04/11/2014 18:02 GMT+7

Cảnh báo du khách về tội phạm: nhiều nước phát tờ rơi

BÌNH MINH (Tổng hợp)
BÌNH MINH (Tổng hợp)

TTO - Bài viết Từ tờ rơi cảnh báo, nghĩ tư duy thoát hộp có đề cập việc công an P.Phạm Ngũ Lão (Q.1, TP.HCM) phát cho du khách nước ngoài tờ rơi khuyến cáo tự bảo vệ tài sản cá nhân.

Biển cảnh báo móc túi với nhiều ngôn ngữ được đặt tại bảo tang Louvre (Pháp). Nguồn: Le Figaro.
Biển cảnh báo móc túi với nhiều ngôn ngữ được đặt tại bảo tang Louvre (Pháp). Nguồn: Le Figaro.

Ý kiến bạn đọc phản hồi sự việc này cho rằng đây là biện pháp hay, cần được duy trì và nhân rộng. Nhưng cũng có quan điểm cho rằng cách làm này không hay lắm, có thể làm xấu hình ảnh đất nước.

Tuổi Trẻ thông tin thêm về một số biện pháp được cảnh sát trên thế giới sử dụng để bảo vệ khách du lịch khỏi các mối nguy hiểm.

Tờ rơi cảnh sát New Zealand cung cấp cho du khách dưới dạng PDF bản tiếng Anh. Nguồn: Trang web cảnh sát New Zealand.
Tờ rơi cảnh sát New Zealand cung cấp cho du khách dưới dạng PDF bản tiếng Anh. Nguồn: Trang web cảnh sát New Zealand.

Phát tờ rơi: Nhiều nước đã thực hiện!

Nhiều nước tiên tiến trên thế giới như Anh, Mỹ đã và đang thực hiện biện pháp phát tờ rơi cho du khách, đặc biệt tại các địa điểm đông người hoặc nơi tập trung nhiều tội phạm và tệ nạn xã hội.

Cảnh sát vùng South Yorkshire (Anh) đã phát tờ rơi cho khách du lịch caravan (loại hình du lịch cho phép du khách tự lái xe và tổ chức các hoạt động trong suốt chuyến đi) nhằm cảnh báo về nạn mất cắp xe tại đây.

Đoạn mở đầu phần “Khuyến cáo an toàn” có ghi rõ: “Gần 3.000 xe hơi của du khách caravan đã bị đánh cắp mỗi năm tại Anh. Bạn nên làm theo những khuyến cáo sau đây để tự bảo vệ tài sản của mình”.

Nội dung tờ rơi khuyên du khách cần để xe tại những nơi do cảnh sát quy định, nên khóa tất cả các cửa và tắt máy khi không sử dụng xe, không để tư trang có kèm thông tin cá nhân như địa chỉ nhà trên xe, v.v.

Tương tự, vào tháng 12-2013, cảnh sát tại thành phố Sarajevo (Bosnia) cũng đã cho in và phát hàng loạt tờ rơi cho du khách đến tham quan tại đây.

Tờ rơi khuyên khách du lịch để mắt đến tiền bạc, điện thoại, đặc biệt khi đến ăn tại các nhà hàng, cẩn thận khi rút tiền tại các trạm ATM và không mang theo số tiền quá lớn, cực kỳ cẩn trọng với người ăn xin vì họ “có thể là tội phạm cải trang”.

Các tờ rơi tại South Yorkshire và Sarajevo đều đăng kèm số điện thoại đường dây nóng của cảnh sát để du khách có thể liên lạc khi gặp trở ngại.

Năm 2012, cảnh sát thành phố Detroit thuộc tiểu bang Michigan (Mỹ) đã phát tờ rơi cho du khách đến xem bóng đá với lời cảnh báo được in đậm: “Bạn hãy tự chịu các rủi ro khi đến Detroit”.

Những mối nguy hiểm rình rập khách du lịch đến Detroit được liệt kê rõ phía dưới, bao gồm: Detroit là thành phố bạo lực nhất, có tỉ lệ giết người cao nhất nước Mỹ trong khi đó số lượng cảnh sát lại không đủ để bảo vệ du khách.

Tờ rơi cảnh báo của cảnh sát vùng South Yorkshire (Anh) cho khách du lịch caravan. Nguồn: Trang web cảnh sát South Yorkshire.
Tờ rơi cảnh báo của cảnh sát vùng South Yorkshire (Anh) cho khách du lịch caravan. Nguồn: Trang web cảnh sát South Yorkshire.

 

 

Đăng cảnh báo trên website

Bên cạnh việc phát tờ rơi, chính quyền tại các nước trên thế giới cũng dùng nhiều biện pháp để cảnh báo khách du lịch về những mối nguy hiểm, hoặc đưa ra các lời khuyên để họ có được chuyến đi an toàn, trọn vẹn.

Cảnh sát tại một số nơi như Hồng Kông, New Zealand hoặc các thành phố, tiểu bang ở Úc, Mỹ chọn cách đăng các cảnh báo trực tiếp lên website trong mục dành cho khách du lịch.

Riêng New Zealand, du khách còn có thể tải các khuyến cáo này dưới dạng pdf để in ra và mang theo bên mình, ngoài bản tiếng Anh còn có tiếng Hoa, tiếng Hàn, tiếng Nhật.

Nội dung đăng tải trên các trang này chủ yếu đều nói về các rủi ro như bị cướp giật, móc túi, mua phải hàng giả, tai nạn giao thông v.v và các cách phòng tránh.

Trang web của đội “cảnh sát du lịch tình nguyện” tại Phuket (Thái Lan)
Trang web của đội “cảnh sát du lịch tình nguyện” tại Phuket (Thái Lan)

Tại Phuket (Thái Lan) còn có đội “cảnh sát du lịch tình nguyện” bao gồm các tình nguyện viên đáp ứng đủ yêu cầu về sức khỏe, tuổi tác, trình độ văn hóa. Các cảnh sát này được đào tạo để sẵn sàng bảo vệ du khách trong trường hợp nguy hiểm như bị cướp, móc túi hay chuốc rượu dẫn đến mất cảnh giác.

Tại Anh, Pháp, chính quyền cũng cho in các biển cảnh báo đề phòng móc túi, trộm cắp ở các nơi đông người qua lại, thu hút khách du lịch như Luân Đôn (Anh) hay bảo tàng Louvre (Pháp).

Biển cảnh báo nạn móc túi, trộm cắp tại Luân Đôn (Anh). Nguồn: fotolibra
Biển cảnh báo nạn móc túi, trộm cắp tại Luân Đôn (Anh). Nguồn: fotolibra
BÌNH MINH (Tổng hợp)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên