Phó thủ tướng Vương Đình Huệ: Chính phủ sẽ sàng lọc dự án đầu tư FDI theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả - Ảnh: T.C.
Một số thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tiền tệ quốc gia đưa ra cảnh báo trong phiên họp quý 3 của hội đồng ngày 25-9.
Trước đó, Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch - đầu tư cho biết tính đến cuối tháng 8-2019, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của doanh nghiệp trong nước đạt 22,63 tỉ USD, bằng 92,9% cùng kỳ 2018.
Trong khi đó, số dự án FDI được cấp mới đạt 2.406 dự án, tăng 25,4% số dự án FDI cấp mới, tổng vốn FDI đăng ký cấp mới đạt 9,13 tỉ USD, bằng 67,7% cùng kỳ năm trước.
Quy mô vốn đầu tư các dự án FDI giảm, trong 8 tháng năm 2019 không có dự án đầu tư mới nào có quy mô vốn trên 300 triệu USD.
Phát biểu tại phiên họp, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ chia sẻ với lo ngại của các thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tiền tệ quốc gia, ông cho biết Chính phủ sẽ hoàn thiện pháp luật về đầu tư FDI, khắc phục các rủi ro bằng biện pháp sàng lọc, kiểm soát đầu tư theo tinh thần Nghị quyết số 50 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.
Đó là, không thu hút hợp tác ở các lĩnh vực đang dư thừa công suất vì chiến tranh thương mại, dự án được thẩm lậu công nghệ từ nước khác sang Việt Nam hay dự án ở một số lĩnh vực nhạy cảm năng lượng, cảng biển, đường sắt, an ninh quốc phòng.
Doanh nghiệp tiếp cận vốn rẻ hơn khi các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay trong 8 tháng - Ảnh: T.C.
Tại cuộc họp, các thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tiền tệ quốc gia đều nhận định mặc dù kinh tế thế giới và các nền kinh tế lớn tăng trưởng chậm lại, thị trường tài chính tiền tệ, thương mại toàn cầu biến động phức tạp nhưng kinh tế trong nước diễn biến khả quan và đạt nhiều kết quả quan trọng trong 9 tháng.
Đặc biệt, các thành viên hội đồng đánh giá cao điều hành chính sách tiền tệ đạt kết quả tích cực trong bối cảnh rủi ro gia tăng. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước đã giảm 0,25 điểm lãi suất điều hành, làm giảm chi phí vay vốn, tạo điều kiện ổn định mặt bằng lãi suất thị trường.
Lãi suất cho vay phổ biến tại các ngân hàng thương mại ở mức 6-9%/năm đối với vay ngắn hạn và 9-11%/năm đối với khoản vay trung và dài hạn, bảo đảm cung tiền cho nhu cầu đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, Hội đồng tư vấn Chính sách tiền tệ quốc gia cũng lưu ý về năng lực hấp thụ vốn của nền kinh tế còn kém do vướng mắc thể chế, trong đó có việc chậm phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, phát triển doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, các vướng mắc trong đầu tư tư nhân, thực hiện các hợp đồng công tư.
Các thành viên hội đồng cũng lưu ý nếu Chính phủ không gỡ được các nút thắt này thì sẽ khó bảo đảm cho tăng trưởng cao hơn mà còn ảnh hưởng tới suy giảm tăng trưởng trong thời gian tới.
Ngoài các vấn đề lớn trên, các thành viên hội đồng cũng đưa ra khuyến nghị nên kích thích phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp thay vì tạo ra những quy định hạn chế thị trường này. Bên cạnh đó, Chính phủ xem xét bảo lãnh Chính phủ đối với trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu thực hiện các dự án công trình quan trọng của quốc gia.
Tuy nhiên, để kiểm soát được thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Chính phủ cần rà soát lại nghị định số 163, tăng cường dịch vụ xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp; tăng kiểm tra, kiểm soát bảo đảm lành mạnh thị trường, gắn kết điều hành trái phiếu Chính phủ với điều hành phát hành trái phiếu doanh nghiệp và chính sách tiền tệ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận