Thức uống chứa caffeine kích thích hệ thống thần kinh trung ương, giúp người uống tỉnh táo, và cảm thấy tràn đầy năng lượng hơn. Cà phê cũng có thể ảnh hưởng đến cơ thể của người uống theo nhiều cách khác nhau. Đôi khi, người ta cảm thấy càng uống cà phê lại càng cảm thấy cơ thể mệt mỏi, mí mắt trĩu nặng, và đi vào giấc ngủ nhanh hơn cả bình thường.
Tình trạng có vẻ đi ngược với số đông, khiến không ít người cảm thấy hoang mang lo lắng. Trên thực tế, cơn buồn ngủ sau khi uống cà phê có thể do nhiều nguyên nhân. Điều này cũng không hề mới mẻ và cũng không phải dấu hiệu sức khỏe tiềm ẩn nào.
Tác dụng ngược bởi tích tụ adenosine
Liên kết Adenosine trong não có tác dụng kiểm soát và điều chỉnh chu kỳ thức – ngủ của chúng ta. Mức adenosine tăng trong giờ thức dậy và giảm trong khi ngủ.
Khi bạn uống cà phê, dạ dày và ruột non hấp thụ caffeine, thông qua máu phân phối nó đến nhiều bộ phận của cơ thể, bao gồm cả não. Thông thường, các phân tử adenosine liên kết với các thụ thể đặc biệt trong não, làm chậm hoạt động của não để chuẩn bị cho giấc ngủ. Tuy nhiên, sau khi caffeine đến não, nó sẽ ngăn điều này xảy ra bằng cách liên kết với các thụ thể adenosine tại đây.
Cơ thể nhanh chóng hấp thụ caffeine, vì vậy mọi người có thể cảm nhận được tác dụng của nó trong vòng vài phút nhưng khi cơ thể chuyển hóa hoàn toàn caffeine, tác dụng của nó sẽ mất dần.
Ở phần lớn trường hợp, khi caffeine xuất hiện tại não, nó sẽ liên kết với các thụ thể adenosine để ngăn chặn tác động của adenosine – khiến chúng ta tỉnh táo hơn. Nhưng không có nghĩa là não ngừng sản xuất thêm adenosine.
Vì vậy, một khi tác dụng của caffeine hết, sẽ có một sự tích tụ lớn của các adenosine đã liên kết với các thụ thể trong não, khiến chúng ta cảm thấy mệt mỏi và buồn ngủ.
Quá trình này diễn ra nhanh hay chậm tùy vào thể trạng từng người.
Cà phê là thuốc lợi tiểu
Một tác dụng phụ thường gặp của cà phê là đi tiểu nhiều hơn. Nếu bạn uống một lượng cà phê vừa phải (2 đến 3 tách), có thể không nhận thấy bất cứ điều gì bất thường, nhưng nếu uống 4 tách trở lên sẽ cảm nhận rõ ràng rằng nhu cầu đi tiểu tăng lên.
Tương tự như việc cơ thể bị mất nước khi sốt và nắng nóng, tiểu nhiều cũng khiến chúng ta cảm giác mệt mỏi, da khô và buồn ngủ hơn.
Để chống lại tình trạng mất nước, hãy uống nhiều nước lọc hơn, giảm cà phê xuống mức phù hợp, và ăn các loại thực phẩm có chứa nước, chẳng hạn như trái cây và rau quả. Nếu các triệu chứng buồn ngủ sau khi uống cà phê đi kèm ngất xỉu, nhịp tim tăng nhanh, thở nhanh, lú lẫn hoặc co giật, hãy tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay lập tức.
Uống loại cà phê chứa quá nhiều đường
Một số loại cà phê hòa tan thường có lượng lớn đường, sữa và chất tạo ngọt. Lượng cà phê thực sự chỉ chiếm một phần rất nhỏ, mặc dù sản phẩm đó vẫn được coi như cà phê.
Điều này có nghĩa là khi tiêu thụ sản phẩm này, cơn buồn ngủ ập đến không phải do cà phê mà do đường trong nó. Khi cơ thể hấp thụ nhiều đường hơn bình thường, insulin sẽ được sản xuất để điều chỉnh lượng lượng đường đó. Tuy nhiên, insulin cũng gây ra tình trạng giảm đường huyết, khiến chúng ta cảm thấy thiếu năng lượng và mệt mỏi hơn. Đi kèm với đó là cảm giác đói, cáu kỉnh, lo lắng, đổ mồ hôi, chóng mặt hoặc buồn nôn.
Cà phê bị mốc
Một trong những lý do khác cho cơn buồn ngủ sau khi uống cà phê là do bạn tiêu thụ tách cà phê quá hạn đã nhiễm nấm mốc.
Một số nghiên cứu khoa học cho thấy, cà phê bị mốc có chứa aflatoxin B1 ochratoxin A – một độc tố được coi là “có thể chấp nhận được theo các giới hạn pháp lý”.
Tuy nhiên, việc tiếp xúc với độc tố nấm mốc lại gây tình trạng mệt mỏi, buồn ngủ nhanh ở những người thể trạng yếu. Các triệu chứng khác bao gồm chóng mặt và khó suy nghĩ hoặc mất tập trung.
Một số người có khả năng dung nạp caffeine
Nếu tất cả những lý do trên đều không đúng thì bạn rơi vào nhóm cuối cùng: Người có khả năng dung nạp caffeine. Hiểu một cách dễ hiểu thì tình trạng này xảy ra ở những người thường xuyên tiêu thụ cà phê và đồ uống có chứa caffeine khác, cơ thể sẽ phát triển khả năng chịu đựng với nó.
Vì caffeine ngăn chặn các thụ thể adenosine, cơ thể họ sản xuất nhiều thụ thể adenosine hơn để chống lại tác động của việc tiêu thụ caffeine thường xuyên, và tăng khả năng chịu đựng các tác động kích thích của nó.
Có nghĩa là người khác uống cà phê thì tỉnh táo, còn nhóm người này uống cà phê hay bất cứ thức uống nào chứa caffeine cũng đều thấy không hề “xi-nhê” gì.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận