Trong những căn nhà như thế này, người dân xã Thới Thuận, Bình Đại, Bến Tre vẫn bình chân sinh hoạt trước thông tin bão được phát ngay trước nhà - Ành: SƠN LÂM
Tỉnh Bến Tre đang gấp rút triển khai các biện pháp chuẩn bị phòng tránh, ứng phó bão khẩn cấp. Tuy nhiên theo ghi nhận của phóng viên, nhiều người dân Bến Tre có vẻ vẫn còn khá trước thông tin tâm đang ngấp nghé ngoài khơi chừng 200km và khả năng sẽ đi thẳng qua nơi mình đang sống.
Tại xã Thới Thuận, huyện Bình Đại, một trong những khu vực biển được lãnh đạo tỉnh này quan tâm đặc biệt trong công tác phòng, chống bão, hầu hết sinh hoạt của người dân vẫn diễn ra bình thường.
Xuyên suốt con đường từ thị trấn Bình Đại xuống tới khu vực xã Thới Thuận, chúng tôi không bắt gặp một căn nhà nào được chằng chống. Nhiều nhà vách tôn mỏng manh, với rường cột cũ kỹ vẫn được người dân nơi đây xem như thành quách vững chãi đủ chống chọi với bão.
Và, lần không vào bờ của bão Tempin, siêu bão số 16 vào Biển Đông cuối tháng 12-2017 lại được người dân nhắc, không hề giấu sự chủ quan.
"Có ai chằng nhà chằng cửa gì đâu mà mình phải chằng. Bão tới mà… nguy hiểm thì chạy thôi", bà Nga, một người dân trong căn nhà lợp ngói đã được dựng từ mười mấy năm trước tại xã Thới Thuận, thản nhiên nói.
Thông tin cảnh báo bão được các lực lượng dân quân xã triển khai di động gắp mọi ngã đường, người dân nghe rồi cũng... mặc kệ.
"Năm ngoái, tui cũng chằng chống dữ lắm, mà bão Tempin không vào. Đợt này bão yếu, chắc không sao", anh Tuấn, nhà gần khu vực chợ Thới Thuận, đứng cười trước căn nhà vách tôn của mình.
Thông tin bão được ngành chức năng Bến Tre phát di động đến mọi khu vực có người dân sinh sống - Video: MẬU TRƯỜNG
Đến 18h, căn nhà tránh, trú bão xã Thới Thuận dù đã được chính quyền chuẩn bị sẵn gần 30 tấm chiếu, cũng chỉ mới có 5 hộ dân với hơn 10 người từ các cồn ven biển vào tránh bão.
Có mặt tại khu vực này để kiểm tra tình hình chống bão chiều 24-11, ông Nguyễn Hữu Lập - phó chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre - cho biết đã sơ tán tất cả hộ dân trên các cồn ven biển Thới Thuận.
Ông Lập cho biết đến 16h, toàn tỉnh có hơn 4.100 người sơ tán, hơn 20.300 người dân có nhà ở không an toàn tự di dời đến nhà an toàn trong khu vực để tránh trú bão. Chằng chống gia cố 1.300 căn nhà ở không đảm bảo an toàn.
Đến 17h, các bến phà, bến đò ngang, đò dọc, đò du lịch… cũng đã được lệnh ngưng hoạt động để phòng tránh rủi ro.
"Cơn bão ban đầu dự kiến không đi vào Bến Tre, nhưng từ sáng 23-11, chúng tôi đã lên phương án để chuẩn bị", ông Lập nói.
Theo ông Lập, cơn bão lần này được cảnh báo không nguy hiểm bằng cơn bão Tempin cách đây 1 năm, nên công tác di dời, tránh trú bão có quy mô không bằng so với năm ngoái.
"Người dân chủ yếu tự động sơ tán vào những căn nhà kiên cố hơn và địa phương chủ yếu vận động di dời đối với những vùng xung, có khả năng nguy hiểm khi bão đổ bộ cao. Tuy nhiên, chúng tôi cũng luôn cảnh báo người dân là phải thực sự nghiêm túc chuẩn bị phòng, chống bão. Không vì lần bão Tempin không vào cách đây 1 năm mà chủ quan, để xảy ran guy hiểm", ông Lập nói thêm.
Trực tiếp chỉ huy công tác phòng, chống bão tại huyện Bình Đại trong đêm nay, ông Lập cho biết lực lượng chuyên trách sẽ tiếp tục túc trực, đi kiểm tra thường xuyên những điểm tránh trú bão trong dân, vận động người dân phải luôn nâng cao tinh thần đảm bảo an toàn và sẵn sàng hỗ trợ người dân khi có sự cố xảy ra.
Căn nhà được xây dựng với mục đích tránh, trú bão tại xã Thới Thuận, Bình Đại, Bến Tre chỉ có vài hộ dân đến tránh bão - Ảnh: SƠN LÂM
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận