Dẫn trường hợp một phụ nữ ở Mỹ tử vong vì một bệnh nhiễm trùng kháng các loại kháng sinh vừa qua, Giáo sư Jones cho rằng đây có thể là sự báo hiệu về một kỷ nguyên "hậu thuốc kháng sinh", trong đó tình trạng kháng kháng sinh lan rộng. Điều này có nghĩa là các bệnh thông thường sẽ không thể điều trị được.
Theo Giáo sư Jones, kịch bản này nếu xảy ra sẽ tác động tới mọi lĩnh vực y tế. Cụ thể như những bệnh lây nhiễm đơn giản ở trẻ em có thể đe dọa tới tính mạng; một cuộc đại phẫu đồng nghĩa với tỉ lệ tử vong cao; các phương pháp hóa trị ung thư và cấy ghép nội tạng sẽ khó có thể thực hiện được nữa.
Mặc dù Chính phủ Liên bang Australia đang ban hành các biện pháp nhằm hạn chế sử dụng thuốc kháng sinh ở nước này nhưng Giáo sư Jones cho rằng Australia cần nỗ lực hơn nữa trong việc giám sát "siêu khuẩn", một loại siêu vi khuẩn lây lan có khả năng kháng lại hoàn toàn các loại thuốc kháng sinh. "Siêu khuẩn" được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) coi là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với sức khỏe cộng đồng.
Trong bối cảnh Australia nằm trong số những nước có tỉ lệ sử dụng thuốc kháng sinh cao nhất thế giới, Giáo sư Jones lưu ý rằng Chính phủ Australia cần phải dành ưu tiên hàng đầu trong việc đề ra một loạt hành động xác thực nhằm chống lại từng yếu tố gây ra tình trạng kháng thuốc kháng sinh, đồng thời cần phối hợp đồng bộ giữa nông nghiệp với chăm sóc sức khoẻ con người và động vật.
Hiệp hội Y học Australia đã kêu gọi thành lập Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh quốc gia Australia tương tự Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận