Lấy máu xét nghiệm cho bệnh nhi tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) - Ảnh: X.MAI
Trong những tuần gần đây, sốt xuất huyết và tay chân miệng đang gia tăng ở khu vực phía Nam, trong khi phía Bắc chuẩn bị vào "mùa" viêm não Nhật Bản B.
Sốt xuất huyết, tay chân miệng "đứng top"
Tại TP.HCM, bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng "đứng top" với số lượng trẻ mắc gia tăng và chưa có dấu hiệu giảm. Theo BS Lê Hồng Nga - phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP, riêng sốt xuất huyết đã có nhiều bệnh nhi nhập viện, trong đó có nhiều ca bệnh nặng, cơ hội sống 50% đã được cứu sống, nhưng đã có bệnh nhi chuyển nặng và không qua khỏi.
BS Nguyễn Cát Phương Vũ (Bệnh viện Nhi đồng thành phố, TP.HCM) cho biết nhóm bệnh mà trẻ nhỏ dễ mắc trong thời điểm hiện nay gồm: viêm đường hô hấp trên và dưới, nôn ói, tiêu chảy, đau bụng, tay chân miệng, sốt xuất huyết, mày đay, dị ứng, chàm da, hậu COVID-19…
Tại Bệnh viện Nhi đồng 2, BS Nguyễn Đình Qui - phó trưởng khoa nhiễm - cho biết trong 4 tháng đầu năm 2022, số ca sốt xuất huyết đến khám tại bệnh viện là 2.006 ca (tăng 40% so với cùng kỳ năm 2021), số ca phải nhập viện là 901 ca (tăng 15% so với cùng kỳ năm 2021), trong đó có 154 ca nặng cần cấp cứu (chiếm tỉ lệ 17% số ca nhập viện) và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Dọn dẹp môi trường chống muỗi
Trước tình trạng số ca sốt xuất huyết nhập viện tăng mạnh, ca nặng gia tăng đáng kể so với các năm trước, theo BS Qui, ngành y tế phải kịp thời cung ứng đủ các phương tiện máy móc, dịch truyền, thuốc men. Đặc biệt cần tăng cường nhân lực phòng chống dịch sốt xuất huyết. "Các đơn vị y tế dự phòng tuyên truyền cho người dân, giúp họ có biện pháp phòng ngừa bệnh ngay lúc này là cực kỳ quan trọng" - BS Qui nói.
Thời gian gần đây, Sở Y tế TP.HCM đã tổ chức đoàn giám sát hỗ trợ một số quận huyện có số ca mắc sốt xuất huyết tăng cao như huyện Bình Chánh, quận Bình Tân... Qua đó phát hiện còn nhiều vật chứa nước dễ phát sinh lăng quăng gây dịch sốt xuất huyết như vỏ xe ôtô cũ, ly nhựa đã sử dụng, thùng rác không nắp đậy… ở khu vực đông người. Sắp tới, Sở Y tế sẽ tiếp tục kiểm tra, giám sát những quận, huyện nguy cơ cao.
Để hạn chế trẻ chuyển nặng khi mắc các bệnh thường gặp ở thời điểm này, BS Phương Vũ lưu ý phụ huynh cần cẩn thận chăm sóc, theo dõi trẻ. Thường trẻ mắc bệnh sẽ có biểu hiện sốt cao, đau họng, biếng ăn, chảy nước miếng nhiều... Khi trẻ có vết hồng ban/bóng nước ở tay, chân, miệng, mông, gối, kèm theo ngủ giật mình, run yếu tay chân… nên chủ động đưa trẻ đến bệnh viện khám sớm và theo dõi sát.
Đối với riêng bệnh sốt xuất huyết, BS Qui khuyến cáo khi trẻ mắc bệnh sốt xuất huyết, phụ huynh vẫn có thể chăm sóc, theo dõi trẻ tại nhà. Nếu trẻ sốt cao liên tục từ 2-3 ngày nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được thăm khám và xem xét chỉ định xét nghiệm chẩn đoán sốt xuất huyết.
Đặc biệt phải đưa trẻ nhập viện ngay khi có các dấu hiệu cảnh báo như: li bì hoặc vật vã, chân tay lạnh và ẩm ướt, đau bụng nhiều, nôn ói liên tục, xuất huyết niêm mạc nhiều, nôn ra máu hoặc tiêu phân đen, nước tiểu có máu…
Sốt xuất huyết Dengue có trở thành đại dịch năm 2022?
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, tính đến ngày 24-4, Việt Nam có tổng cộng 18.599 ca sốt xuất huyết Dengue với 11 trường hợp tử vong. Thống kê tuần lễ gần nhất ghi nhận 1.819 ca sốt xuất huyết Dengue, tăng 10% so với tuần trước đó.
Các chuyên gia dịch tễ cho hay, cứ 4 - 5 năm lại có một đợt dịch sốt xuất huyết Dengue lớn. Năm 2019, Việt Nam đã ghi nhận đợt dịch sốt xuất huyết Dengue với số mắc hơn 300.000 ca, riêng TP.HCM khoảng 65.000 ca, gây nhiều khó khăn cho ngành y tế trong công tác phòng chống dịch.
Nếu theo đúng chu kỳ thì có thể năm 2022 này sẽ bắt đầu một trận dịch sốt xuất huyết Dengue mới. Khi dịch bệnh COVID-19 tạm thời trong tầm kiểm soát, nguy cơ lại có bệnh sốt xuất huyết bùng phát.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận