07/11/2005 05:07 GMT+7

Cảnh báo hóc dị vật ở trẻ em

LÊ THANH HÀ ghi
LÊ THANH HÀ ghi

TT - Nhiều trẻ em bị hóc dị vật là tiền kim loại, hạt trái cây, đầu bút bi... Có trường hợp gia đình không biết cách xử trí khiến trẻ suýt tử vong.

2dR4vFkJ.jpgPhóng to
Những đồng tiền kim loại được lấy ra từ trong cơ thể bệnh nhi tại Bệnh viện Tai mũi họng TP.HCM - Ảnh: L.TH.H.
TT - Nhiều trẻ em bị hóc dị vật là tiền kim loại, hạt trái cây, đầu bút bi... Có trường hợp gia đình không biết cách xử trí khiến trẻ suýt tử vong.

Bác sĩ Lê Huỳnh Mai - trưởng phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Tai mũi họng TP.HCM - đã cảnh báo như vậy.

Nhiều trẻ hóc tiền kim loại

Bé Lê Đức An (2 tuổi, Bình Phước) được người nhà đưa đến Bệnh viện (BV) Tai mũi họng TP.HCM ngày 20-10 vì nuốt vướng, chỉ uống được sữa, không ăn được. Trước đó bốn ngày, bé đã nuốt phải một đồng tiền kim loại.

Theo bác sĩ Lê Huỳnh Mai, gần đây số trẻ em bị hóc dị vật là tiền kim loại ngày càng nhiều. Chỉ tính từ ngày 6-7 đến 10-10-2005, BV đã tiếp nhận 13 trẻ bị hóc dị vật. Trẻ bị hóc dị vật nhỏ nhất là 17 tháng, lớn nhất là 11 tuổi, đa phần là trẻ nhỏ 2-3 tuổi. Trong đó, có năm trẻ gắp ra được đồng tiền kim loại 500đ và 2.000đ.

Cá biệt có bé Nguyễn Thị Thùy Linh, 8 tuổi, ở Q.1, nuốt đến hai đồng kim loại 500đ. Với tám trẻ còn lại, dị vật đã trôi xuống dạ dày. Sau khi khám, BV cho về nhà theo dõi tiếp xem đồng kim loại có thải qua phân hay không. Nếu không ra được, bị tắc ruột phải đưa ngay trẻ đến BV phẫu thuật.

Bác sĩ Lê Huỳnh Mai khuyên: khi cho trẻ ăn những loại trái cây có hạt thì cha mẹ nên lấy hết hạt. Không cho trẻ chơi những loại đồ chơi nhỏ, đồng kim loại dễ cho vào miệng.

Nhắc trẻ ăn cẩn thận, không vừa ăn vừa nói chuyện hoặc đùa giỡn, vừa ăn vừa đọc báo. Nếu khi đang ăn có bị sặc, ho, khó thở thì phải đến BV khám ngay.

Ngoài tiền kim loại, BV còn tiếp nhận cấp cứu một số trẻ khác bị hóc đầu bút bi, đồ chơi xếp hình, hạt trái cây (thường là hạt chôm chôm, xapôchê, hạt dưa - nhất là vào dịp tết...), pin gắn trong các đồ chơi điện tử. Đặc biệt, nếu nuốt phải pin điện tử vào dạ dày sẽ rất độc, do môi trường axit trong dạ dày sẽ khiến pin gỉ sét... làm loét niêm mạc dạ dày.

Nguyên nhân trẻ bị hóc dị vật là do người nhà sơ ý để trẻ nhặt được đồng tiền kim loại hoặc đồ chơi cho vào miệng. Có khi cha mẹ cho bé ăn trái cây nhưng không lấy hết hạt. Những trẻ lớn hơn thường được cha mẹ cho tiền kim loại ăn quà nhưng lại đem ngậm chơi, hoặc chơi giấu tiền trong miệng rồi đùa giỡn, la hét khiến đồng tiền trôi vào họng.

Không dùng tay móc họng trẻ

Bác sĩ Mai cho biết nếu trẻ bị hóc dị vật đường thực quản thì ngay lúc đó trẻ sẽ có dấu hiệu mắc nghẹn, hốt hoảng, khó thở, khóc thét. Khoảng 30 giây đến một phút sau, trẻ hết triệu chứng do dị vật đã đi qua khỏi miệng thực quản. Tuy nhiên, cũng có những trẻ sau đó sẽ khó chịu, khó thở hơn do dị vật nằm trong thực quản ép vào thanh quản, khí quản.

Nếu trẻ bị hóc dị vật đường thở, ngay lập tức trẻ sẽ xuất hiện triệu chứng bị tím tái, khó thở. Nếu dị vật trôi qua được chỗ thanh môn thì trẻ sẽ dễ chịu lại, nhưng nếu vướng ngay thanh môn trẻ sẽ tím tái rất nhanh, ngưng thở và tử vong không kịp đưa đến BV.

Trong trường hợp trẻ tím tái, ngưng thở, cần sơ cứu bằng cách dốc ngược đầu trẻ xuống đất và dùng tay vỗ mạnh vào lưng để dị vật qua khỏi thanh môn (nhờ có áp lực không khí từ phổi trào ngược lên, giúp thay đổi vị trí dị vật), để trẻ dễ thở hơn. Chú ý trong lúc thở, dị vật vẫn có thể di chuyển làm bít lại đường thở khiến trẻ khó thở thêm. Sau đó đưa trẻ đến BV gần nhất để được xử trí cấp cứu ngay: bác sĩ sẽ cho trẻ thở oxy hoặc mở khí quản nếu khó thở nặng, rồi mới chuyển đến BV chuyên khoa can thiệp.

Khi trẻ bị hóc dị vật, tuyệt đối không dùng tay móc họng cho trẻ ói ra. Việc móc dị vật không đem lại kết quả gì mà có khi còn gây trào ngược chất ói, làm trẻ có thể hít phải chất ói - cũng nguy hiểm như hóc dị vật - khiến trẻ có thể tử vong. Có khi việc móc dị vật còn làm trầy xước vùng họng, gây phù nề cũng có thể làm trẻ khó thở hơn.

Ngoài ra, có những trẻ sau khi hóc dị vật có thể chỉ bị “hội chứng xâm nhập thoáng qua”: trẻ khó thở, tím tái nhưng sau đó dị vật trôi xuống khí quản, phế quản thì giảm hoặc hết triệu chứng. Nếu người nhà không để ý hoặc không đưa trẻ đi khám sau đó, trẻ sẽ bị ho dai dẳng, có cảm giác khó thở. BV đã gặp nhiều trường hợp trẻ ho dai dẳng, thở khó đi khám và điều trị khắp nơi nhưng không bớt, đến khi được nội soi mới phát hiện có dị vật.

LÊ THANH HÀ ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên