Cảnh báo được ông Đinh Anh Tuấn - vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ - trẻ em (Bộ Y tế) - đưa ra tại hội nghị hiếm muộn mở rộng với chủ đề: "Thách thức và giải pháp nâng cao hiệu quả hỗ trợ sinh sản", vừa được Bệnh viện Từ Dũ tổ chức vào ngày 6-1.
Theo ông Tuấn, hiện nay rất nhiều kỹ thuật hỗ trợ sinh sản đã được ứng dụng tại Việt Nam, mang lại hiệu quả cao cho các bà mẹ hiếm muộn. Đến nay, Việt Nam có khoảng 150.000 trẻ em được sinh ra từ kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, trong đó chủ yếu là thụ tinh trong ống nghiệm (IVF).
"Con số này nói lên rằng đã có 150.000 bà mẹ hạnh phúc vỡ òa, mang lại niềm hy vọng cho các cặp vợ chồng và các gia đình" - ông Anh Tuấn nhấn mạnh.
Tuy vậy, theo ông, trên thực tế rất nhiều người đã vô cùng vất vả trong hành trình tìm con, có những người đã vô vọng. Có những cặp vợ chồng đã sống khép kín hoặc chia tay nhau vì không thể có con.
Nhìn lại lĩnh vực hỗ trợ sinh sản, theo ông Tuấn, vẫn còn nhiều thách thức. Đó là không phải cơ sở nào cũng có tỉ lệ có thai cao, còn nhiều cặp vợ chồng không thể có thai mà không rõ nguyên nhân, tỉ lệ sẩy thai còn cao, trẻ sinh non, nhẹ cân.
Phần lớn hành trình đi tìm con của các cặp vợ chồng này rất khó khăn nếu chỉ dựa vào lương của người lao động. Bên cạnh những cơ sở cố gắng giảm chi phí cho bệnh nhân, còn có những cơ sở trục lợi người bệnh, lạm dụng chỉ định những kỹ thuật không cần thiết...
Hoặc thậm chí có hiện tượng lợi dụng kẽ hở pháp luật trong vấn đề hỗ trợ sinh sản, có những người đã thực hiện hành vi buôn bán tinh trùng, buôn bán noãn, buôn bán phôi, thậm chí là buôn bán trẻ em, đẻ thuê… Trong thời gian qua, nhiều vụ việc đã được ngành công an phát hiện, điều tra.
"Thời gian tới, hy vọng với sự hỗ trợ từ các chuyên gia đầu ngành sẽ giúp khắc phục được những thách thức này và có những hành động giúp ngành hỗ trợ sinh sản phát triển", ông Đinh Anh Tuấn nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận