Đó là tiền vệ Olise của Crystal Palace và tiền đạo Deivid Washington của Santos. Nếu hoàn thành các bản hợp đồng này, Chelsea một lần nữa sẽ lại vươn lên dẫn đầu bảng tổng sắp chi tiêu cho thị trường chuyển nhượng mùa hè.
Cuộc chuyển nhượng điên rồ
Tính tới ngày 17-8, đội chủ sân Stamford Bridge đã chi ra 390 triệu euro để mua cầu thủ trong mùa hè này. Nhưng bù lại, họ cũng đã thu về đến 255 triệu euro từ chiều bán. Tức Chelsea chỉ mới thực chi 135 triệu euro sau khi mua về Lavia.
Đội đang dẫn đầu bảng xếp hạng về mức thực chi cho thị trường chuyển nhượng hè này ở Premier League là Arsenal với 200 triệu euro. Nhưng Arsenal đang dự tính đẩy bớt đi một vài cầu thủ dư thừa để cân đối chi tiêu. Còn Chelsea, trái lại, sẽ phải chi ra hơn 60 triệu euro nữa để đón về bộ đôi Olise - Washington. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên nếu đến cuối tháng 8 Chelsea lại trở thành "nhà vô địch" về mua sắm.
Kể từ mùa hè năm 2022, báo giới đã dành nhiều giấy mực để nói về công cuộc chuyển nhượng điên rồ của Chelsea. Trong cả hai kỳ chuyển nhượng hè và đông của mùa giải 2022 - 2023, Chelsea chi 611 triệu euro và chỉ thu về 68 triệu euro trên thị trường chuyển nhượng.
Truyền thông thế giới liên tục phải phân tích về việc vì sao Chelsea vẫn không bị Luật Công bằng tài chính (FFP) của UEFA cũng như Premier League sờ gáy.
Chiêu thức lách luật của Chelsea
Việc Chelsea chia nhỏ năm tài khóa bằng cách ký hợp đồng dài hạn với các tân binh là một nguyên do. Ví dụ, Chelsea ký hợp đồng có thời hạn 8 năm rưỡi với Mudryk. Vì vậy mức phí chuyển nhượng 70 triệu euro của họ sẽ được rải đều thành 8,2 triệu euro mỗi năm, từ giờ cho đến năm 2031. Chelsea đã nỗ lực tận dụng khe hở của luật bằng cách ký hợp đồng dài hạn với nhiều ngôi sao như vậy.
Luật Công bằng tài chính mới áp dụng của UEFA cho phép mỗi CLB lỗ tối đa 60 triệu euro theo chu kỳ 3 năm. Đi cùng với đó là một loạt quy tắc khác như chỉ cho phép các CLB dùng tối đa 70% doanh thu của đội bóng để trả lương, chuyển nhượng và chi tiền hoa hồng cho người đại diện cầu thủ. Nhằm giúp các đội bóng thích nghi với luật, UEFA hạn định mức này là 90% ở mùa 2023 - 2024, rồi giảm dần thành 80% cho mùa tiếp theo, và 70% cho mùa 2025 - 2026.
Nhằm hạn chế "chiêu trò" của những CLB như Chelsea, cũng từ tháng 7 năm nay, UEFA giới hạn mức chia nhỏ hợp đồng chuyển nhượng tối đa 5 năm. Tức dù Chelsea có ký hợp đồng 8 năm với Caicedo, họ cũng chỉ có thể chia nhỏ thành 5 mùa giải theo luật mới của UEFA.
Việc Chelsea có vi phạm FFP hay không là một câu hỏi phức tạp mà các chuyên viên tài chính của UEFA và Premier League phải theo dõi trong nhiều năm tới. Nhưng chỉ cần là một người hâm mộ cũng có thể nắm được tình cảnh của Chelsea lúc này. Họ có thể chưa bị FFP sờ gáy vào năm nay, nhưng trong những năm tới, Chelsea lại bị trói buộc hoàn toàn.
Chơi thăng hoa để lấp đầy mức âm trong năm tài khóa
Hơn một năm qua, Chelsea đã thực chi khoảng 800 triệu euro cho việc chuyển nhượng. Tức từ giờ cho đến 7-8 năm tới, mùa giải nào Chelsea cũng đã âm sẵn khoảng 100 triệu euro về mặt chuyển nhượng. Và đó là chưa hề tính đến quỹ lương cùng nhiều khoản chi khác.
Cách tốt nhất để giải quyết nỗi lo đó là trong vài năm tới thầy trò HLV Mauricio Pochettino phải chơi cực kỳ thăng hoa. Chỉ có như vậy, những khoản thu từ Champions League, từ thương mại, từ tiền thưởng… mới lấp đầy mức âm trong năm tài khóa của Chelsea.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận