Mỗi ngày, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương tiếp nhận khám từ 220-240 bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường - Ảnh: XUÂN MAI
Qua khám sức khỏe tổng quát, xét nghiệm tiền phẫu hay chủ động khám do gia đình có người bị đái tháo đường, nhiều người vô tình biết nồng độ đường trong máu (còn gọi là glucose) vượt mức bình thường, nhưng lại chưa cao tới mức đái tháo đường.
Các bác sĩ nội tiết cho biết, nếu phát hiện sớm ở giai đoạn này và có biện pháp can thiệp thích hợp, không những chặn đứng tiến triển tiền đái tháo đường type 2 mà có thể đưa nồng độ đường trong máu quay về mức bình thường.
Sát ngưỡng đái tháo đường type 2
Dù ăn uống nhiều và ngon miệng nhưng anh V.M.L. (34 tuổi, ngụ TP.HCM) luôn cảm thấy trong người bức bối khó chịu và sút 5kg trong vòng 2 tháng qua. Các triệu chứng này khiến anh rất lo lắng. Anh L. đi khám sức khỏe tổng quát và biết được mình mắc bệnh đái tháo đường với nồng độ đường trong máu cao.
Được biết anh L. làm nghề xây dựng, thường xuyên ở công trường, mức lao động từ trung bình đến nặng. Anh ăn khỏe, thừa cân, chế độ ăn nhiều tinh bột và anh cũng có thói quen uống nhiều nước ngọt (trung bình 2-4 lon/ngày). "Khi uống nước ngọt, tôi cảm thấy khỏe hơn" - anh L. nói.
May mắn hơn anh L., nhiều người vô tình biết nồng độ đường trong máu cao hơn mức bình thường qua khám sức khỏe tổng quát hay xét nghiệm tiền phẫu…
Theo Hiệp hội đái tháo đường Mỹ, nếu không có những biện pháp can thiệp thì những người có nồng độ đường trong máu cao hơn mức bình thường có thể chuyển sang đái tháo đường type 2 trong vòng 3-10 năm.
BS CKII Nguyễn Thị Mây Hồng - trưởng khoa nội tiết Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM) - thông tin mỗi ngày khoa nội tiết tiếp nhận khám và điều trị hơn 150 bệnh nhân đái tháo đường ngoại trú, trong đó có khoảng 3-5 bệnh nhân mới được chẩn đoán.
Ngoài ra, khoa còn có 50 giường bệnh nội trú và rất nhiều bệnh nhân đái tháo đường khám và điều trị tại các khoa phòng khác vì những bệnh lý phối hợp như bệnh cơ xương khớp, tim mạch, hô hấp, nhiễm trùng…
Còn theo thống kê của Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM), mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khám từ 220-240 bệnh nhân mắc bệnh này, trong đó có 5-10 bệnh nhân mới.
"Nhiều bệnh nhân vô tình phát hiện nồng độ đường trong máu cao vì những lý do khác. Họ thường bất ngờ vì thực tế họ không thấy bất kỳ dấu hiệu nào cảnh báo bản thân mắc bệnh" - BS CKI Chu Lý Hải Vân (khoa nội tiết Bệnh viện Nguyễn Tri Phương) nói.
Tiến triển âm thầm, khó nhận biết
Các bác sĩ cho hay những năm gần đây, độ tuổi mắc bệnh đái tháo đường ngày càng trẻ hóa (dưới 40 tuổi) với biểu hiện triệu chứng lâm sàng đa dạng (không chỉ xoay quanh 4 dấu hiệu điển hình: sụt cân, ăn nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều) và có thể không có triệu chứng.
Theo BS Vân, tiền đái tháo đường và đái tháo đường type 2 thường không có triệu chứng nên phần lớn bệnh nhân phát hiện bệnh qua khám sức khỏe tổng quát, qua xét nghiệm tiền phẫu vì một bệnh lý khác hoặc bệnh nhân chủ động đến khám do gia đình có người bị đái tháo đường.
Tuy nhiên, do không có triệu chứng, nhiều bệnh nhân đã có tình trạng tăng đường huyết từ lâu trước khi được chẩn đoán mắc đái tháo đường type 2. Vì vậy tại thời điểm phát hiện, người bệnh đã xuất hiện các biến chứng trên các cơ quan như tim, não, thận, mắt, thần kinh ngoại biên...
Một số bệnh nhân nhập viện vì các biến chứng cấp của tăng đường huyết: nhiễm trùng chân, hôn mê tăng đường huyết…
"Việc phát hiện sớm rất quan trọng, giúp làm chậm thời gian xuất hiện các biến chứng, đơn giản hóa việc điều trị, giảm gánh nặng kinh tế cũng như kéo dài thời gian và nâng cao chất lượng sống của bệnh nhân"- BS Vân nói.
Biện pháp can thiệp là gì?
Hiện nay các xét nghiệm để chẩn đoán bệnh đái tháo đường bao gồm xét nghiệm đường huyết đói, HbA1c, nghiệm pháp dung nạp glucose. Theo tiêu chuẩn chẩn đoán đái tháo đường của Hiệp hội đái tháo đường Mỹ, nếu đường huyết dưới 100mg/dL là bình thường, từ 100-125mg/dL là tiền đái tháo đường, còn ≥ 126mg/dL là đái tháo đường (cần có những quy chuẩn thực hiện trong nhiều thời điểm để đánh giá chính xác).
Thực tế hiện nay nhiều người tự ý tham khảo và áp dụng các biện pháp can thiệp đưa nồng độ đường về mức bình thường sau khi hay tin nồng độ đường trong máu cao. Tuy nhiên, BS Hồng cho rằng với phương pháp này có người đi đúng, áp dụng được và ngược lại.
"Chỉ có bác sĩ điều trị mới quyết định bệnh nhân sử dụng tổng năng lượng một ngày như thế nào, từ đó chiết lọc thành khẩu phần ăn hợp lý cho họ ra sao"- BS Hồng nhấn mạnh.
Các bác sĩ khuyến cáo những người được chẩn đoán tiền đái tháo đường cần theo dõi đường huyết hằng năm và có thể điều trị sớm nếu bệnh nhân có yếu tố nguy cơ cao.
Bên cạnh đó, cần xây dựng một chế độ ăn đa dạng, đầy đủ chất: tăng cường rau xanh, các loại ngũ cốc nguyên hạt, bổ sung đạm từ cá, động vật, giảm tinh bột, hạn chế chất béo từ mỡ động vật, nội tạng… Tránh lối sống tĩnh tại, tập luyện thể dục thể thao phù hợp với mình (150 phút/tuần).
Đối với những người đang mắc bệnh đái tháo đường cần nhớ nguyên tắc điều trị quan trọng nhất là chế độ dinh dưỡng, vận động và dùng thuốc. Một bệnh nhân có tinh thần tốt, ăn uống phù hợp, kỹ lưỡng, tập thể dục đều đặn thì sẽ giúp kiểm soát đường huyết tốt.
Tăng nguy cơ mắc bệnh trầm cảm
Bệnh đái tháo đường thường tăng nguy cơ mắc bệnh trầm cảm do bệnh nhân bị áp lực về chế độ sinh hoạt, ăn uống, tiêm thuốc insulin, cảm giác mình là gánh nặng kinh tế cho gia đình... Theo nghiên cứu của khoa nội tiết Bệnh viện Bạch Mai từ năm 2013-2017 phát hiện tỉ lệ bệnh nhân đái tháo đường type 2 mắc bệnh trầm cảm chiếm 44,5%.
Khi thêm bệnh trầm cảm, bệnh nhân thờ ơ với sức khỏe bản thân mình, không còn muốn điều trị, ngoài ra stress còn làm cơ thể tiết ra những hormon làm tăng đường huyết. Vì thế, khi có vấn đề về tâm lý cần gặp và chia sẻ với bác sĩ. Một tinh thần thoải mái, ổn định sẽ giúp người bệnh đái tháo đường dễ đạt được mục tiêu kiểm soát đường huyết hơn.
BS CKI CHU LÝ HẢI VÂN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận