Canh bạc của Tiểu Hổ: Khi nhà cái chết bởi “tay con”

HỒ QUỐC TUẤN 21/04/2021 03:00 GMT+7

TTCT - Hai ngân hàng “đại bàng” của giới tài chính toàn cầu, Credit Suisse (Thụy Sĩ) và Nomura (Nhật Bản), đã thua lỗ cả chục tỉ đôla vì một tay chơi cá nhân, cho thấy một hãng đầu tư nhỏ lẻ có thể đe dọa sự ổn định của cả thị trường tài chính thế giới.

Đầu tháng 4-2021, giới đầu tư quốc tế rúng động vì vụ bán giải chấp cổ phiếu - tức bán cổ phiếu mua bằng tiền vay để trả nợ vay nhằm mua chính cổ phiếu đó - của quỹ đầu tư Archegos. Theo Bloomberg, giá trị tài sản bán ra lên tới 30 tỉ đôla.

Bill Hwang có biệt danh là Tiểu Hổ. Ảnh: StockExchange

 

Đợt bán giải chấp vào loại lớn nhất lịch sử với một quỹ đầu tư này khiến một số chuyên gia nhắc đến vụ sụp đổ Lehman Brothers, quân domino đầu tiên của cuộc khủng hoảng tài chính 2007. 

Rất may là cuối cùng vụ này không đến nỗi như vậy. Nhưng đã có những ngân hàng làm ăn với Archegos điêu đứng, như Credit Suisse công bố lỗ gần 5 tỉ đôla và một số sếp cấp cao phải từ chức.

Vấn đề là Archegos là gì và vì sao họ lại gây sóng gió như vậy?

Archegos - tiếng Hi Lạp nghĩa là “người tiên phong” - là một công ty quản lý quỹ gia đình do Bill Hwang thành lập. 

Hwang có biệt danh “Tiểu Hổ” (Tiger Cub) vì xuất thân từ quỹ đầu tư Tiger Management của nhà quản lý quỹ lão làng Julian Robertson. 

Sau khi ra riêng với khởi điểm 23 triệu đôla vốn mồi từ Robertson năm 2001, tổng tài sản quỹ Tiger Asia Management của Hwang từng lên đến đỉnh điểm 8 tỉ đôla với tỉ suất sinh lợi hằng năm ước tính 40%, theo Bloomberg.

Nhưng năm 2012, Hwang buộc phải giải thể Tiger Asia Management vì bị cáo buộc giao dịch nội gián. 

Bị các cơ quan quản lý thị trường Hong Kong và Mỹ cấm quản lý quỹ đại chúng, Hwang lách luật bằng cách mở quỹ đầu tư gia đình (family office) Archegos và tiếp tục những hoạt động đầu tư đầy rủi ro không khác gì đánh bạc.

Hwang sử dụng đòn bẩy tài chính, vay nợ cực lớn để đầu tư cổ phiếu, thông qua công cụ hoán đổi cổ phiếu (equity swap). 

Ông bỏ một ít vốn vào tài khoản ký quỹ của các ngân hàng đầu tư để được tham gia một loạt hợp đồng hoán đổi cổ phiếu mà Archegos phải định kỳ trả phí và lãi suất cho ngân hàng, còn ngân hàng là nơi mua và đứng tên cổ phiếu Archegos muốn đặt cược. Lời lỗ thì ngân hàng và Archegos chia nhau. 

Nghiệp vụ này thật ra là ngân hàng cho Archegos vay tiền để đặt cược mà không cần trực tiếp sở hữu cổ phiếu, giúp Archegos tránh được nhiều trách nhiệm công bố thông tin.

Một số chuyên gia ước lượng Archegos có thể đã vay đến 5 lần số tiền ký quỹ, tức nếu giá cổ phiếu giảm 10% thì Archegos sẽ lỗ đến 50% tiền ký quỹ, có thể bị buộc nộp thêm tiền ký quỹ hoặc bị bán giải chấp. 

Do biến động bất lợi của thị trường vào cuối tháng 3, Archegos lỗ nặng và không có khả năng bù thêm tiền ký quỹ. Thế là các ngân hàng đầu tư phải bán giải chấp số cổ phiếu họ đang giữ làm tài sản thế chấp để tránh thua lỗ.

Thiệt hại nặng nhất trong vụ này, ngoài Credit Suisse, là 3 ngân hàng Nhật Nomura, Mitsubishi UFJ và Mizuho. Do lượng cổ phiếu quá lớn bị bán ra trong một thời gian ngắn và nhiều ngân hàng tranh nhau bán, giá cổ phiếu rớt mạnh, có loại rớt hơn 60%, ai bán chậm sẽ lỗ nặng.

Đây có thể coi là hồi chuông báo động với hệ thống tài chính toàn cầu vốn vẫn hết sức mong manh. Nhiều “nhà cái” như Credit Suisse vẫn cho những “tay con” khát nước như Archegos đặt cược quá lớn. 

Khi “tay con” thua thì nhà cái lãnh đủ vì không thể phân tán rủi ro. Các ngân hàng dính đòn lần này là ở Nhật Bản và Thụy Sĩ, những nơi mức lãi suất đã về zero, thậm chí là âm. Thiếu cơ hội đầu tư với tỉ suất lợi nhuận tốt trong nước, họ mờ mắt vì khoản phí sản phẩm và lãi suất ngon lành của dịch vụ hoán đổi cổ phiếu mà quên mất rủi ro tiềm ẩn.

Điều đáng lo ngại là không ai biết các quỹ đầu tư gia đình đang làm gì, đặt cược bao nhiêu, vào những cổ phiếu gì, vay mượn ra sao, do họ được miễn giảm công bố thông tin, không chịu nhiều ràng buộc như các quỹ đầu tư khác, với lý do chỉ quản lý tài sản cho một vài cá nhân giàu có, không gây rủi ro hệ thống.

Vụ Archegos cho thấy cách nghĩ này hơi chủ quan. Một quỹ cá nhân vẫn có thể được cho vay đặt cược rất lớn, gây ra những khoản thua lỗ đến hơn 10% vốn của một ngân hàng đầu tư đại gia - Credit Suisse có vốn cổ phần khoảng 45 tỉ đôla. Mức lỗ gần 5 tỉ đôla trong thương vụ Archegos coi như xóa sạch toàn bộ lợi nhuận năm 2020 của họ.

Nguy cơ rủi ro hệ thống có thật, trong khi cơ quan quản lý không biết gì về cuộc cờ bạc tới khi mọi chuyện đã vỡ lở. Nếu đã xác định có rủi ro hệ thống, sẽ phải kiểm soát cẩn thận. 

Cái này thì Mỹ, châu Âu và Trung Quốc đều đang tìm hiểu. Việt Nam cũng cần quan tâm, vì biết đâu hiện cũng có những canh bạc như vậy đang diễn ra qua hệ thống các công ty có liên quan đến ngân hàng.■

Những kẻ nhanh chân

Không phải ngân hàng đầu tư nào làm ăn với Archegos cũng phải chịu trận như Credit Suisse và Nomura.

Ảnh: The Economist

 

Buổi tối ngay trước khi chuyện Archegos trở thành tin tức rộng rãi, nhà cái chính của quỹ này - ngân hàng đầu tư Mỹ Morgan Stanley - đã kịp lặng lẽ bán trước một số vụ đặt cược rủi ro nhất của Archegos. Hai từ khóa ở đây là “bán trước” và “lặng lẽ”.

CNBC nói Morgan Stanley đã bán số cổ phiếu trị giá 5 tỉ đôla từ cuối ngày 25-3. Động thái bỏ chạy kịp thời này là một pha ghi bàn ngoạn mục của Morgan Stanley, hiện là hãng buôn chứng khoán lớn nhất thế giới, dù đó là một bàn thắng nhiều tiểu xảo.

Gói chứng khoán mà Morgan Stanley bán ra bao gồm khoảng 8 tên tuổi trong các ngành truyền thông và công nghệ, với những thương hiệu Trung Quốc đã là đối tượng của giới đầu cơ lớn thời gian qua như Baidu hay Tencent Music.

Morgan Stanley là hãng nắm giữ nhiều nhất 10 cổ phiếu hàng đầu mà Archegos đặt cược tính tới cuối năm 2020, với các khoản đầu tư tổng cộng 18 tỉ đôla, theo một phân tích thị trường được CNBC dẫn lại. 

Credit Suisse, hãng thua lỗ nhiều nhất trong sự cố vừa rồi, chỉ là đối tác thứ hai của Archegos - nắm giữ 10 tỉ đôla. Xét theo tỉ lệ, Morgan Stanley lẽ ra đã thua lỗ 10 tỉ đôla nếu không nhanh chân chạy thoát trước chỉ mấy tiếng đồng hồ.

Tiểu xảo thứ hai của Morgan Stanley ngoài việc bán trước là họ có thể lẳng lặng làm điều đó khi chọn bên mua chủ yếu là các “quỹ phòng hộ” (hedge fund, mà trái với tên gọi, thật ra là những con bạc cực kỳ khát nước, đánh lớn, chấp nhận rủi ro lớn, ít minh bạch thông tin - chứ chẳng hề “phòng hộ” gì cả), tức họ không cần công khai thông tin giao dịch như bán cho khách hàng của mình. 

Goldman Sachs, kình địch của Morgan Stanley, cũng bán ra 10,5 tỉ đôla cổ phiếu liên quan Archegos vào hôm sau, 26-3, nhưng đã công khai việc này qua loạt email gửi cho một danh sách rộng lớn những khách hàng.

Chính hai vụ bán này dẫn tới tình trạng “vỡ đê” chứng khoán Archegos.

“Đó là một cuộc tháo chạy khốn nạn của năm ngân hàng khác nhau đang cố gắng bán ra hàng tỉ đôla rủi ro cùng lúc, không thèm trao đổi gì với nhau, sẵn sàng bán ở bất cứ giá nào có lợi cho bản thân họ”, CNBC dẫn lời một chuyên gia giấu tên trong ngành nói.

Cũng vị này nói rằng điều trớ trêu là trong khi các quỹ phòng hộ đã mua phải cổ phiếu Archegos không khỏi có cảm giác bị Morgan Stanley đánh lừa, họ vẫn khó lòng bỏ hãng này do vẫn muốn được tiếp cận những cổ phiếu IPO mà Morgan Stanley, với tư cách ngân hàng số một của các hãng công nghệ Mỹ, thường là đơn vị đứng ra bảo lãnh phát hành. 

CHIÊU VĂN

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận