VN đang đối diện nhiều khó khăn trong việc bảo vệ, nghiên cứu, bảo tồn... di sản văn hóa dưới nước. Trong ảnh: khai quật cổ vật dưới nước ở vùng biển Quảng Ngãi - Ảnh: V.Hùng |
Đó là ý kiến của PGS.TS Nguyễn Giang Hải - viện trưởng Viện Khảo cổ học - tại hội thảo “Khảo cổ học dưới nước ở Việt Nam và Ðông Nam Á: hợp tác để phát triển” do Viện hàn lâm Khoa học xã hội VN và UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức ngày 15-10.
PGS.TS Nguyễn Giang Hải cho hay tại VN cho đến nay có sáu con tàu đắm đã được khai quật, đóng góp những giá trị vô cùng quan trọng vào việc nghiên cứu con đường gốm sứ trên biển Ðông trong nhiều thế kỷ trước.
170 đại biểu, trong đó có 48 nhà khoa học, nhà nghiên cứu nước ngoài đã tham dự hội thảo |
Ông Hải cho biết đến trước tháng 7-2013, VN vẫn chưa có một đơn vị nghiên cứu nào và thiếu đội ngũ chuyên gia nghiên cứu về khảo cổ học biển.
Bên cạnh đó, hành lang để bảo vệ di sản văn hóa dưới nước chưa đủ mạnh.
Ông Hải cũng cảnh báo nạn ăn cắp cổ vật từ những con tàu đắm và phá hoại di sản văn hóa biển vẫn hết sức nghiêm trọng. Nó đã, đang kéo dài và vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu cụ thể nào để ngăn chặn tình trạng này.
Ông dẫn chứng: hầu hết những con tàu đắm ở vùng biển VN đều do ngư dân địa phương phát hiện. Do vậy họ thường tiến hành đánh cắp cổ vật trên tàu trước khi thông báo cơ quan có thẩm quyền.
Chẳng hạn con tàu ở Cà Mau khi được tiến hành khai quật, hơn 130.000 hiện vật đã bị ngư dân đánh cắp hoặc tàu cổ Cù Lao Chàm cũng ở tình trạng như vậy.
Một vấn đề nữa được hội thảo đặt ra là thiếu kinh phí điều tra, nghiên cứu, khảo sát, khai quật các di sản văn hóa biển.
Các cuộc khai quật tàu đắm ở VN phần lớn dưới hình thức xã hội hóa, việc “góp vốn đầu tư” sẽ được trả bằng sự phân chia số lượng cổ vật thu được.
Ðiều này làm tình trạng “chảy máu cổ vật” ở nước ta ngày càng thêm trầm trọng. Ở VN, người ta nhìn nhận các di tích tàu đắm dưới góc độ kinh tế hơn là văn hóa.
Các cuộc khai quật khảo cổ học tàu đắm đến nay chỉ có tính chất trục vớt cổ vật; công tác nghiên cứu, bảo tồn, phát huy giá trị di tích chưa được chú trọng.
Nằm trong ban chủ trì hội thảo, PGS Mark Staniforth, Trường ÐH Flinders (Úc), cho rằng VN có đường bờ biển dài hơn 3.000km, hoạt động đi biển diễn ra trên 2.000 năm và nằm ở trung tâm khu vực Ðông Nam Á, trên “Con đường tơ lụa trên biển Ðông” nhưng lại hạn chế bởi số lượng khảo sát khảo cổ học dưới nước, được tiến hành còn ít so với tiềm năng còn rất lớn.
Vị chuyên gia khảo cổ di sản văn hóa dưới nước nhấn mạnh: để ngăn chặn tình trạng trộm cắp, phá cổ vật, trước hết cần trang bị trang thiết bị, đào tạo lực lượng chức năng để phát triển ngành khảo cổ học dưới nước. Và việc quản lý di sản dưới nước cần gắn với giáo dục và tăng cường sự tham gia của cộng đồng.
GS.TS Nguyễn Xuân Thắng - chủ tịch Viện hàn lâm Khoa học xã hội VN - cho biết viện đang chỉ đạo Viện Khảo cổ học xây dựng đề án phát triển khảo cổ học dưới nước để trình Thủ tướng Chính phủ.
6 con tàu đắm đã được khai quật 1. Con tàu dài 32,7m, rộng 9m cùng hàng nghìn hiện vật, chủ yếu là đồ gốm sứ, được khai quật ở biển Vũng Tàu năm 1991. 2. Con tàu đắm ở đảo Phú Quốc (Kiên Giang) dài khoảng 30m, rộng 7m với 16.000 hiện vật đồ gốm sứ men ngọc và men nâu thế kỷ 15. 3. Con tàu được khai quật ở Cà Mau năm 1999 có hơn 60.000 hiện vật, chủ yếu đồ gốm hoa lam, đồ gốm men. 4. Con tàu ở vùng biển Cù Lao Chàm (TP Hội An, Quảng Nam) dài gần 30m, rộng 7,2m, được khai quật từ năm 1997-1999, có 240.000 hiện vật đồ gốm men, đồ sành, kim loại, đồ gỗ, đồ đá. 5. Con tàu tại vùng biển Bình Thuận được khai quật năm 2002 có đến 25 khoang cùng hơn 60.000 hiện vật. 6. Con tàu cổ ở xã Bình Châu (Quảng Ngãi) được khai quật tháng 6-2013, thu được 274 thùng gốm sứ với các dòng gốm men nâu, men ngọc, đồ sứ hoa lam, sứ men trắng xanh... có niên đại khoảng thế kỷ 13. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận