài. Nhiều người sử dụng nhầm dẫn tới ngộ độc, gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
Cách tốt nhất để phòng tránh ngộ độc hóa chất là người dân cần lựa chọn các sản phẩm có kèm nhãn tiếng Việt, rõ nguồn gốc xuất xứ, thành phần... Khi tiếp xúc với các loại hóa chất cần phương tiện bảo hộ, đeo găng tay, khẩu trang.
Ngoài ra, tuyệt đối không để hóa chất trong các chai nước uống, lọ thuốc... dễ gây nhầm lẫn, uống nhầm", bác sĩ Nguyên khuyến cáo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận